'Xe cẩu từ thời Liên Xô mà vẫn đạt yêu cầu kỹ thuật'

Ông Nguyễn Trung Hậu, Quản lý an toàn và môi trường Công ty Shimizu, cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự cố công trình là việc kiểm định các thiết bị, xe cẩu, cần trục, giàn giáo quá ẩu.

Sự cố sập giàn giáo ở Q.7 - Ảnh: Đức Tiến

Ngày 20.11, tại hội thảo “Giải pháp chủ động ngăn ngừa, hạn chế sự cố công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM” do Sở Xây dựng TP tổ chức, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân khiến số vụ sập giàn giáo, gãy cần trục, cháy nổ, lún nứt... nhà thời gian qua xảy ra nhiều do khâu kiểm định các thiết bị, máy móc đưa vào công trường không đảm bảo.

Kiểm định ẩu

Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong năm 2014 trên địa bàn TP có 8 sự cố công trình xảy ra trong quá trình thi công và khi đang khai thác sử dụng. Trong năm 2015, đến nay cũng có 8 sự cố.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Quản lý an toàn và môi trường Công ty Shimizu, cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự cố công trình là việc kiểm định các thiết bị, xe cẩu, cần trục, giàn giáo quá ẩu. “Tại nhiều công trình xe cẩu từ thời của Liên Xô nhưng đơn vị kiểm định vẫn cấp chứng chỉ đạt yêu cầu về kỹ thuật. Thậm chí nhiều xe cẩu dầu nhớt chảy tùm lum, thiếu an toàn nhưng cũng được cấp phép cho vào công trường. Trong khi đó, thiết bị an toàn thủy lực ép cọc hoặc thiết bị ép cọc toàn của Trung Quốc, kém chất lượng”, ông Hậu nói.

Cũng theo ông Hậu, các biện pháp thi công luôn có nhưng… không được thực hiện. “Các xe xúc đất trên công trường chưa có yêu cầu kiểm định, chỉ có hồ sơ về bảo trì bảo dưỡng nhưng khi xuống kiểm tra rất khó vì họ thuê các thiết bị này, chủ yếu là không có hồ sơ. Tôi yêu cầu thì họ dừng, nhưng khi tôi đi khỏi thì họ lại sử dụng”, ông Hậu bức xúc.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nêu thực trạng khi đi kiểm tra các công trình xây dựng có những công nhân điều khiển cẩu tháp chỉ học 3 tháng là đi làm. Trong khi thiết bị này điều khiển rất khó và nguy cơ tai nạn rất cao. “TP xây dựng ngày càng nhiều khiến các công ty xây dựng phải tuyển dụng lao động càng lớn. Nhưng đa số là người nông dân, tay nghề yếu và nhận thức rất kém”, ông Việt nói.

Luật trút trách nhiệm lên nhà thầu

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty xây dựng Tân, nhìn nhận thực tế có tới 99% công trình xảy ra sự cố là trong lúc thi công. Do đó, cần quản lý trong thi công. Tuy nhiên, cần có quy định kiểm tra cái gì, tránh gây khó cho doanh nghiệp. “Không vì sự cố mà phát sinh thêm thủ tục. Như thẩm tra thiết kế là không cần. Nhà nước cũng không cần kiểm tra kết cấu mà giao cho các nhà tư vấn làm. Kiểm tra công trường chỉ ở một vài lần chứ không thể lúc nào cũng kiểm tra làm cho doanh nghiệp khổ”, ông Đực nói

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết hiện TP có hơn 1.000 thanh tra. Tuy nhiên lực lượng này không thể giúp giảm sự cố, tai nạn vì không biết về an toàn lao động mà chỉ quản lý về vi phạm xây dựng. Trong khi đó, nhà nước "ôm" việc rất nhiều nhưng không làm được mà cũng không để xã hội, cộng đồng gánh đỡ. "Hiện khi sự cố xảy ra chỉ phạt nhà thầu, không phạt giám sát. Luật cũng quy định phạt công ty thẩm tra thiết kế sai, còn thẩm định sai không phạt. Mà thẩm định thì nhà nước đang “ôm”. Luật trút hết trách nhiệm lên nhà thầu, rồi nhà thầu trút hết lên đầu công nhân", ông Hiệp nói và cho rằng cần có cơ chế bảo hiểm để quản về chất lượng. Công ty bán bảo hiểm sẽ có người xuống công trường xem xét năng lực của nhà thầu, xem các thiết bị có được kiểm định, có đủ an toàn hay không. Từ đó quyết định có bán bảo hiểm hay không hoặc bán giá cao thấp khác nhau. “Nhà nước đừng nên ôm đồm, vì để cả xã hội làm chuyện này sẽ hơn một người làm. Chúng ta không thể ôm, bao hết cả TP này được trong khi nghề xây dựng rủi ro rất nhiều. Hãy cho bảo hiểm vào cùng giám sát, cùng chịu trách nhiệm. Khi đó tai nạn sẽ giảm”, ông Hiệp nói.

Ông Lê Hòa Bình, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết cũng bắt gặp rất nhiều đơn vị tư vấn giám sát chỉ làm cho có và chỉ đối phó với chính quyền. Do đó, Sở sẽ lưu tâm đến công tác chọn nhà thầu chặt chẽ, nghiêm túc, kiểm tra nghiêm ngặt hoạt động ngành nghề. “Tất cả mọi chuyện cũng là con người cả, nên công tác huấn luyện cũng sẽ được tăng cường”, ông Bình nói.

Phạt quá nhẹ

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, quy định của Bộ Xây dựng nhà dưới 3 tầng, 250 m2 sàn xây dựng cho người dân tự xây dựng chỉ đúng ở vùng ven, còn trong đô thị là sai vì đó là xây chen. Những tòa nhà này không có biện pháp thi công, giám sát, không có thiết kế nên chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến công trình lân cận. Không những vậy, việc xử phạt hiện nay không có tính răn đe, nghiêm trị nên không ai sợ. Một tòa nhà làm thêm một tầng phạt 50 triệu trong khi chủ đầu tư hưởng lợi cả chục tỉ vậy thì ai sợ?

Đình Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/xe-cau-tu-thoi-lien-xo-ma-van-dat-yeu-cau-ky-thuat-636823.html