'Xém' bị lừa lấy mất tiền

Với kịch bản tinh vi, kẻ lừa đảo dù dùng những chiêu cũ bằng cách giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát vẫn có thể lừa những người mất cảnh giác để lấy tiền.

Lúc 15 giờ 30 ngày 4.9, cơ quan công an tỉnh Bình Dương nhận được tin báo từ ngân hàng B. (phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) về việc phát hiện 2 khách hàng đến giao dịch có biểu hiện nghi vấn bị lừa đảo. Cơ quan công an đã tiến hành xác minh vụ việc.

Theo lời anh T.L.A.L (31 tuổi, tạm trú phường Tân Định, thị xã Bến Cát, Bình Dương), vào ngày 4.9 trong lúc đang trực cơ quan, anh nhận được một cuộc điện thoại bàn từ một người xưng là Nguyễn Thị M. - giao dịch viên của VNPT thông báo anh có đăng ký số điện thoại 0283.5174.826 tại văn phòng giao dịch VNPT (535 Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3, TP.HCM ) hiện nợ cước với số tiền 8,93 triệu đồng.

Anh L. khẳng định không có đăng ký và sử dụng số điện thoại trên thì Nguyễn Thị M. cho rằng số điện thoại trên có thể đã bị kẻ xấu chiếm đoạt sử dụng vào mục đích xấu. Sau đó Nguyễn Thị M. nối máy cho anh L. gặp “Lê Hồng Phong” tự xưng là trung úy Công an TP.HCM để giải quyết. Theo lời Phong, anh L. có tham gia đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu anh L. phải trình báo về tài sản hiện có (bao gồm nhà cửa, đất đai, tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng).

Tiếp theo đó, một người sử dụng số điện thoại +840283291741 gọi vào điện thoại cá nhân của anh L, xưng là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân yêu cầu anh phải rút tiền trong các tài khoản ngân hàng và chuyển vào tài khoản số 670127 (do Hồ Thành Vũ đứng tên mở tại ngân hàng A. chi nhánh Đắk Lắk) để phối hợp điều tra làm rõ và số tiền sẽ được trả lại khi làm rõ vụ việc. Trường hợp anh L. không hợp tác thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiều cùng ngày, anh L. đã đến ngân hàng B. để rút số tiền 50 triệu đồng đang gửi tại đây. Trong quá trình làm thủ tục, nhân viên giao dịch của ngân hàng phát hiện anh L. có nhiều biểu hiện khác thường vì vậy đã hỏi thăm và biết được vụ việc. Nhận thấy vụ việc trùng khớp với những dấu hiệu cảnh báo lừa đảo đã được Công an tỉnh Bình Dương thông báo trước đó, nhân viên ngân hàng đã trình báo công an. Cơ quan công an đã phối hợp với ngân hàng tiến hành xác minh mục đích chuyển tiền, giải thích cho khách hàng hiểu rõ việc bị lừa đảo. Anh L. đã cảnh giác và không chuyển tiền.

Khá hy hữu, trong khi đang giải quyết trường hợp của anh T.L.A.L, một khách hàng khác là bà P.T.K.D đang giao dịch tại ngân hàng B. nghe được thông tin trên và đã trình báo cũng nhận được điện thoại với những thủ đoạn tương tự, kẻ lừa đảo yêu cầu bà D. chuyển 200 triệu đồng, tuy nhiên các đối tượng lừa đảo chưa cung cấp số tài khoản nên bà D. chưa chuyển.

Trước đó, ngày 31.8, bà Đ.T.K.N (phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một) đến ngân hàng A. chi nhánh Bình Dương thực hiện chuyển tiền. Nhân viên ngân hàng A. nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo nên đã thực hiện báo cho cơ quan công an. Phía cơ quan công an đã làm việc với bà N. và bà cho biết thông qua mạng xã hội, một người nước ngoài thông báo đã gửi cho bà quà trị giá 1,5 triệu USD và yêu cầu bà N. đóng lệ phí hải quan 30,3 triệu đồng. Sáng 31.8, bà N. đến ngân hàng chuyển số tiền này và ngay lập tức chủ tài khoản nhận đã rút tiền ra. Đến chiều cùng ngày, bà N. quay lại ngân hàng để thực hiện chuyển thêm 120 triệu đồng và nhân viên ngân hàng tình nghi có dấu hiệu lừa đảo đã báo công an. Sau khi nghe giải thích, bà N. đã không chuyển số tiền này.

Thanh Xuân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/xem-bi-lua-lay-mat-tien-1001459.html