Xây nhà 7 tầng ở Mã Pì Lèng, trách nhiệm thuộc về ai?

KTS Ngô Viết Nam Sơn nói với Zing.vn công trình 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng chỉ ra những thiếu sót của khung pháp lý về bảo vệ di sản. Đây là vấn đề căn cơ cần được giải quyết sớm.

Báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) Hà Giang cho hay công trình nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ II di tích danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng.

Trao đổi với Zing.vn về ngôi nhà 7 tầng mọc lên ở một trong những vị trí đẹp nhất của đèo Mã Pì Lèng, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ cho thấy Luật Di sản văn hóa có kẽ hở lớn.

“Nơi này dứt khoát phải nằm trong vùng bảo vệ. Đây là địa điểm đẹp nhìn ra di sản và từ di sản cũng nhìn thấy. Việc công trình này nằm ngoài vùng bảo vệ, nếu dựa theo luật thì luật có khiếm khuyết lớn, nếu không đúng theo luật là sai lầm của người đánh giá vùng II”, KTS Nam Sơn nhận định.

Cần thêm quy hoạch vùng đệm của di sản

KTS Nam Sơn cho rằng phải đánh giá lại định nghĩa di sản và bảo vệ di sản. Hiện nay, việc bảo tồn chỉ khoanh vùng bảo vệ bản thân di sản. Trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, bảo tồn phải bao gồm bảo vệ không gian ảnh hưởng di sản.

Lấy ví dụ hòn đảo Mont Saint Michel là di sản của Pháp, ông dẫn chứng không gian ảnh hưởng đến đảo cũng được bảo vệ. Nhà chức trách Pháp không cho phép xây dựng công trình và bãi đậu xe quá gần đảo Mont-Saint-Michel, du khách phải đậu xe ở xa, đi xe buýt hoặc đi bộ qua đảo.

Đảo Mont Saint Michel ở Pháp. Ảnh: Civitatis.com.

Đảo Mont Saint Michel ở Pháp. Ảnh: Civitatis.com.

Hiện Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam quy định các khu vực bảo vệ di tích bao gồm khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II.

Khu vực I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng. Khu vực II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích.

KTS Nam Sơn cho rằng luật nên bổ sung vùng đệm trong vùng ảnh hưởng di sản. Đây là khu vực không nằm trong di sản nhưng là nơi ngắm di sản đẹp và từ di sản nhìn ra cũng thấy vùng này. Nếu xây dựng không đúng ở vùng đệm sẽ làm hỏng cả không gian di sản.

“Luật Di sản cần có sự bổ sung để không chỉ cứu trường hợp này mà cứu luôn những di sản khác có thể xảy ra việc tương tự”, ông nêu quan điểm.

Có thể cải tạo thay vì phá bỏ toàn bộ

KTS Nam Sơn cho rằng công trình Mã Pì Lèng Panorama sai về giấy phép nên chủ đầu tư phải chấp hành quyết định xử lý của cơ quan chức năng. Trong đó không loại trừ khả năng phá bỏ công trình.

Tuy nhiên, theo ông, có một một giải pháp mang tính dung hòa hơn là cải tạo công trình với những điều kiện phù hợp danh thắng Mã Pì Lèng.

Đầu tiên, sau khi cải tạo, công trình không được có chức năng khách sạn, nhà hàng. Thay vào đó có thể là chức năng nơi ngắm cảnh, điểm du khách dừng chân đi vệ sinh và có thể thu phí.

“Ở đây phải là một kiến trúc độc đáo đóng góp cho di sản. Công trình hiện tại đang làm xấu không gian di sản. Cần cải tạo lại để công trình hòa lẫn với thiên nhiên”, KTS Nam Sơn đề xuất.

Nếu theo hướng này, KTS Nam Sơn cho rằng 2 tầng trên cùng của Mã Pì Lèng Panorama từ đường bộ nhìn thấy phải bị phá bỏ. Những tầng dưới có thể được cải tạo thành sân vượt cấp để du khách đi bộ xuống ngắm cảnh, nhà vệ sinh giấu bên trong. Không gian hai bên cần được đắp đất, trồng cây để hòa hợp với đồi núi xung quanh. Khi đó, công trình sẽ chìm trong đất, không còn là mặt tiền.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có thể cải tạo Mã Pì Lèng Panorama thành công trình có công năng ngắm cảnh, chìm trong đất. Ảnh: Ngọc Tân.

