Xe bọc thép Bradley làm khó quân đội Ukraine vì... thiết kế quá hiện đại

Những thiết kế 'hiện đại' trong xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ đã gây họa cho quân đội Ukraine trong chiến đấu; cuộc chiến tổng lực đã chứng minh, nhiều khi 'hiện đại quá' cũng không phải là ưu việt.

Cho đến nay, Ukraine tin chắc rằng chỉ cần Mỹ và phương Tây sẵn sàng hỗ trợ vũ khí, họ sẽ có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, thực tế chiến trường chứng minh rằng, vũ khí của Mỹ không hẳn là “bất khả chiến bại”; đồng thời cũng vạch trần những khuyết điểm của vũ khí Mỹ.

Trước đó, một đoạn video về xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley của Ukraine được lan truyền trên mạng xã hội, xe chiến đấu bộ binh bị trúng đạn và gây cháy bên trong xe. Trong quá trình sơ tán khỏi xe, các chiến sĩ phát hiện cửa lên xuống đóng mở bằng thủy lực phía sau bị hỏng nên phải thoát qua cửa sập dự phòng.

So với cửa lên xuống phía sau, cửa sập dự phòng hẹp hơn rất nhiều và khó thoát ra ngoài hơn. Cuối cùng, một binh sĩ Ukraine bị cụt hai chân đã chết vì mất máu quá nhiều, do thời gian sơ tán quá lâu.

Có thể nói, việc hỏng cửa lên xuống đóng mở bằng thủy lực đã trực tiếp dẫn đến cái chết của binh sĩ Ukraine bị thương. Trên thực tế, trên chiến trường Ukraine, việc xảy ra lỗi không đóng được cửa lên xuống của xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley không phải là hiếm.

Hệ thống cánh tay thủy lực đóng vai trò quan trọng trong việc đóng mở các cửa hầm nặng, nhưng hệ thống thủy lực cũng tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định; nhất là khi thiết bị đã cũ, sử dụng quá mức hoặc gặp môi trường khắc nghiệt thì độ ổn định của hệ thống thủy lực sẽ khó đảm bảo.

Tờ Sohu của Trung Quốc nhận định, xét về mặt địa lý, Ukraine địa hình có nhiều thay đổi, từ đồng bằng rộng lớn đến núi non hiểm trở. Địa hình như vậy đặt ra thách thức đối với hiệu quả của vũ khí Mỹ. Ngoài ra, điều kiện thời tiết ở Ukraine khá khắc nghiệt, với mùa đông lạnh buốt và mùa hè nóng nực, chắc chắn sẽ gây thêm áp lực cho việc sử dụng và bảo dưỡng vũ khí của Mỹ.

Đánh giá về cường độ sử dụng, cuộc phản công lớn của quân đội Ukraine vẫn đang được tiến hành. Trước đó tờ New York Times của Mỹ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói rằng, quân đội Ukraine đã mở chiến dịch phản công quy mô lớn.

Nhiệm vụ chính của những đơn vị phản công của Ukraine là tấn công xuyên thủng mạng lưới phòng thủ có chiều sâu của quân đội Nga. Như vậy, từ việc đưa lực lượng bộ binh ra chiến trường cho đến các trận đánh, đều cần đến xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.

Lầu Năm Góc từng đưa ra số liệu cho biết, trong cuộc giao tranh ở khu vực phía nam thị trấn Orekhov thuộc tỉnh Zaporizhia, miền Nam Ukraine, quân đội Ukraine đã sử dụng hơn 100 xe bọc thép, trong đó có hàng chục chiếc xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.

Bản thân Ukraine không có khả năng bảo trì, bảo dưỡng xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi hệ thống thủy lựcđóng mở cánh cửa của xe gặp vấn đề, do sử dụng quá nhiều và không được bảo dưỡng.

Cũng có thể các nhà thầu quốc phòng Mỹ khi thiết kế, chưa xem xét đầy đủ đến tính ổn định của hệ thống thủy lực trong các điều kiện khắc nghiệt khác nhau, điều này sẽ dẫn đến các vấn đề trục trặc của hệ thống tay đòn thủy lực khi gặp môi trường khắc nghiệt.

