Xây nhà hát ở Thủ Thiêm: ĐBQH nêu lý do gây tranh cãi

Đầu tư dàn trải, đầu tư cho các dự án chưa giải ngân, thậm chí, dự án cần tiền thì không được đầu tư, dự án được đầu tư lại không được giải ngân… là những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm, thảo luận tại Quốc hội sáng 29/10 về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm qua lại có xu hướng chậm dần đều. Mặc dù Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo, ra nhiều văn bản thúc đẩy nhưng tình hình chưa được cải thiện.

ĐBQH đề nghị khắc phục một số vấn đề. Hiện, chưa có tiêu chí lựa chọn các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ cho đầu tư chưa rõ ràng, mới chỉ dừng lại ở các nguyên tắc để xác định các lĩnh vực nào được ưu tiên. Chưa có tiêu chí cụ thể để phân loại dự án nào được đưa vào lĩnh vực ưu tiên đó và dự án nào được ưu tiên lựa chọn đưa vào danh mục đầu tư công cũng như phân bổ vốn đầu tư.

ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu một trong số lý do khiến vụ xây nhà hát ở Thủ Thiêm hay xây bệnh viện, trường học gây tranh cãi thời gian qua.

Do vậy, ĐBQH đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư được đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư.

Nếu có được bộ tiêu chí này sẽ không còn tình trạng là phân bổ vốn đầu tư tràn lan, hoặc phân bổ cho các dự án không có khả năng giải ngân, chắc chắn cũng không còn tình trạng như thời gian vừa qua, tranh luận nên xây dựng nhà hát hay trường học, bệnh viện ở Thủ Thiêm.

Một trong những nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo ĐBQH Hoàng Văn Cường là do quy trình, thủ tục triển khai dự án đầu tư công rất phức tạp. Theo quy định hiện hành, phải xin ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành liên quan, có các cơ quan lập dự án, thẩm định, giám sát… là những cơ quan độc lập.

Tuy nhiên, thực tế có tình trạng tất cả các đơn vị tham gia lập dự án thẩm định, giám sát… thực chất chỉ là một người đứng ra lập, chỉ khác nhau về tên gọi, người giám đốc đứng tên. Do đó, nhiều doanh nghiệp hình thành nhưng không đưa vào hoạt động hoặc sau một thời gian lại giải thể để xóa vết tích. Việc này chỉ mất thêm thời gian, giấy tờ để hợp pháp hóa cho những việc làm đúng quy trình để không ai phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thất thoát.

Do đó, ĐBQH đề nghị cần thay đổi quy trình này, quy định rõ và đơn giản hóa quy trình, thủ tục triển khai các dự án đầu tư, quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư khi xảy ra thất thoát, lãng phí.

“Công khai toàn bộ hồ sơ dự án để mọi người quan tâm giám sát, theo dõi quá trình thực hiện dự án”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đề cập đến việc giảm chi thường xuyên đã có kết quả nhưng phần lớn phần chi này là chi cho con người. Lương của cán bộ công chức trong bộ máy hiện nay thấp, dẫn đến tham nhũng vặt tràn lan, tha hóa của cán bộ, công chức.

“Tôi đề nghị thay đổi chế độ trả lương theo thang bảng lương như hiện nay sang trả lương theo vị trí, việc làm, có đánh giá về hiệu suất công việc bằng các chỉ số, mô tả chức trách, kết quả hoàn thành công việc. Căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc để trả lương thì cán bộ công chức mới lo đến việc làm sao hoàn thành công việc, thì cắt giảm thủ tục hành chính mới hiệu quả chứ không chỉ là sự thúc ép của Thủ tướng hay đòi hỏi của người dân. Đây là việc cần tiến hành ngay”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xay-nha-hat-o-thu-thiem-dbqh-neu-ly-do-gay-tranh-cai-a408934.html