Dù chọn phương án nào, KTS Nam Sơn cho rằng cần xử lý nghiêm trường hợp này. “Để tồn tại chức năng nhà hàng khách sạn, sau thời gian ngắn, việc này sẽ lan rộng ra, càng khó xử lý hơn”, ông nói.

Vị KTS nói thêm các công trình phát huy giá trị của di sản thiên nhiên hay di sản kiến trúc lý tưởng nhất nên thuộc sở hữu công vì phục vụ lợi ích công, sử dụng ngân sách công sẽ chủ động hơn. Tư nhân có thể tham gia với điều kiện có hướng dẫn cụ thể về cách ứng xử với di sản.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra điểm này là một thiếu sót khác về pháp lý khi Luật Di sản văn hóa mới tập trung việc bảo vệ nguyên trạng di tích và thiếu nội dung xây dựng công trình trong vùng được phép phải xây dựng thế nào để hài hòa, nâng cao giá trị di sản.

4 tầng trách nhiệm

"Đến nay, công trình chưa được cấp phép đầu tư, chưa phê duyệt, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có văn bản đề nghị Sở VHTTDL tham mưu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL cho ý kiến như đã nêu trên. Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư", lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Giang nói về kết quả kiểm tra công trình Mã Pì Lèng Panorama.

Tuy nhiên, việc để công trình 7 tầng kiên cố không có giấy phép mọc lên trên đèo Mã Lì Pèng theo KTS Nam Sơn có trách nhiệm của cả cấp tỉnh và cấp bộ.

Phân tích 4 tầng trách nhiệm, ông cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư là xây dựng không phép. Huyện Mèo Vạc có trách nhiệm là không dừng công trình đúng thời điểm.

Với tỉnh Hà Giang, KTS Nam Sơn đặt câu hỏi liệu tỉnh này đã có quy hoạch chi tiết khu vực để bảo tồn hiệu quả hay chưa. Ông cho rằng Hà Giang có thể đang đặt ra đề bài mâu thuẫn là vừa bảo tồn khu vực đèo Mã Pì Lèng vừa khuyến khích đầu tư.

Bà Vũ Thị Ánh, chủ của Mã Pì Lèng Panorama cho biết một số cán bộ của huyện Mèo Vạc động viên mình thực hiện công trình. Ảnh: Hoàng Hiệp.

“Trách nhiệm lớn hơn là của tỉnh. Khu vực di sản phải có quy hoạch. Khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách, bảo tồn chỗ nào, đầu tư chỗ nào phải có quy hoạch. Nhu cầu xây khách sạn, nhà hàng là có. Người dân không biết thông tin quy hoạch nên làm bậy”, KTS Nam Sơn nói.

Trách nhiệm cuối cùng, theo ông Nam Sơn, thuộc về cấp bộ khi để Luật Di sản văn hóa có kẽ hở. Ông dẫn chứng việc công trình 7 tầng ở Mã Pì Lèng được giới chuyên gia đồng thuận đều xâm phạm danh thắng nhưng không chịu sự điều chỉnh của pháp luật bảo vệ di sản mà chỉ vi phạm pháp luật xây dựng.

“Trường hợp phá hoại di sản không chỉ ở đây, còn ở Đà Lạt, Nha Trang. Bản thân luật phải bảo vệ được di sản. Luật Di sản cần được gấp rút điều chỉnh”, KTS Nam Sơn nói.

Ông chia sẻ Việt Nam có rất nhiều di sản giá trị lớn từ cấp quốc gia đến được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, nhiều đô thị như TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang đều gắn với di sản, nhưng thực trạng bảo tồn còn nhiều bất cập vì cơ sở pháp lý chưa hoàn chỉnh.

KTS Nam Sơn cho rằng các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết câu chuyện này vì đây là vấn đề quan trọng của quốc gia. Theo ông, Bộ VHTTDL có thể phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ khác hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ di sản.

“Chuyện này cũng là cái may, mới manh nha, nếu dừng được sẽ cứu được di sản này. Điều quan trọng hơn là nhấn mạnh yếu kém của Luật Di sản để điều chỉnh, cứu hàng nghìn di sản trên toàn quốc”, KTS Nam Sơn kết luận.

Chủ Mã Pì Lèng Panorama: 'Tôi xây nhà không hề vụng trộm' Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama, cho biết việc xây dựng công trình này là tâm huyết của bà, mong phát triển du lịch địa phương.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/xay-nha-7-tang-o-ma-pi-leng-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post997584.html