Xe buýt Hà Nội

Thú thực là mãi cho tới cách đây 10 năm tôi mới đi làm bằng xe buýt. Cũng chẳng phải 'cành cao' gì đâu, nhưng trước đó tôi cứ nghĩ đi làm bằng xe buýt nó cứ… sao sao ấy.

Bảng thông tin luồng tuyến xe buýt những năm 1990

Bảng thông tin luồng tuyến xe buýt những năm 1990

1. Cứ nghĩ đến cảnh đứng chờ ở điểm đón xe buýt cả tiếng đồng hồ đã thấy nản. Rồi xe buýt tới, bác tài thấy xe đã quá đông tức thì “bỏ bến” cho xe chạy thẳng. Lại chờ, nhanh thì nửa tiếng nữa, lâu thì cũng non giờ mới thấy xe chạy từ từ, tà tà ghé vào điểm đỗ. Ơn giời, lần này thì bác tài mở cửa. Nhưng lên xe rồi thì vừa thở vừa chen mới có chỗ đứng chắc chắn, kẻo nhỡ bác tài mà phanh gấp một nhát thì đổ dúi vào người đằng trước ngay. Nếu vô duyên lại dúi vào mấy cháu sinh viên nữ thì nguy to. Một cái quay đầu nhìn lại, một cái lườm sắc như dao cau, có lẽ các cháu ấy nghĩ mình người lớn mà mất nết. Thế là bỏ ý định đi làm bằng xe buýt mặc dù bị vợ mắng là đi xe máy vừa tốn tiền xăng vừa không an toàn.

Vẫn biết xe buýt công cộng là phương tiện giao thông nhiều tiện ích. Vừa góp phần làm giảm “căng thẳng” bởi dòng xe máy náo nhiệt chạy trên đường phố, vừa xây dựng văn hóa văn minh đô thị. Ở các nước tiên tiến, tàu điện, xe buýt đã trở nên phổ biến. Ấy là do họ di chuyển bằng xe buýt rất lâu rồi. Lâu đến nỗi thế hệ sau nghe thấy đi làm bằng xe đạp hay xe máy là chuyện “viễn tưởng”. Còn ở ta, mà cụ thể là ở Hà Nội, để chuyện đó thành thói quen và bình thường thì phải có thời gian. Như tôi chẳng hạn, phải rất nhiều chục năm mới nhận ra đi làm bằng xe buýt tiện và rẻ vô cùng. Thế là chẳng cần vợ nhắc, không cần phải qua những đợt tuyên truyền nào, tôi quyết định đi làm bằng xe buýt.

Xe buýt Hà Nội những năm 1990

Mới đi xe buýt cũng có nhiều ngỡ ngàng. Đầu tiên là mấy đồng nghiệp ở cơ quan, nhất là những cô cậu trẻ cấp dưới, họ nhìn tôi từ trên xe buýt xuống, rảo bộ chừng trăm mét tới cơ quan thì tròn mắt khó hiểu. Chắc là họ nghĩ tôi “cỡ” vậy mà đi làm bằng xe buýt thì “mèng” quá. Qua mấy lần đi thử, tôi nhận thấy mùa hè nóng nực thế này lên xe buýt được hưởng máy lạnh thì còn gì bằng. Hơn nữa, xe buýt dần dần cũng đã tăng thêm chuyến, mở thêm tuyến. Cái chính là các công ty xe buýt cũng đã rất nghiêm khắc với các bác tài bỏ bến. Lơ mơ là cắt thưởng, cho nghỉ việc. Thành thử các bác tài không dám làm ngơ cho xe đi thẳng bỏ mặc khách như xưa nữa.

2. Đi làm bằng xe buýt cũng có cái oai. Đấy, mấy lần người cùng ngõ thấy tôi đeo túi trên vai thủng thẳng đi bộ từ nhà ra liền cất tiếng hỏi, giọng có vẻ hơi tỵ nạnh: “Lên chức to có khác. Giờ đi làm có cả xe đưa đón”. Tôi giả bộ như không có gì: “Ông cũng đi làm đấy à?”. Kệ họ muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, nhất là nghĩ mình “oách xà lách” đi làm có xe đưa đón. Cũng có người gặp khi tôi đang ngồi ở điểm chờ xe buýt, họ hỏi: “Ông nghỉ hưu rồi à?”. Mãi khi người ấy đi xa rồi tôi mới hiểu, họ cho rằng chỉ có những người đã nghỉ hưu thì mới đi xe buýt (bởi chẳng nhẽ họ lại nghĩ mình là sinh viên đi học). Nghĩ ra thế lại cười thầm, cười vì người ta nghĩ mình đã nhiều tuổi, cười vì người ta có khi đang nghĩ chỉ những người đã nghỉ hưu, lương ít, thời gian nhiều nên mới đi xe buýt. Những người làm ăn tấn tới hay bận công việc thì chẳng có ai đi làm bằng xe buýt cả.

