Xe tăng Armata khó xuất khẩu, Việt Nam đủ tiền chưa chắc mua được?

Giá thành của mỗi chiếc xe tăng Armata rất cao, chưa kể chúng vẫn còn cần rất nhiều thời gian để thử nghiệm thực chiến, nên việc Nga sản xuất hàng loạt và xuất khẩu T-14 Armata là vô cùng khó khăn.

Trong một bài viết đăng tải ngày 6/6, tạp chí MilitaryWatch đã liệt kê Việt Nam vào một trong năm lực lượng quân đội có khả năng cao sẽ nhập khẩu siêu xe tăng T-14 Armata của Nga. Đây là động thái sau khi phía Nga có ý định về việc xuất khẩu loại tăng thế hệ mới này.

Tuy nhiên theo phân tích chuyên sâu, các thông tin mà tạp chí MilitaryWatch đưa ra chưa hoàn toàn mang tính khách quan và còn khá "hời hợt" trong khía cạnh tìm hiểu thực tiễn việc xây dựng cùng với như cầu sử dụng xe tăng của quân đội Việt Nam.

T-14 Armata là dòng xe tăng hiện đại, tối tân và được Nga quảng cáo là có sức mạnh hàng đầu thế giới hiện nay. Tuy nhiên từ nhiều năm trước, giới phân tích đã chỉ ra rằng, chính Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn để sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata... quân đội Nga cũng "không chắc chắn" đưa vào biên chế dòng xe tăng này chứ chưa xét đến việc sẽ xuất khẩu nó sang nhiều quốc gia khác.

Theo nhiều nhà phân tích, T-14 Armata là loại xe tăng tiên tiến nhất mà nước Nga từng chế tạo, và là đối trọng với các xe tăng tốt nhất của phương Tây. Nước Đức cũng đã chấp nhận lời thách thức từ Nga, và bắt tay vào việc nâng cấp xe tăng Leopard 2 của mình. Trước đó, chiếc Leopard 1 đã được biết đến là một trong những loại xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, dù sức mạnh của Armata là rất đáng sợ, nhưng giá thành sản xuất cao sẽ là rào cản khiến Quân đội Nga chưa thể mua sắm nhiều. Dmitry Gorenburg, một học giả tại Trung tâm nghiên cứu Nga và Á Âu của Đại học Havard cho hay: “Giá thành cao của tăng Armata sẽ giới hạn việc mua sắm”. Điều này càng thể hiện rõ khi kinh tế Nga hiện đang gặp phải những khó khăn nhất định trong vài năm qua.

Theo các nguồn tin không chính thức, giá thành của một chiếc xe tăng Armata xấp xỉ 400 triệu ruble, tức là nhiều hơn gấp đôi so với chiếc tăng Leopard 2 của Đức và cao hơn khoảng 60-75% so với xe tăng Leclerc của Pháp và xe tăng M-1 Abrams của Mỹ.

Từ năm 2016, Yuri Borisov - thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách việc mua sắm từng tiết lộ rằng giá thành của T-14 Armata cao hơn khoảng 2,5 lần so với dự định trong Chương trình vũ khí nhà nước của Nga.

Cũng do giá thành của T-14 Armata quá cao, không cho phép sản xuất với số lượng lớn, nên như một phương án thay thế, Nga đã tiếp tục đặt hàng các xe tăng T-90M cùng các phiên bản tiên tiến hơn khác của T-90. Dù giá thành của các xe tăng này lên đến 4,5 triệu USD mỗi chiếc, nhưng chúng vẫn rẻ hơn xe tăng Armata.

Bên cạnh đó, giá thành cao chắc chắn cũng khiến cho nỗ lực xuất khẩu siêu tăng T-14 Armata tới nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam gặp khó khăn.

Xe tăng T-14 có chiều dài 10.8m, rộng 3.5m, khối lượng 55 tấn, sử dụng một pháo 2A82-1M cỡ nòng 125mm, kíp lái 3 người. Xe được ra mắt lần đầu năm 2015 và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa được biên chế vào quân đội Nga. Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác của loại xe tăng này vẫn là một ẩn số, tuy nhiên người ta nhận định đây là loại xe tăng thế hệ thứ tư vô cùng tiên tiến, chiếm ưu thế hoàn toàn vượt trội trước các loại tăng hiện nay của khối NATO.

Video Việt Nam tiến thẳng lên xe tăng T-14 Armata hay sẽ mua tiếp T-90M?

Anh Tú

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-tang-armata-kho-xuat-khau-viet-nam-du-tien-chua-chac-mua-duoc-1394611.html