Xe máy điện kháng nước IP57 hay IP67 có chịu ngập lụt được không?

Tham khảo các dòng xe máy điện, người dùng thường nghe các thuật ngữ như 'kháng nước' hay 'chống bụi', với các chuẩn IP57, IP67 hay IP68 tương tự điện thoại thông minh. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Xe điện thường “nhạy cảm” với nước và bụi hơn so với xe xăng truyền thống.

Khác với xe máy sử dụng động cơ đốt trong, xe máy điện không chết máy khi bị nước lọt vào bugi hay họng hút gió, nhưng lại chịu những tác động tương tự một sản phẩm điện tử.

Bụi tích tụ bên trong các ổ cắm, cổng và kẽ hở của thiết bị điện tử hay mạch điện có thể làm thay đổi điện trở, thậm chí chập, cháy các điểm tiếp xúc. Trong khi đó, hơi ẩm và nước luôn là kẻ thù truyền kiếp của các thiết bị điện.

Những chiếc xe điện thường xuyên hoạt động ngoài trời, chịu mưa gió hay thậm chí vòi rửa áp suất lớn đương nhiên không thể thiếu khả năng kháng nước, kháng bụi đủ tốt. Để đánh giá khả năng “chịu đựng” bụi và nước của xe điện hai bánh, các nhà sản xuất sử dụng chuẩn IP.

Dễ bị nhầm lẫn với Internet Protocol của mạng internet, chuẩn IP về kháng nước, kháng bụi là viết tắt của Ingress Protection (bảo vệ chống xâm nhập), được Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) – cơ quan có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) – đưa ra để đánh giá khả năng chống bụi và nước của một thiết bị. Thông thường, mã IP sẽ đi cùng với hai chữ số thể hiện cấp bậc, ví dụ như IP57, IP67 hay IP68. Lâu nay, người dùng thường quen thuộc với các chỉ số trên thiết bị số, nhưng gần đây, những tiêu chuẩn này đã xuất hiện cùng với những chiếc xe điện hai bánh.

Chữ số đầu tiên sau kí tự IP thể hiện mức độ thiết bị được bảo vệ trước sự xâm nhập của các hạt vật chất lạ, bao gồm bụi. Với 7 cấp độ từ 0-6, trong đó đáng chú ý hơn cả là các mức IP5X (bụi có thể lọt vào bên trong nhưng không làm hỏng sản phẩm) và IP6X (bụi không thể lọt vào bên trong).

Trong khi đó, chữ số thứ 2 cho biết thiết bị được bảo vệ như thế nào trước chất lỏng, trong đó có nước. Trong trường hợp sản phẩm chưa được kiểm nghiệm khả năng chống một trong hai yếu tố, kí tự tương ứng sẽ được biểu hiện bằng chữ X.

Xếp hạng IP chỉ được trao cho một sản phẩm sau khi đã trải qua quá trình thử nghiệm đặc biệt bởi một đơn vị do IEC cấp phép kiểm nghiệm. Vì vậy, không có nhà sản xuất nào có thể tự dán mác “đạt chuẩn IP” cho sản phẩm của mình.

Nhiều nhà sản xuất xe điện thường quảng bá khả năng lội nước như một trong những thế mạnh hút khách.

Hiện nay, khả năng chịu nước của xe điện hai bánh phổ biến gồm:

Cũng cần lưu ý rằng, một chiếc xe hợp chuẩn IPX6 không có nghĩa khả năng kháng bụi kém hơn so với IP67, mà chỉ đơn thuần là khả năng chống chọi các “vật thể lạ” chưa trải qua đánh giá IP, đồng nghĩa rằng khả năng này có thể tốt hơn, hoặc kém hơn so với quy chuẩn IP tùy công bố của nhà sản xuất.

Riêng chuẩn IPX7 không yêu cầu sản phẩm phải vượt qua các thử nghiệm kháng nước như IPX6 trở về trước, đồng nghĩa người dùng nên tham khảo kĩ chế độ bảo hành và hướng dẫn sử dụng.

Ngoài ra, một số nhà sản xuất có thể sử dụng các bộ quy chuẩn riêng cho sản phẩm của mình (như QCVN 91/2018 của Việt Nam chẳng hạn). Một số khác chỉ tuyên bố “kháng nước, bụi tương đương chuẩn IPXX”, hay đưa ra những tuyên bố chung chung. Trong các tình huống này, người dùng nên chủ động tìm hiểu cụ thể trước khi sử dụng xe. Với thời tiết và đường sá đặc thù của Việt Nam, xe máy điện nhìn chung phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu IPX6 mới đảm bảo an toàn trong sử dụng hằng ngày.

Ngoài việc dựa vào chuẩn IP, người dùng cũng nên chủ động đánh giá chất lượng xe bằng cảm quan thông thường. Việc kiểm tra các mối nối, cách bố trí mô tơ điện, pin, chất lượng dây dẫn... cúng giúp nhìn nhận rõ nét hơn về khả năng kháng bụi, lội nước của mỗi chiếc xe.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/990412/xe-may-dien-khang-nuoc-ip57-hay-ip67-co-chiu-ngap-lut-duoc-khong