'Xem mơ' cùng Hồ Thế Hà

Người ta vẫn quen PGS, TS, NGƯT Hồ Thế Hà với hình tượng một nhà giáo chuyên giảng dạy chuyên đề thơ và phê bình thơ Việt Nam hiện đại. Dường như ông dễ dàng tự đồng cảm/hiện với thi nhân, tự biến ngôn ngữ thơ người khác thành của mình, nên sự thuộc thơ của ông giản đơn như khi ta ướm vừa vặn một chiếc áo của ai đó may sẵn.

Sau những tập thơ: “Khoảnh khắc” (1990), “Nghìn trùng” (1991), “Xác thu” (1996), “Thuyền trăng” (2013), “Tơ sương” (2015) thì “Xem mơ” (NXB Văn học, 2018) là một điểm nối đầy bước ngoặt trong lịch sử cá nhân và lịch sử tinh thần của Hồ Thế Hà. Sau gần 3 năm, ông lại tái xuất sau một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, nên ắt hẳn “Xem mơ” chuyển đi nhiều thông điệp, chiêm nghiệm của một người vừa đối diện, đi qua và chối từ cái chết.

“Xem mơ” là một cõi mơ mộng trong chữ của Hồ Thế Hà, những giấc mơ không có thật nhưng lại thường chân thật nhất với những ám thị, chấn thương, suy nghĩ vô thức của con người. Hồ Thế Hà luôn là người của mơ mộng. Ở tập thơ, bạn đọc gặp lại một cái tôi thi nhân đầy cô đơn, nhưng trữ tình và vị tha, nhân ái. Hồ Thế Hà tìm đến thơ và rượu nhằm khắc phục (tạm thời) nỗi cô đơn của mình. “Bạn thơ nghiêng ché rượu-Vút mấy vòng chơi vơi” (“Đêm Mai Châu”). Qua giấc mơ, ông thấy mình có thể sống chan hòa với cỏ cây, giun dế, cảm nhận được lượng đất trời thật vi diệu và hùng vĩ. “Những giấc mơ vẫn bước ra ngoài tôi-Tôi xem mơ, lạc cả trong mơ” (“Gí đầu”). Hoặc ở trong mơ, ông mới có thể gặp lại những người đã khuất, trong đó có người ông yêu thương nhất ở trên đời, đó là mẹ: “Hằng đêm con gặp Má-Trong giấc mơ chập chờn-Má cười hiền như lá-Tóc bạc rung gió đêm” (“Má”). Sự xuất hiện dày đặc những giấc mơ, cùng ý nghĩa bề sâu của nó đã khiến tác giả lựa chọn tựa đề "Xem mơ" cho cả tập thơ. Mơ mộng tức là tự do sáng tạo nên một thế giới mới, theo ý muốn chủ quan của người mơ. Mơ mộng là phản/phi lý tính, xem mơ là một cách chống lại thực tại khắc nghiệt tàn bạo hoặc những logic đắng cay, bất ổn của chính mình và tha nhân.

Qua "Xem mơ", bạn đọc có thể nhận ra những điểm mới và cả điểm cố hữu rõ nhất của một hồn thơ. Tuổi người đã lớn nhưng tâm hồn vĩnh hằng như thơ trẻ. Trạng huống ấu nhi trong thơ Hồ Thế Hà là cách để ông chống chọi với quy luật của thời gian, bằng cách mở rộng lòng mình, nâng cao sự nhạy cảm, trữ tình để sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Do vậy, dẫu thích hay không thích, với "Xem mơ", chúng ta vẫn có được cái nhìn trọn vẹn nhất về bản ngã Hồ Thế Hà. Tập thơ vẫn mang đặc điểm thi pháp giống các tập thơ trước (trừ "Tơ sương"): Cân bằng giữa hiện đại và cổ điển, hiện thực và trữ tình, ngôn từ thuần Việt và Hán Việt như cách để ông hướng về đa chủ thể tiếp nhận. Vì vậy mà thi pháp thơ, tư duy thơ hướng đến sự hài hòa giữa tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại theo cách của ông. Bạn đọc rất có thể sẽ cảm nhận được sự đồng cảm với những câu thơ hay đến đáng ngạc nhiên. “Đêm thở đất rung cây chuyển-Lá trút cho vừa mùa xa-Có người âm thầm thắp nến-Cổ độ mùa trôi đã già-Có ai về không để dỗi-Còn một tờ thư tạ từ” ("Lời ru"). Thơ mới hay cũ, suy cho cùng cũng là cuộc truy vấn, đi tìm thơ hay. Theo nghĩa ấy, thi sĩ Hồ Thế Hà đã tìm được niềm vui thi ca cho mình, gửi đến người, và giãi bày về nỗi mình, nỗi đời mà ông vốn thường không né tránh/che giấu.

