Xây nhà trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp

TP Hồ Chí Minh vừa công khai kế hoạch chuyển đổi 260.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, đã có nhiều khu vực đất nông nghiệp của thành phố lâu nay bị buông lỏng, dẫn tới tình trạng xây dựng nhà ở trái phép tràn lan…

Các công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và hành lang kênh rạch trên địa bàn P.5, Q.Gò Vấp của TP HCM bị người dân phát hiện, phản ánh. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo chính quyền một số quận, huyện của TP HCM thừa nhận, khó quản lý tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Vấn đề càng phức tạp khi các đoàn kiểm tra phát hiện có hiện tượng “bảo kê” cho xây nhà.

Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết tại phường 5, Q.Gò Vấp, tình trạng xây dựng sai phép liên tục diễn ra trên đất nông nghiệp có sự buông lỏng quản lý của UBND phường này.

Anh Trần Văn Phương, ngụ tại phường 5 phản ánh: mới đây có một căn nhà 3 tầng được dựng ngay trên đất trồng cây lâu năm. Khi người dân có ý kiến với tổ dân phố, đề nghị xem quy hoạch thì phát hiện ngôi nhà trên được xây trên đất giáo dục, đã được phê duyệt theo Quyết định 5035/QĐ/UBND của UBND thành phố.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Lãm, Chủ tịch UBND P.5, Q.Gò Vấp thừa nhận, chính quyền có nhận được nhiều đơn thư phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp. UBND phường đang tích cực xác minh tình trạng trên và sẽ có xử lý.

Theo nhiều người dân tại phường 5 thì việc để xảy ra tình trạng trên là có sự bao che của một số cán bộ của phường. Thậm chí, một số trường hợp còn ngang nhiên xây nhà trên và trong hành lang bảo vệ sông rạch, lấn chiếm hành lang đường sắt tại địa bàn phường này.

Như tại các thửa đất thuộc tờ bản đồ 60, 62 thuộc các đường Nguyễn Thái Sơn, Dương Quảng Hàm, đường số 6 (phường 5, Q.Gò Vấp) đều đã xây nhà, trong khi, đây lại là khu vực đất trồng cây hàng năm thuộc đất giáo dục theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000, được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 5035/QĐ/UBND.

Ảnh: Hồng Phúc.

Tại khu vực rạch Lăng thuộc tổ 83, khu phố 12 của P.5, Q.Gò Vấp cũng phát hiện công trình đang xây dựng sai phép, có dấu hiệu lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh rạch…Công trình được xây dựng và gia cố bằng bê tông cốt thép kiên cố, chuẩn bị được hoàn thành.

Mặc dù xây nhà sai phép trên đất nông nghiệp, thế nhưng tại một số công trình nhà ở nghiễm nhiên có biển thông báo công trình được giấy phép xây dựng trên địa bàn Q.Gò Vấp, nhiều địa chỉ nhà đất cao tầng khu vực đường Dương Quảng Hàm (Q.5) cũng có dấu hiệu xây dựng trái phép. Phóng viên đã ghi nhận công trình 5 tầng 1 lửng theo giấy phép xây dựng, nhưng đang được nâng đến 6 tầng (!?). Một công trình cao tầng khác (tại đỉa chỉ số 80/28/31 đường Dương Quảng Hàm) cũng gây bức xúc khi quy định xây dựng tối đa trong khu vực không được quá 4 tầng nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xây 6 tầng lầu một cách công khai.

Hiện nay, các sai phạm về xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đã được UBND P.5 kiến nghị lên UBND Q.Gò Vấp để xử lý, thế nhưng người dân chưa thể yên tâm trước “lời hứa” của chính quyền.

Không chỉ riêng tại Q.Gò Vấp, tình trạng xây dựng nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên khu vực hành lang kênh rạch và đất nông nghiệp cũng được ghi nhận xảy ra tại Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn.

Ảnh: Hồng Phúc.

Theo ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, hiện xã đang cho rà soát lại số lượng người dân xây dựng trên đất nông nghiệp để có kiến nghị UBND huyện và TP HCM giải quyết. Bởi vì, chính quyền xã cũng đang phải chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên để triển khai.

Trong khi đó, theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ các quy định hiện hành chưa cho phép người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, trong khi đó chỉ có những hộ sản xuất được tạo dựng một nơi để trông coi, nghỉ ngơi khi sản xuất. Huyện Cần Giờ cũng đang rà soát lại toàn bộ trường hợp xây dựng nhà dân trên đất nông nghiệp để đảm bảo phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Theo Luật Đất đai và các thông tư hướng dẫn của Bộ TN-MT, hành vi xây dựng trái phép hoặc xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng bị áp dụng phạt hành chính lên đến 60 triệu đồng và bắt buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc phải phá dỡ công trình không phép, sai phép. Thế nhưng, tình trạng trên sẽ cản trở lớn hơn nhiều khiến kế hoạch của TP HCM muốn chuyển đổi 260.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ khó hoàn thành mục tiêu hơn…

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/xay-nha-trai-phep-tran-lan-tren-dat-nong-nghiep-tintuc413018