Xe tăng Challenger 2 không thể bị phá hủy kể cả khi trúng... 70 phát đạn diệt tăng

Xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo được xem là dòng chiến xa vững chắc nhất thế giới vào thời điểm hiện nay.

Trên chiến trường vùng Vịnh, trong khi M1 Abrams của Mỹ bị thiệt hại khá nặng nề thì đối phương lại không thể nào phá hủy xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo.

Trên chiến trường vùng Vịnh, trong khi M1 Abrams của Mỹ bị thiệt hại khá nặng nề thì đối phương lại không thể nào phá hủy xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Challenger 2 là bản nâng cấp từ Challenger 1, nó chính thức được đưa vào thành phần tác chiến của Quân đội Anh từ năm 1998, và luôn nằm trong danh sách những MBT hàng đầu thế giới.

Challenger 2 được trang bị hệ thống điện tử hiện đại cho khả năng tác chiến ưu việt, ngoài ra điểm nhấn chính là lớp giáp Chobham tuyệt mật, có khả năng vô hiệu hóa hầu như toàn bộ các loại đạn chống tăng mạnh nhất.

Trong khi các xe tăng của Nga, Mỹ, Đức hay Pháp đều bị phá hủy với số lượng khá lớn trên chiến trường Trung Đông thì duy nhất Challenger 2 tránh được tình trạng trên.

Toàn bộ các xe tăng Challenger 2 của Anh từng tham chiến tại Trung Đông trong trường hợp bị trúng mìn hay đạn chống tăng thì chúng chỉ bị hư hỏng tương đối nhẹ và có thể quay lại chiến đấu trong thời gian rất nhanh chóng.

Trên chiến trường Iraq, có báo cáo cho biết một chiếc Challenger 2 từng bị dính tới 14 quả đạn chống tăng ở cự ly gần (bao gồm cả tên lửa Milan) nhưng chiếc MBT vẫn không bị phá hủy, kíp chiến đấu an toàn tuyệt đối, trong khi xe tăng có thể kéo về sửa chữa.

Sự kiện nổi tiếng nhất đối với Challenger 2 là ở trận chiến tại thành phố Basra, một chiếc xe tăng loại này bị trúng tới 70 phát đạn chống tăng kiểu RPG từ mọi hướng nhưng không hề hư hỏng nặng, nó chỉ cần 6 tiếng sửa chữa để quay lại chiến đấu.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển của vũ khí chống tăng, xe tăng Challenger 2 không thể giữ được thành tích an toàn tuyệt đối, tháng 8/2006 tại thành phố Al-Amarah (miền Nam Iraq), một chiếc MBT đã bị trúng đạn RPG-29.

Mặc dù trúng tới 15 phát đạn nhưng chỉ có duy nhất một phát xuyên được vào trong xe, nhưng cũng chỉ làm gãy chân một binh sĩ và khiến hai thành viên kíp chiến đấu bị thương nhẹ.

Nhưng thật bất ngờ khi được biết chiếc Challenger 2 "bị thương" nói trên vẫn đi lùi được tới 2,5 km để về vị trí an toàn rồi bàn giao cho đội ngũ kỹ thuật sửa chữa, cỗ chiến xa này đã quay lại chiến đấu một thời gian sau đó.

Thống kê cho biết xe tăng Challenger 2 duy nhất từng bị tiêu diệt trong chiến đấu lại bắt nguồn từ nguyên nhân khó tin đó là nó bị bắn nhầm bởi chính một chiếc Challenger 2 khác.

Sự việc hy hữu nói trên xảy ra vào ngày 25/3/2003, khi mà mọi loại vũ khí chống tăng của đối phương đều đã bất lực trước Challenger 2 thì cỗ chiến xa "bất khả chiến bại" này lại bị phá hủy bởi một phát đạn "hỏa lực thân thiện".

Vũ khí phá hủy chiếc Challenger 2 duy nhất tính đến thời điểm hiện nay là pháo nòng xoắn L30 cỡ 120 mm, loại đạn được sử dụng theo xác định khả năng là đạn xuyên dưới cỡ có cánh đuôi APFSDS L23 (sơ tốc đầu đạn 1,53 km/s); hoặc đạn APFSDS L26 (với lõi Uranium nghèo).

Như vậy nếu bỏ qua sự việc bắn nhầm đầy đáng tiếc nói trên thì xe tăng Challenger 2 chưa từng bị phá hủy bởi bất cứ loại chiến xa hay vũ khí chống tăng nào khác của đối phương

Xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 được ghi nhận đã góp công rất lớn giúp Lục quân Hoàng gia Anh giành được những chiến thắng vang dội tại chiến trường Iraq, nó sẽ là đối thủ xứng tầm với T-90M Proryv nếu hai chiếc MBT này gặp nhau trên chiến trường.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xe-tang-challenger-2-khong-the-bi-pha-huy-ke-ca-khi-trung-70-phat-dan-diet-tang-post530475.antd