Xe buýt điện ngày nay

Nhưng không hẳn thế đâu nhé. Tôi có ông bạn già, ông này có cậu con trai đã gần 40 tuổi là giám đốc một công ty, nhà có ô tô riêng, nhưng sáng nào cũng đi làm bằng xe buýt. Hỏi ra mới biết, đi xe buýt rất tiện và rẻ. Hóa ra những người trẻ là những người rất nhanh nhạy. Họ chẳng lấy làm thẹn chuyện đi làm bằng xe buýt. Có lần tôi hỏi: “Cháu nghĩ thế nào mà đi làm bằng xe buýt?”. Anh giám đốc trả lời luôn: “Cháu thấy tiện thôi”. Nghĩ thêm vài giây, anh nói thêm: “Làm việc đã đau đầu rồi, chạy xe cá nhân từ nhà đến công ty lại thêm căng thẳng. Cháu lên xe buýt ngồi, tranh thủ thư giãn và nghĩ ngợi công việc. Chứ đi xe riêng, vừa lái vừa trao đổi công việc qua điện thoại, đã vi phạm giao thông lại còn mệt óc”. Nghe câu trả lời ấy, tôi thấy anh chàng này “khôn” ra phết.

3. Từ hồi đi làm bằng xe buýt tôi có thêm thời gian để chỉnh sửa những bài viết của mình tối hôm qua mà chưa ưng ý. Ngồi trên xe, mắt nhìn đường phố, đầu chợt nhớ ra hôm qua chỗ này viết chưa ổn, đoạn này chưa hay, đại khái thế. Đến cơ quan ngồi vào bàn, mở máy tính ra sửa ngay tắp lự. Tôi nói vui với bà xã: “Những lúc ngồi trên xe buýt là những lúc tôi làm công tác biên tập bà ạ”. Vợ tôi nói mát: “Thế mà trước đây bảo ông đi làm bằng xe buýt thì ông cho là “mất thể diện” kia mà?”.

Sinh viên, học sinh đi học bằng xe buýt đã là đương nhiên. Cán bộ, công chức đi làm bằng xe buýt mới là điều nên khuyến khích. Nhỡ có tắc đường cũng không bức bối giữa trưa hè hay lạnh giá giữa sáng mùa đông. Hơn nữa mấy bác tài xe buýt chạy xe cũng “rất siêu”. Đường đông, ùn tắc kiểu gì thì chiếc xe buýt to đùng vẫn nhẹ nhàng vượt qua được. Chỉ mong các bác tài mỗi lần ghé vào điểm đón trả khách nên từ tốn chút chút. Chứ cái kiểu xe chưa đỗ cửa đã mở, người chưa lên xuống xong cửa đã đóng thì cũng nhiêu khê lắm. Cũng mong các bác tài ăn nói đúng mực, chứ cái giọng thấy người già chân chậm mắt mờ, lên xuống xe lề mề là tiếng bấc, tiếng chì thì không ổn. Chưa kể có bác tài thoáng nhìn qua gương hậu thấy mấy bà già, ông già đang lọ mọ bước tới gần xe thì làm như tình cờ mà đóng sập cửa lại. Tôi cũng đã hơn một lần phải lách qua cánh cửa đang khép lại để lên xe, có ý kiến thì bị phụ xe cáu kỉnh.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Đi xe buýt là văn minh, là góp phần để đường phố Thủ đô thông thoáng. Xe buýt là phương tiện công cộng chứ có phải là xe của “nhà bác tài” đâu mà mặt mày cứ khó đăm đăm. Gần đây, khi xe buýt điện xuất hiện với màu xanh tươi mát đã thấy có sự khác biệt. Sao cũng là xe công cộng như nhau mà thái độ phục vụ khác nhau như âm với dương vậy. Chỉ mong các bác lái xe, phụ xe nhiệt tình và thân thiệt thì ai chẳng thích đi xe buýt cho nhàn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xe-buyt-ha-noi-post539725.antd