Xe tăng, trực thăng rầm rộ giữa Paris diễu binh quốc khánh Pháp

Buổi lễ hoành tráng tại thủ đô Paris nhân kỷ niệm 230 năm ngày quốc khánh Pháp gửi đi thông điệp về khả năng hợp tác quân sự ở châu Âu giữa bối cảnh rạn nứt quan hệ Âu - Mỹ.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte ngày 14/7 đến dự lễ kỷ niệm 230 năm quốc khánh Pháp tại Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon kỳ vọng sự kiện chứng minh khả năng hợp tác quân sự giữa các nước châu Âu. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte ngày 14/7 đến dự lễ kỷ niệm 230 năm quốc khánh Pháp tại Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon kỳ vọng sự kiện chứng minh khả năng hợp tác quân sự giữa các nước châu Âu. Ảnh: Reuters.

Gần 4.300 quân nhân được huy động tham dự cuộc diễu binh rầm rộ, với nhiều trung đoàn được các nước châu Âu cử đến. Trong sự kiện kỷ niệm quốc khánh Pháp, còn được gọi là ngày phá ngục Bastille, các đơn vị diễu hành trên đại lộ Champs Elysees nơi có Khải Hoàn Môn nổi tiếng của Paris. Ảnh: Reuters.

Buổi lễ có sự tham gia của binh đoàn Lê Dương nổi tiếng, lực lượng kỵ binh vũ trang diễu hành trên quảng trường Concorde. Quân đội Pháp huy động cả máy bay chiến đấu và nhiều đơn vị tăng - thiết giáp tham gia sự kiện này. Ảnh: AFP.

Lễ diễu binh còn có màn ra mắt của "ván bay" do nhà sáng chế và khởi nghiệp Franky Zapata phát triển. "Quân đội đang thay đổi. Điều này giúp hiện đại hóa người lính, chủ quyền và độc lập đất nước", ông Macron nhấn mạnh. Ảnh: Reuters.

Trực thăng Chinook, biểu tượng của hợp tác phát triển quốc phòng Anh - Pháp, cũng được điều động tham gia diễu binh. Bộ Quốc phòng Anh đã triển khai 3 chiếc Chinook và 100 nhân sự tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của Pháp tại khu vực Sahel ở phía bắc sa mạc Sahara. Ảnh: AFP.

Tham gia sự kiện còn có đơn vị đại diện Lữ đoàn Pháp - Đức (BFA). Lực lượng với hơn 5.000 quân được thành lập vào năm 1989 như một biểu tượng của sự đoàn kết trong quan hệ hai nước sau chiến tranh. Năm nay cũng kỷ niệm 30 năm thành lập lực lượng này. Ảnh: AP.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên khu vực khán đài dành cho các quan chức cấp cao, dự lễ kỷ niệm quốc khánh Pháp ngày 14/7. Thủ tướng Anh Theresa May đã không tham gia như dự kiến. Ảnh: AP.

Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng châu Âu diễn ra giữa bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống xuất hiện tín hiệu rạn nứt. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục kêu gọi các đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần chia sẻ chi phí an ninh. Ảnh: AP.

"Tổng thống Trump như một đại sứ tuyệt vời cho (ý tưởng) quốc phòng châu Âu", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trả lời tờ Parisien ngày 14/7. Bà cho rằng những lời đe dọa từ nhà lãnh đạo Mỹ làm tăng hoài nghi về cam kết an ninh của Washington với châu Âu. Ảnh: AP.

Tại lễ diễu binh ngày 14/7, Tổng thống Pháp cũng vấp phải sự phản đối của người biểu tình áo vàng khi đang đi chung xe với Tham mưu trưởng Quân đội Pháp Francois Lecointre. Hai nhân vật nổi bật của phong trào là Jerome Rodrigues và Maxime Nicolle đã bị cảnh sát bắt giữ. Ảnh: AP.

Tổng thống Macron xem việc thắt chặt hợp tác quốc phòng giữa các nước châu Âu là một trong những mục tiêu then chốt trong chính sách đối ngoại của nhiệm kỳ. Giới quan sát nhận định ông Macron vẫn không từ bỏ mục tiêu này bất chấp những biến động chính trị tại Đức và Anh thời gian qua. Ảnh: AP.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xe-tang-truc-thang-ram-ro-giua-paris-dieu-binh-quoc-khanh-phap-post966901.html