Tập thơ "Xem mơ" còn một điểm đặc biệt nữa cần trình hiện với bạn đọc, bởi đây là tập thơ nguyên hợp cả thơ (phần 1) lẫn những bài phê bình thơ mà độc giả từng viết về sự nghiệp thi ca của Hồ Thế Hà (phần 2). Phần phê bình bao gồm 28 bài phê bình khác nhau của các nhà văn, nhà phê bình chuyên nghiệp, nhà phê bình tay ngang, bạn bè, học trò trong học giới. Giai đoạn sáng tạo thứ hai của Hồ Thế Hà, vào khoảng mươi năm trở lại đây, đặc biệt là từ “Thuyền trăng”, “Tơ sương” đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc về thi pháp và tư tưởng. Phê bình về thơ Hồ Thế Hà do vậy cũng chuyển đổi hệ hình sang hiện đại và hậu hiện đại. Những nhà phê bình lúc này về ông đa phần là những người trẻ, sớm thành danh trên văn đàn, thông minh và có nhiều công trình đáng chú ý, ta có thể kể đến TS Nguyễn Mạnh Tiến, TS Nguyễn Quang Huy, ThS Hoàng Thụy Anh, TS Phan Tuấn Anh, TS Mai Liên Giang... và cả những học giả có uy tín như: PGS, TS Lý Hoài Thu, nhà thơ Inrasara, TS Mai Bá Ấn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, Phạm Phú Phong, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch... Qua thơ Hồ Thế Hà, những nhà phê bình có cớ để tranh luận với nhau, họ lấy đối tượng không chỉ là văn bản thơ mà còn cả văn bản phê bình thơ (được viết trước đó), tạo nên một mạng lưới liên văn bản chằng chịt, phức điệu. Tuy vậy, theo quan điểm nghiên cứu hiện đại là tổng hợp và liên ngành, chỉ những tác giả lớn hoặc rất may mắn mới có được một hệ thống phê bình tiếp cận tổng thể, đa hệ thống với nhiều cấp độ, góc độ và chuyên ngành như vậy. Có được điều này, theo tôi trước tiên là nhờ cách sống, giá trị con người của nhà thơ, sau đó mới đến giá trị văn bản thơ.

Khép lại một hành trình đọc "Xem mơ", cả trên phương diện thơ ca lẫn phê bình về thơ ca, bạn đọc thấy được những điều thật rõ ràng, nhưng chính những điều đó dường như đồng thời rất mơ màng, bảng lảng. Thơ Hồ Thế Hà khi đọc lên giống như một giấc mơ, rất đẹp, trữ tình, lưu dấu ấn lẻ loi, đơn chiếc. Khi mơ, ta có được khoảnh khắc đồng hiện giữa bản ngã với thế giới mộng ảo, đó là phút giây thăng hoa, hạnh phúc, nhưng khi tỉnh giấc, ta sẽ quên đi tất cả. Thơ Hồ Thế Hà là thơ đọc để đồng cảm, để sống trong khoảnh khắc bừng thức, không phải để ám thị, bám riết vào đầu óc của người tiếp nhận. Đó là điểm yếu và cũng là điểm mạnh, là giá trị suốt đời ông đeo đuổi. Vì cuộc đời này, tấm thân thể này, nỗi cô đơn ấy, với Hồ Thế Hà, đều là cõi mơ, là giấc mộng đời không thực. Vậy bảo làm sao thơ không là bóng dáng, là âm bản của chính người thơ!?

YẾN THANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/xem-mo-cung-ho-the-ha-544487