Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley Mỹ có ưu thế lớn nào trước BMP-2 Nga?

Việc sử dụng xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley trong vai trò thay thế BMP-2 có thực sự hợp lý, khi việc làm trên có cả ưu lẫn nhược điểm.

Xe chiến đấu bộ binh (IFV) M2 Bradley là được thiết kế để đưa binh lính ra chiến trường và hỗ trợ hỏa lực trong khi thực hiện nhiệm vụ, như vậy chức năng là hoàn toàn tương đồng khi đặt cạnh BMP-2.

Sở dĩ nên so sánh giữa M2 và BMP-2 chứ không phải BMP-3 là vì Bradley thiếu một khẩu pháo lớn và lớp giáp của nó không nhằm chống lại các đòn tấn công từ xe tăng hoặc tên lửa chống tăng.

Vấn đề đầu tiên cần nhắc tới là M2 Bradley không hề rẻ, có giá khoảng 3,2 triệu USD tại thời điểm năm 2000, ước tính 6.500 xe đã được chế tạo và hơn 1/3 trong số đó không còn được sử dụng bởi các đơn vị Quân đội và Vệ binh Quốc gia Mỹ.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 có trọng lượng 15,8 tấn, trong khi một chiếc Bradley nặng gấp đôi, lên tới 33 tấn. Khác biệt chủ đạo nằm ở chỗ M2 có vỏ giáp vững chắc hơn nhiều.

Ví dụ, giáp hông và giáp sau của xe chiến đấu bộ binh BMP-2 có thể bị đạn súng máy hạng nặng xuyên thủng dễ dàng ở cự ly gần, trong khi Bradley được bảo vệ từ mọi góc độ trước loại vũ khí như vậy.

Khẩu pháo tự động 25 mm của Bradley cho dù nhỏ hơn vẫn dễ dàng xuyên giáp trước của BMP-2, trong khi khẩu 30 mm của BMP-2 phải vật lộn với tấm giáp dày của Bradley, chỉ có BMP-3 mới vượt qua được Bradley khi nó bổ sung khẩu pháo 100 mm.

Xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley cũng là một trong số ít các phương tiện bọc thép của Mỹ được thiết kế để tích hợp giáp phản ứng nổ, giúp đánh bại các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ thông thường kiểu RPG-7.

Chiếc IFV này còn được trang bị nhiều cảm biến hiện đại, bao gồm cả kính ngắm ảnh nhiệt thụ động mang lại khả năng chiến đấu ban đêm, điều mà chỉ một số ít BMP-2 hiện đại hóa làm được.

Giống như BMP-2 trang bị tên lửa chống tăng loại Konkurs hay Kornet, chiếc M2 Bradley cũng mang được tên lửa có điều khiển để chống lại xe tăng, cụ thể ở đây là loại BGM-71 TOW.

Tuy nhiên cần lưu ý, chiếc M2 Bradley cũng có nhược điểm như phần giáp bụng không được thiết kế để chống mìn, vì vậy nó vẫn tương đối dễ bị hạ gục bởi thiết bị nổ tự chế, mặc dù có lớp giáp dày.

Cho dù các phiên bản sau của Bradley đã tăng vài tấn trọng lượng nhưng vẫn tiếp tục sử dụng động cơ diesel 500 mã lực, nghĩa là không cung cấp đủ sức mạnh và gây áp lực cho hệ thống truyền lực cũng như hệ thống treo, ngoại trừ những chiếc M2A4 hoàn toàn mới.

Vì Bradley nặng hơn rất nhiều so với BMP-2 cho nên nếu một lực lượng vũ trang muốn thay đổi giữa hai loại IFV này chắc chắn sẽ đối mặt gánh nặng hậu cần, yêu cầu phải có cấu trúc hỗ trợ chuyên sâu hơn để tiếp nhiên liệu, bảo trì và sửa chữa.

Bên cạnh đó, việc đào tạo người vận hành, đội ngũ thợ kỹ thuật cũng tương đối tốn thời gian và tiền bạc, chỉ thích hợp nếu tiến hành thay thế chủng loại vũ khí một cách từ từ.

Tóm lại, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley giúp gia tăng đáng kể khả năng sống sót cho bộ binh, chiến đấu linh hoạt hơn nhờ cảm biến nhìn đêm vượt trội, có thể phát hiện cũng như tiêu diệt đối phương trước khi bị nhìn thấy, nhưng gánh nặng hậu cần sẽ lớn hơn nhiều.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xe-chien-dau-bo-binh-m2-bradley-my-co-uu-the-lon-nao-truoc-bmp-2-nga-post530185.antd