Xe khách bỏ bến, 'đại náo' khu công nghiệp (3): Từ 'bến cóc' đến trụ sở Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc… gần quá!

Dù các điểm khu công nghiệp (KCN) rất gần bến xe khách, thế nhưng người dân không vào trong bến mua vé mà chực chờ ở vỉa hè đường chính. Khu vực này cũng chỉ cách lối vào Phòng CSGT – Công an tỉnh Vĩnh Phúc chừng vài trăm mét nhưng nhiều nhà xe vẫn bất chấp dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Vậy đâu là nguyên nhân?

Đón trả khách sai quy định ngay gần Phòng CSGT

Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều KCN lớn, điển hình là KCN Khai Quang đóng tại TP Vĩnh Yên, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Mỗi khi đến giờ tan ca của công nhân, tình trạng xe khách chèo kéo, xe bán hàng rong xuất hiện dày đặc tại hai bên vỉa hè quanh các công ty, doanh nghiệp.

Khoảng 2h chiều 9/7, PV Báo Gia đình & Xã hội có mặt tại nút giao đường Mê Linh và đường Đình Ấm (khu vực gần KCN Khai Quang). Dưới những tán cây xanh có rất nhiều người đứng ngồi thấp thỏm. Chúng tôi hỏi một chị bán trà đá: “Ở đây muốn bắt xe khách về Nam Định thì đón ở điểm nào tiện lợi nhất?”. Vừa nhanh tay rót cốc trà cho khách, chị thản nhiên trả lời: “Chú ở đâu mới về đây à? Đây chính là nơi đón xe khách tiện nhất chứ còn ở đâu nữa? Xung quanh chú ở đây toàn là người đón xe khách mà”. Người bán quán nước vừa nói vừa hướng dẫn cụ thể chúng tôi: “Ai ở Vĩnh Phúc muốn về Hà Nội hay đi các tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… thì cứ ra đây đợi chỉ khoảng 15-20 phút là có xe”.

Những chiếc xe khách liên tỉnh, “quá cảnh” vào Vĩnh Phúc (ngay gần phòng CSGT) để “vợt” khách (ảnh chụp ngày 9/7/2019).

Những chiếc xe khách liên tỉnh, “quá cảnh” vào Vĩnh Phúc (ngay gần phòng CSGT) để “vợt” khách (ảnh chụp ngày 9/7/2019).

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Kiên (25 tuổi, quê ở Thanh Hóa đang làm việc tại KCN Khai Quang) cho biết: “Trước kia tôi chưa biết ra đây đón xe, mỗi lần về quê lại phải vào bến bắt xe buýt về Hà Nội. Nhưng đến bến xe Mỹ Đình tôi lại phải đi thêm chặng xe nữa để đến bến xe Giáp Bát mới có xe để về Thanh Hóa. Từ ngày biết đây là nơi xe khách thường đón trả khách, em cứ bắt xe ở đây là đi một chặng về đến tận nhà luôn, đỡ phải lên xuống xe, mang xách hành lý vất vả”.

Đúng như lời chị bán hàng nước nói, ngồi nhâm nhi ly trà khoảng 2 tiếng ở quán nước của chị, tôi đã ghi nhận hơn chục lượt xe khách dừng đỗ nơi đây để bắt khách. Trong đó, có những chiếc xe khi gần đến “điểm hẹn” để đón khách, tài xế vẫn điều khiển xe chạy tốc độ cao, khi đến nơi thì phanh đột ngột, thậm chí tạt đầu xe khác như thể “cướp” khách. Phải kể đến một số phương tiện đã làm cho chúng tôi một phen hú vía trong cách dừng xe đón khách như xe Limousine mang BKS 18B - 01194 của nhà xe Hà Trang; xe khách mang BKS 29B - 41164 của nhà xe Dũng Thủy; xe khách mang BKS 75B - 01121 của nhà xe Hùng Hưng; xe khách mang BKS 19B - 00261 của nhà xe Quang Cảnh và xe khách mang BKS 19B - 01429 của nhà xe Nhật Minh…

Xe hợp đồng Limousine hoạt động mạnh quanh các KCN và vận chuyển hành khách đi các tỉnh như tuyến cố định.

“Đây là khu vực giáp danh giữa đường chính và lối vào KCN nên có rất nhiều xe khách các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang… chạy qua. Giờ cao điểm, rất nhiều xe khách phóng nhanh, vượt ẩu tạt vào lề đường đón khách khiến người đi đường giật mình hoảng sợ. Mỗi khi tan ca làm đi xe máy về nhà tôi luôn trong tình trạng lo sợ tai nạn xảy ra, bởi ngoài trục đường giao nhau có rất nhiều xe khách và ô tô. Nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập, chỉ cần người tham gia giao thông không chú tâm quan sát là sẽ xảy ra va chạm. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại đây rồi”, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam nói.

