Xây nhà máy làm ván ép từ composite tái chế

Hai doanh nghiệp Minh Hưng Group Việt Nam và GFSI- MHE Manufacturing of Texas LLC của Mỹ ngày 26-2 đã ký kết bản hợp đồng hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất ván ép từ composite tái chế.

Đại diện các bên cùng thực hiện nghi thức ký kết.Ảnh: NL

Ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch HĐQT của Minh Hưng Group Việt Nam cho biết, nhà máy này có vốn đầu tư 50 triệu đô la Mỹ, dự kiến được xây dựng tại tỉnh Tiền Giang và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.

Cũng theo ông Hưng, nhà máy này khi hoạt động sẽ có công suất 2 tấn ván ép/giờ và một ngày sẽ hoạt động 20 giờ. Do nguyên liệu là composite tái chế tại Việt Nam còn chưa đủ và không tập trung nên Minh Hưng Group Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu đã tái chế từ nước ngoài.

“Minh Hưng Group đang cùng đối tác nỗ lực hoàn tất các thủ tục về giấy phép đầu tư, giấy chứng minh đáp ứng các quy định môi trường của Việt Nam để sớm khởi công xây dựng nhà máy”, ông Hưng nói thêm.

Trước mắt nhà máy sẽ sản xuất ván ép, sau đó sẽ mở rộng sản xuất palet, khung cửa, gạch ngói, nắp cống, ống cống, tủ điện hay các sản phẩm thay thế vật cứng định hình như sắt, nhôm, thanh đỡ đường ray xe lửa…

GFSI- MHE Manufacturing of Texas LLC cũng đã ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ vật liệu composite tái chế cho Minh Hưng Group Việt Nam. Đây là giải pháp công nghệ hiện đại tái chế một lượng lớn rác thải là composite, sợi thủy tinh đã qua sử dụng (ví dụ như cánh quạt điện gió, vỏ máy bay, thân tàu thuyền, cano, vỏ lãi, bồn chứa hay tủ điện của ngành điện lực……) để tạo ra nhiều vật liệu mới thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Minh Hưng Group Việt Nam được thành lập vào năm 1995, chuyên cung cấp các sản phẩm bao bì nhựa PET, bao dệt lớn, lưới, màng phủ, dây thừng cho ngành xây dựng, thủy sản, nông nghiệp.

GFSI-MHE Manufacturing of Texas LLC (Global Fiberglass Solutions Inc. - GFSI), được thành lập vào năm 2009, là một công ty sản xuất và tái chế công nghiệp có trụ sở tại Trung tâm Công nghệ Highlands Campus ở Bothell, Washington, Mỹ.

Theo số liệu được dẫn ra tại buổi lễ ký kết, tổng lượng chất thải rắn của cả nước ước tính khoảng 28,5 triệu tấn/năm (theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý chất thải rắn, tập trung tại các đô thị, vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày, nhưng nếu so với yêu cầu về xử lý thải rắn đô thị hiện nay thì chưa đáp ứng một cách hữu hiệu. Có đến 50-70% lượng rác thải có chứa những hợp chất có thể tái chế, tạo ra nguồn năng lượng mới nhưng hiện nay số lượng chất thải được tái chế còn rất hạn chế.

Vũ Yến

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269352/xay-nha-may-lam-van-ep-tu-composite-tai-che.html