Xe tăng Mỹ trở lại Syria giữa lúc căng thẳng tột độ

Mỹ đã điều 55 xe tải quân sự chở theo các xe tăng hiện đại và xe bọc thép cùng nhiều trang thiết bị khác từ Iraq đến khu vực Đông Bắc Syria. Động thái này khiến giới quan sát lo ngại tình hình Trung Đông sẽ tiếp tục 'rực lửa'.

Theo thông tin của Spunik ngày 16/2, một đoàn gồm 55 xe tải Mỹ đã đi qua biên giới Iraq và Syria đến tỉnh Al-Hasakah, Đông Bắc Syria, mang theo một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực (có cả M1A2), xe chiến đấu bộ binh và thiết bị hậu cần quân đội.

Mỹ đã theo sát trận chiến ở Idlib và liên tục tuyên bố ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đối kháng với các lực lượng liên minh Syria-Nga.

Trước khi một số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 tiến vào phía Đông Bắc Syria, quân đội Mỹ chỉ triển khai khoảng 650 binh sĩ và hàng chục xe chiến đấu bộ binh M2 ở đây, điều này không thể cạnh tranh với liên minh Syria-Nga trong các hoạt động trên bộ.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi hơn 6.000 binh sĩ, hơn 1.200 xe tăng và các thiết bị cơ giới khác tới Idlib và có sự hỗ trợ của hàng nghìn phiến quân Syria, nhưng vẫn không thể ngăn chặn liên minh Syria-Nga giải phóng các vùng đất mới.

Có thể đây là lý do khiến Mỹ bất ngờ triển khai xe tăng hạng nặng cùng khí tài tối tân trở lại Syria.

Theo báo cáo, lực lượng xe tăng của Mỹ có sức mạnh tương đương với một tiểu đoàn, và có quy mô tương tự lực lượng xe chiến đấu M2 đóng quân ở Syria trước đây.

Số lượng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh lên đến khoảng 50 xe, đây được coi là đợt triển khai quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông kể từ sau Chiến tranh Iraq.

Trang Defense One dẫn báo cáo của quan chức Lầu Năm Góc cho biết, trên thực tế, quân đội Mỹ đã sớm quay trở lại Syria từ tháng 11-2019, việc đưa xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 tới căn cứ Mỹ ở Syria là một trong những hoạt động ưu tiên.

Trước đây lúc tham chiến cao điểm tại Syria, Mỹ vẫn rất ít khi triển khai xe tăng hạng nặng M1A2 Abrams, việc triển khai số lượng lớn lần này có thể sẽ thay đổi cục diện chiến trường.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Nga và các lực lượng chính của Damascus đang ngày càng tiến sâu vào khu vực kiểm soát của Mỹ và người Kurd. Các lực lượng này cũng luôn khiêu khích quân đội Mỹ, sẵn sàng nắm bắt cơ hội chiếm giữ khu vực phía Đông sông Euphrates.

Các phương tiện truyền thông Nga tin rằng, cả Nga và Mỹ đã cố gắng hết sức để tránh xung đột trực tiếp ở Syria, nhưng trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quy mô lớn vào cuộc chiến Idlib, rất có thể mối quan hệ của Nga và Mỹ tại Syria sẽ thay đổi theo những diễn tiến bất ngờ.

M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense. Tên hiệu xe được đặt theo tên của Creigton Williams Abrams Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Hiện nay các phiên bản M1A2 đang được Mỹ sản xuất hàng loạt để trang bị và bán cho đối tác.

Đặc điểm nổi bật nhất của dòng xe M1A2 Abrams là hệ thống điều khiển hỏa lực rất hiện đại, cho phép tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 1.850m bằng một viên đạn, ngay cả khi xe đang hành tiến với tốc độ 40km/h.

Nhờ kính ngắm tổ hợp quang – điện tử (Electro-Optical Systems Division) do công ty Hughes Aircraft sản xuất, của pháo thủ số 1 có hai chế độ bắn ngày – đêm.

Ngoài ra, hệ thống kính ngắm được lắp đặt một thiết bị truyền quang ảnh trực tiếp telescopic, giúp chỉ huy chiếc xe tăng M1A2 Abram quan sát hình ảnh chiến trường trên kính ngắm của pháo thủ số 1, từ đó có thể khai hỏa đồng thời như pháo thủ số 1.

M1A2 Abrams có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 3.000m ban đêm và 1.200m – trong điều kiện sương mù.

M1A2 Abrams là xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ AGT-1500 tua bin khí đa nhiên liệu, cho công suất đến 1.500 mã lực.

Nhiên liệu sử dụng cho động cơ là dầu hỏa, dầu diesel và xăng. Số giờ động cơ hoạt động đến lúc cần phải bảo trì là 1.800 giờ, tương đương với 19.000km hoạt động.

Hệ thống truyền động lực M1 Abrams là hệ thống thủy lực, được lắp đặt đồng bộ cùng với động cơ, bao gồm bộ li hợp dầu, hộp số thủy lực 4 số tiến và 2 số lùi.

Xe tăng có hiệu suất riêng rất cao - 28 sức ngựa/tấn, mang lại khả năng cơ động nhanh dù tổng khối lượng khá nặng.

Tốc độ cơ động nhanh trên đường nhựa là 72 km/h, trên đường đất là 55 km/h. Xe có thể kéo tốc độ lên đến 30km/h trong vòng 6,2s.

Xe tăng này cũng có thể vượt dốc 30 độ, vượt tường cao 1,2m, hào rộng đến 2,77m và vượt ngầm có độ sâu 1,2 m.

Trên xe tăng lắp đặt hệ thống chống vũ khí hủy diệt lớn, hệ thống sẽ lọc độc không khí và kết nối với mặt nạ phòng độc của kíp xe. Hệ thống lọc độc này sẽ tạo ra áp suất trong khoang chiến đấu để cách ly với không khí bên ngoài. Với những tính năng đáng gờm, M1A2 vẫn là một trong những dòng xe tăng mạnh nhất thế giới.

Theo Việt Hùng/ANTĐ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-tang-my-tro-lai-syria-giua-luc-cang-thang-tot-do-1343747.html