Điều đáng nói, tại nơi mà phóng viên nhiều ngày liên tục có mặt để ghi nhận tình trạng xe khách dừng đỗ, bắt khách không đúng nơi quy định chỉ cách phòng CSGT – Công an tỉnh Vĩnh Phúc khoảng vài trăm mét. Trong cả suốt buổi chiều, phóng viên ghi nhận được rất nhiều lượt xe dừng đỗ để đón trả khách không đúng quy định, nhưng lại không bắt gặp bóng dáng của lực lực lượng chức năng.

“Nhà xe có chịu vào bến xếp khách đâu”

Từ lâu, bến xe khách TP Vĩnh Yên (ngay gần KCN Khai Quang) chỉ có xe buýt ra vào mà vắng xe khách liên tỉnh.

Trái ngược với cảnh xe đón trả khách nhộn nhịp ở khu vực ven đường, bến xe khách TP Vĩnh Yên cách đó chừng 200 mét lại trong cảnh đìu hiu, lác đác vài xe khách ra vào đóng lệnh, chủ yếu là hoạt động của xe buýt.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý bến xe khách Vĩnh Phúc chia sẻ, Vĩnh Phúc có 9 bến xe khách ở thành phố và các huyện nhưng chỉ có khoảng 180 đầu xe khách chạy liên tỉnh. Nhiều nhà xe phải nghỉ đan xen để duy trì do hoạt động không hiệu quả. Còn những nhà xe đón trả khách sai quy định ở khu vực nút giao đường Mê Linh – Đình Ấm mà phóng viên phản ánh, theo ông Sơn đây là không phải là xe khách đăng ký hoạt động ở các bến của tỉnh Vĩnh Phúc. “Họ thường đi dọc Quốc lộ 2 hoặc đường tránh để “quá cảnh” vào khu vực gần KCN Khai Quang đón trả khách. Việc này vừa thuận tiện, vừa mang lợi nhuận cho họ nên các doanh nghiệp vận tải có vào bến mình xếp khách đâu”, ông Sơn nói thêm.

Theo lời Trưởng ban Quản lý bến xe khách Vĩnh Phúc, do nhu cầu của người dân cộng với nguồn thu lớn nên các doanh nghiệp vận tải bất chấp vi phạm vẫn đón trả khách ở khu vực cấm. Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì họ không dừng lại hoặc sẽ có “cò mồi” là xe ôm chở hành khách lên khu vực phía trên.

“Chưa kể, tại tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều xe hợp đồng Limousine nhưng hoạt động như tuyến cố định. Đây là câu chuyện về quản lý bởi một xe khách muốn hoạt động vận tải liên tỉnh tuyến cố định phải xin ý kiến 2 đầu Sở GTVT sau khi được chấp thuận rồi gửi lên tỉnh đồng ý. Tiếp đó phải gửi thông báo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chờ Bộ GTVT chấp thuận tuyến, đưa vào quy hoạch rồi mới được ký hợp đồng với bến xe. Trong khi xe hợp đồng chỉ cần xin Sở GTVT cấp phù hiệu là chạy ngay được, các khoản thuế, phí, bến bãi không phải đóng hoặc ít hơn. Hành khách bao giờ cũng thích đi những xe này vì đưa đón tận nơi, gọi đặt chỗ là có ngay”, ông Sơn tâm tư.

Đại diện Sở GTVT Phú Thọ, địa phương có nhiều nhà xe thường xuyên “quá cảnh” tỉnh Vĩnh Phúc để đón trả khách quanh các KCN cũng cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, chế tài với xe hợp đồng rất đơn giản, không có mẫu hợp đồng cụ thể, danh sách hành khách, ngày tháng, hành trình, nơi xuất bến, điểm đến… hầu như để trống. Trong khi đó, việc cấp phép kinh doanh vận tải với xe hợp đồng rất đơn giản. Đây là thực trạng khiến nhiều xe khách bỏ bến, chạy dù bên ngoài”.

Cực chẳng đã, doanh nghiệp vận tải phải tự tìm đường sống.

Theo tìm hiểu, một số nhà xe khi báo cáo với đơn vị quản lý và khai thác bến xe đã đưa ra những lý do giải thích về việc hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký, hoặc bỏ bến là do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn... Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, không ít nhà xe bỏ bến nhưng lại lén lút ra ngoài đón trả khách quanh các KCN và vẫn chạy theo lộ trình tuyến cố định cũ.

Lý giải việc này, một doanh nghiệp vận tải ở Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đăng ký khoảng 10 lượt xe/ngày, tuy nhiên, hiệu suất ghế xe xuất bến chỉ đạt 20-30%. Trong khi đó, rất nhiều xe hợp đồng Limousine trá hình xe khách liên tỉnh ngang nhiên bắt khách dọc đường khiến các doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn, cực chẳng đã mới phải bỏ bến. Đây là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra, bởi sự phát triển ồ ạt của loại hình xe hợp đồng hoạt động trá hình, dần “bóp chết” xe khách liên tỉnh tuyến cố định, đẩy các doanh nghiệp vận tải tới chỗ phải tự tìm đường sống.

Nhóm phóng viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/xe-khach-bo-ben-dai-nao-khu-cong-nghiep-3-tu-ben-coc-den-tru-so-phong-csgt-tinh-vinh-phuc-gan-qua-2019071220041235.htm