Xe bọ cổ và niềm đam mê của những 'bọ nhân'

Tại Việt Nam, những 'bọ nhân' có mặt khắp mọi nơi, đông đảo nhất ở TP.HCM, sau đó đến Hà Nội và Đà Nẵng.

Giai đoạn thập niên 1950, Volkswagen Beetle tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới nhờ kiểu dáng nhỏ gọn, phù hợp điều kiện kinh tế sau chiến tranh. Với hơn 21 triệu chiếc bán ra thị trường suốt vòng đời, chưa mẫu xe nào trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới vượt qua được Beetle.

Chiếc xe ghi dấu trong văn hóa đại chúng

Lần đầu ra mắt năm 1938, sau gần 70 năm có mặt trên thị trường, những chiếc Volkswagen Beetle với hai cửa, lốp dự phòng đặt ở cốp trước, đường nóc xe vuốt thoải tựa như một chú bọ đã trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, cũng như một phần trong văn hóa đại chúng.

Với dân chơi bọ cổ, niềm vui đôi khi chỉ là ánh mắt liếc nhìn của những người đi đường.

Khác dòng Volkswagen New Beetle được giới thiệu năm 1998 dùng động cơ đặt trước, những mẫu xe con bọ nguyên bản chưa từng được thiết kế lại từ khi trình làng cho đến khi dừng sản xuất năm 2003, với chiếc cuối cùng xuất xưởng ngày 30/7 tại Mexico, mang số thứ tự 21.529.464.

Với hơn 21 triệu chiếc bán ra thị trường suốt vòng đời, nếu tính số lượng xe sản xuất dựa trên một nền tảng khung gầm duy nhất, chưa mẫu xe nào trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô vượt qua được Volkswagen Beetle.

Những chiếc xe bọ bắt đầu thành hình vào mùa hè năm 1933, khi Adolf Hitler triệu tập kỹ sư Ferdinand Porsche (người sau này sáng lập hãng Porsche) để bàn về việc sản xuất một mẫu ô tô nhỏ, bốn chỗ, động cơ bền, làm mát bằng không khí và tiết kiệm nhiên liệu, do hầu hết gia đình Đức thời đó không có gara để xe.

Giai đoạn thập niên 1950, Beetle tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới nhờ kiểu dáng nhỏ gọn, phù hợp điều kiện kinh tế sau chiến tranh. Xe bọ trở thành phương tiện đi lại hàng ngày của nhiều người dân châu Âu với giá chỉ khoảng 1.200 USD thời đó. Riêng năm 1958, Volkswagen đã bán tới 450.000 chiếc Beetle trên toàn thế giới.

Anh M.S, người có nhiều năm sưu tầm Volkswagen Beetle cổ cho biết, dòng xe con bọ nguyên bản được trang bị động cơ 4 xi-lanh đối xứng ngang, làm mát bằng gió, dung tích từ 1.131 - 1.584cc tùy đời và năm sản xuất, tương ứng với các tên gọi như Beetle 1100, 1300, 1500 hay 1600, hệ thống dẫn động cầu sau và động cơ đặt sau.

Dòng Beetle với giá trị sưu tầm cao là dòng 1100 (1.131cc) sản xuất từ năm 1945 - 1954, hoặc như mẫu Beetle 25 hp đời 1950, còn gọi là dòng "kính chẻ" do kính hậu chia hai ô. Chiếc xe này ở Việt Nam chỉ có một chiếc. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, được đánh giá cao là dòng 1500 dùng động cơ 1.493cc sản xuất từ năm 1967 - 1969.

Tháng 12/1999, tại lễ trao giải những mẫu ô tô có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20, Volkswagen Beetle nằm trong số bốn cái tên dẫn đầu, cùng với Citroen DS, Mini và Ford Model T.

"Gặp bọ cổ trên đường là chặn lại… mời vào hội"

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Lê Thắng, Phó chủ tịch CLB "Bọ Thủ đô" - cộng đồng những người chơi Volkswagen Beetle cổ tại Hà Nội cho biết, xe bọ đã xuất hiện tại Sài Gòn từ trước năm 1975. Giai đoạn này, Beetle là dòng ô tô cá nhân phổ biến, được giới trí thức như giáo viên, bác sĩ, luật sư, công chức... sử dụng.

Cộng đồng người chơi xe bọ cổ tại Việt Nam có tính gắn kết cao và thường xuyên tổ chức các hoạt động.

Phong trào chơi xe bọ cổ tại Việt Nam nhen nhóm ở TP.HCM đầu những năm 2000, với câu lạc bộ đầu tiên được thành lập khoảng từ năm 2002. Đến nay, những "bọ nhân" có mặt khắp mọi nơi trên đất nước, đông đảo nhất ở TP.HCM, sau đó đến Hà Nội và Đà Nẵng.

"Từ thập niên 1990, đã có người sưu tầm Beetle cổ trên khắp cả nước nhưng chủ yếu chơi nhỏ, lẻ và chưa mang tính cộng đồng. Để có được hội bọ cổ gắn kết ba miền như bây giờ, cần đến sự đóng góp của nhiều thành viên với niềm đam mê không dứt dành cho chiếc Beetle. Có những người hễ gặp bọ cổ trên đường là chặn lại, "gạ gẫm" bằng được chủ xe vào hội", anh Thắng kể.