Và video này đã làm thay đổi quan điểm của một số người, khi cửa lên xuống đóng mở thủ công, được sử dụng trên xe chiến đấu bộ binh của Nga, từng bị một số người nghi ngờ, cho rằng đó là biểu hiện của “công nghệ lạc hậu” khi so với vũ khí của phương Tây.

Nhưng trên thực tế, việc mở cửa phía sau có thể đẩy nhanh tốc độ lên xe của binh lính, đồng thời phối hợp với phương pháp lên xe một bước do Quân đội Nga huấn luyện, rút ngắn đáng kể thời gian lên xe. Mặt khác, tính ổn định của cửa sập thủ công trong môi trường khắc nghiệt, cũng là một lợi thế quan trọng.

Thiết kế cửa lên xuống xe đóng mở thủ công, cũng giúp giảm tương đối việc lắp đặt hệ thống điện tử và ít linh kiện điện tử hơn, đồng nghĩa với việc ít khả năng hỏng hóc hơn và có thể duy trì độ ổn định tốt trong nhiều môi trường khắc nghiệt khác nhau.

Môi trường chiến đấu ác liệt, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thậm chí cả nhiễu điện từ mạnh đều không thể ảnh hưởng đến việc sử dụng cửa lên xuống đóng mở thủ công. Thiết kế này cũng phản ánh tính ưu việt của nó về độ ổn định trong chiến đấu.

Và sự ổn định này đặc biệt quan trọng trên chiến trường có cường độ cao như xung đột Nga-Ukraine, sự cố hỏng cánh thay thủy lực của xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley là một minh chứng rõ ràng. Từ góc độ này, vũ khí của Mỹ cũng chưa đáng tin cậy, ít nhất là trên một chiến trường phức tạp; trong khi quan điểm về vũ khí của Nga là đúng đắn và có lợi thế.

Trên thực tế, ngoài lỗi tay thủy lực đóng mở cửa ra vào, tỷ lệ hư hỏng của xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley trong cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng khiến thế giới bên ngoài đặt câu hỏi về khả năng hoạt động của loại vũ khí này.

Thông tin từ Oryx cho biết, kể từ khi xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ cung cấp được chuyển giao cho quân đội Ukraine, trong khoảng một tháng, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có ít nhất 50 xe bị phá hủy. Thậm chí còn có cảnh tượng về 9 chiếc Bradley bị phá hủy chỉ trong một đợt tiến công.

Tuy nhiên, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley có hai mặt; trên giấy tờ, hiệu suất không tệ. Tuy nhiên, đánh giá từ hiệu suất chiến đấu thực tế, có thể cảm nhận rõ ràng rằng xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley khó thích ứng với các chiến trường khắc nghiệt và phức tạp.

Nguyên nhân chính là trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, hầu hết các cuộc chiến mà quân đội Mỹ tham gia đều chiếm ưu thế trên không, khiến lực lượng mặt đất ít được sử dụng. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine lại khác, quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc kiểm soát sức mạnh không quân.

Vì vậy, xung đột Nga-Ukraine đã quay trở lại với phương pháp chiến tranh tổng lực mặt đất, trong đó việc sử dụng vũ khí trang bị lục quân ở cường độ cực cao. Vì vậy, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley cuối cùng đã không thể vượt qua bài kiểm tra thực chiến, đó là điều bình thường.

Nhưng khách quan đánh giá, nếu quân đội Mỹ chiếm được chiến trường với ưu thế tuyệt đối trên không, thì xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley vẫn đủ khả năng “làm mưa, làm gió” trên chiến trường và khả năng bảo vệ của nó vẫn được đánh giá tốt nhất so với các loại xe chiến đấu bộ binh khác.

UAV tự sát Lancet của Nga tiêu diệt xe bọc thép Ukraine ẩn sâu trong rừng cây trên hướng Zaporizhia. Nguồn Topwar

Tiến Minh (theo The Washington Post, Sohu)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-boc-thep-bradley-lam-kho-quan-doi-ukraine-vi-thiet-ke-qua-hien-dai-1899117.html