Xem người dân đón nắng nóng để 'làm một ngày ăn cả năm'

Mỗi ngày một người làm nhiều nhất có thể thu được 1 tạ muối. Nếu để ăn thì cả năm không hết nhưng nếu bán chỉ được vài trăm nghìn đồng khiến cuộc sống của diêm dân thêm vất vả, khó nhọc.

Làng nghề muối ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã có tuổi đời hơn 400 năm. Theo thống kê, toàn xã An Hòa có 113 ha diện tích sản xuất muối dinh dưỡng vi chất khoáng tự nhiên. Nơi đây, người dân đang làm muối theo phương pháp phơi cát thủ công nên muối mang hương vị đặc trưng, đặc biệt chỉ nơi này mới có.

Làng nghề muối ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã có tuổi đời hơn 400 năm. Theo thống kê, toàn xã An Hòa có 113 ha diện tích sản xuất muối dinh dưỡng vi chất khoáng tự nhiên. Nơi đây, người dân đang làm muối theo phương pháp phơi cát thủ công nên muối mang hương vị đặc trưng, đặc biệt chỉ nơi này mới có.

Nghề muối rất vất vả và phải trải qua nhiều công đoạn mới có thể làm ra được hạt muối. Trong đó, công đoạn chính gồm: xáo đất, phơi đất, đưa đất vào chạt, lọc nước, phơi nước, thu muối.

"Làm muối, mỗi công đoạn đều có những khó nhọc riêng. Đặc biệt, làm muối phải chọn vào những thời điểm nắng nóng nhất thì mới làm được. Lúc này phơi đất, phơi nước nhanh. Nắng nóng làm hạt muối kết tủa nhanh hơn, to hơn, trắng hơn. Trời không nắng thì không làm được. Nắng nóng họ đi trốn mình lại tranh thủ ra đồng để làm muối", ông Vinh (54 tuổi, trú xã An Hòa) chia sẻ.

Khu vực làm muối được chia làm 2 khu. Trong đó một khu để làm đất, lọc nước và phần còn lại được láng bằng xi măng thành từng ô nhỏ để phơi nước tạo muối.

Công đoạn đầu tiên là người dân sẽ rải đất đều để phơi.

Người dân sau đó múc nước biển tưới đều lên đất. Múc đích để cho nắng làm bay hơi nước, còn muối sẽ đọng lại ở đất.

Đất phơi xong sẽ thấy những hạt muối trắng bám trên từng cục đất. Người dân sau đó xúc đất nén chặt ở một khuôn bê tông gọi là chạt rồi đổ nước vào để lọc nhiều lần.

Nước từ khu vực chạt lọc chảy ra được gom lại. Người dân sẽ lặp lại quá trình này nhiều lần đến khi nước đạt độ mặn tiêu chuẩn để làm ra muối.

Nước sau đó sẽ được mang lên những ô bê tông phơi trong vài giờ đồng hồ. Khi hơi nước bay hơi sẽ chỉ còn lại những hạt muối trắng ngần.

Cụ bà gần 80 tuổi nhưng vẫn cần mẫn làm việc trên ruộng muối của mình hàng ngày. Nắng nóng, vất vả thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng cụ bà vẫn bám lấy nghề truyền thống cha ông để lại.

Làm muối thường được gọi là nghề "làm một ngày ăn cả năm". Bởi một ngày mỗi người nhiều nhất có thể làm được cả tạ muối. Nếu để ăn thì cả năm cũng chẳng hết. Nhưng với giá bán chỉ vài nghìn đồng/kg thì mang lại thu nhập cho người làm muối chẳng đáng là bao.

Cuối ngày những ruộng muối được cào gom lại.

Những đống muối nhỏ nhưng lại là thành quả to lớn của cả một ngày làm việc dưới nắng nóng.

Ông Bùi Xuân Điện - Giám đốc HTX dịch vụ muối Thắng Lợi cho biết, với hơn 600ha làm muối, huyện Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích làm muối lớn nhất tỉnh Nghệ An. Mỗi năm huyện này cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 50.000 tấn muối.

Muối được vận chuyển đem về kho cất. Mỗi khi kho muối trữ được 5 tạ đến 1 tấn, các thương lái sẽ đi xe tải về tận kho để mua muối cho bà con.

Ngọc Tú

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/xem-nguoi-dan-don-nang-nong-de-lam-mot-ngay-an-ca-nam-20230506130850316.htm