Nhờ dễ nuôi và "lành" hơn xe Mỹ hay Pháp, Volkswagen Beetle cũng là một trong những dòng ô tô cổ có số lượng nhiều nhất ở Việt Nam. Theo anh M.S, so với các dòng ô tô cổ khác, chi phí sửa chữa của xe bọ thấp hơn, phụ tùng dễ kiếm, còn kết cấu của xe lại đơn giản, cơ bản giống nhau giữa các đời và chỉ khác một vài điểm ở hình thức: "Sau nhiều năm sử dụng, xe dùng động cơ làm mát bằng gió như Beetle có độ ổn định và bền bỉ cao hơn các loại xe cổ dùng nước làm mát".

Nói là vậy, nhưng thú chơi Volkswagen Beetle cổ cũng lắm thứ công phu. Với những chiếc xuống cấp quá nhiều, hiện tại vẫn cần gửi vào TP.HCM để đại tu bởi đây là nơi tập trung những thợ sửa bọ cổ lành nghề nhất. Để phục hồi một chiếc xe "nát", có thể phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng.

Những ai thường xuyên đi bọ cổ luôn sẵn trên xe mô-bin, bộ chia điện, bơm xăng hay bu-gi, cũng như phải biết một số kỹ năng sửa chữa cơ bản để xử lý khi gặp sự cố: "Không hiếm người "nhập môn" Beetle cổ nhưng không hiểu về nó, lúc cần đi thì xe lại không đi, cứ thế vài lần đâm nản.

Xe lại không có điều hòa, chở bạn bè nhiều khi bất tiện. Có xe sửa cả năm trời mà vẫn không như ý chủ. 10 người chơi bọ cổ thì cũng có đến 3 - 4 người không theo được", anh Thắng nhận xét.

Dù vậy, với những người trót phải lòng vẻ đẹp không tuổi của bọ cổ, trót mê cảm giác lái mộc mạc thuần túy, hay trải nghiệm ngồi trong không gian đầy hoài niệm của một chiếc xe đã 50 năm tuổi bon bon lăn bánh giữa phố thị sầm uất, bấy nhiêu đó chẳng thấm vào đâu.

"Không ít người từ bỏ, nhưng cũng có những người bỏ công sức lùng sục bằng được cái núm đèn "zin" bé tẹo trên táp-lô để về thay cho xe, có 4 - 5 hay thậm chí gần 20 chiếc bọ cổ trong bộ sưu tập. Lại có người tìm thấy niềm vui ở việc dành ra cả năm trời, phục chế một chiếc Beetle cũ nát về nguyên bản, rồi tìm xe khác về dọn tiếp.

Đôi khi để mua được một chiếc bọ cổ, là cả hành trình kết bạn, tìm hiểu và giãi bày để chủ xe đồng ý nhượng lại, còn cứ thế vào thẳng vấn đề mua bán luôn thì thậm chí còn… bị mắng", anh S nói.

Không chỉ là thú chơi

Vượt qua khoảng cách địa lý, niềm đam mê Volkswagen Beetle gắn kết những con người trên khắp mọi miền Việt Nam. Những chủ xe bọ cổ có thể là một cậu thanh niên gần 30 tuổi, nhưng cũng có thể là ông bác đã ngoài 60. Dù là bác sĩ, kỹ sư, họa sĩ, nhà sản xuất âm nhạc hay bất cứ ngành nghề nào, họ đều tìm được tiếng nói chung mỗi khi quây quần bên dàn bọ cổ.

Cộng đồng người chơi xe bọ cổ tại Việt Nam có tính gắn kết cao và thường xuyên tổ chức các hoạt động.

Đông đảo nhất là sự kiện tụ họp xe cổ ba miền tại Hội An năm 2019, có đến gần 100 xe tham dự, còn những lần họp mặt khác cũng phải khoảng 40 - 50 chiếc bọ cổ. Hội cũng thường xuyên đi những hành trình dài cả nghìn cây số.

Giai đoạn trước dịch Covid-19, mỗi cuối tuần các thành viên vẫn đều đặn hẹn nhau ngồi cà phê, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng và sửa chữa, khoe một món đồ chơi mới kiếm được cho bọ già, hay chia sẻ những câu chuyện vui, buồn trên những hành trình với chiếc Beetle. "Mỗi chuyện về cái xe bọ mà kể mãi không hết, rồi "nghiện" lúc nào chẳng hay", anh Lê Thắng nhớ lại.

Ngoài những hoạt động về xe, nhóm "Bọ Thủ đô" còn có các hoạt động xã hội như xây nhà tình nghĩa tặng các hoàn cảnh khó khăn tại nhiều nơi trên cả nước, phối hợp tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh và phát thuốc ở nhiều địa phương, hay cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung. Hình ảnh dàn xe Volkswagen cổ đủ màu sắc, mỗi cuối tuần đưa những suất ăn từ thiện đến các bệnh viện quanh Hà Nội cũng dần trở nên thân thuộc với nhiều người.

Tứ Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/xe-bo-co-va-niem-dam-me-cua-nhung-bo-nhan-19224020923030159.htm