Xem phim Ngã rẽ cuộc đời: Sức sống phim Việt ở đâu?

Ngã rẽ cuộc đời (Công ty cổ phần Lasta sản xuất, đạo diễn Xuân Phước - Quang Đại) - bộ phim thứ năm trong series phim phát sóng vào chương trình 'Giờ vàng - phim Việt' trên HTV7 (21h đến 22h, từ thứ năm đến chủ nhật hằng tuần của Đài truyền hình TP.HCM) - dường như 'im hơi' hơn so với những luồng phản ứng gay gắt của khán giả truyền hình qua những bộ phim trước đây. Nhưng thực chất, khán giả đang lặng tiếng để kiên nhẫn tìm kiếm chất lượng 'vàng' hay lặng tiếng vì... không còn ai nán lại để xem?

Nếu như những bộ phim trước đây (Ảo ảnh, Niềm đau chôn giấu, Mộng phù du...) được "nhập khẩu" từ Thái Lan thì kịch bản phim Ngã rẽ cuộc đời là sản phẩm Việt (kịch bản Nguyễn Thị Thu Huệ). Phim xây dựng nên nhiều ngã rẽ cuộc đời. Ngã rẽ của Như (diễn viên Minh Hằng) - cô con gái của một doanh nhân thành đạt bị phá sản, rẽ từ đời sống quý tộc sang cuộc sống gian nan của một đứa con mồ côi cha mẹ, phải gánh vác trên vai trách nhiệm bảo bọc gia đình. Ngã rẽ của Oanh (Như Phúc) - một cô gái ích kỷ, sau nhiều biến cố tình yêu và cuộc sống, trở thành một cô gái đằm thắm, có trách nhiệm, biết yêu thương và quan tâm đến mọi người. Ngã rẽ của một tình yêu, đã nhận ra đâu là sự rung động con tim đích thực qua nhân vật n (Thiên Bảo). Phim còn xoay quanh những mối quan hệ gia đình và những mối quan hệ cạnh tranh trên thương trường. Một kịch bản phim khá hay, có thể đủ sức hấp dẫn khán giả truyền hình. Tuy nhiên vẫn còn tùy thuộc những gì thể hiện trên phim qua bàn tay của đạo diễn và khả năng diễn xuất của diễn viên. Mà thực tế trong phim, hai nhân tố đó đã làm nản lòng người xem.

Phim có kịch tính, có cao trào nhưng những nhân vật trong phim được xây dựng không tạo cho khán giả thiện cảm, ngay cả tuyến nhân vật chính. Nhân vật Như - theo ý đồ phim là cô gái tự trọng, bản lĩnh, mạnh mẽ trước sóng gió nhưng kỳ thực đứng trước mắt khán giả, Như là một cô gái yếu đuối. Tuyên bố sẽ gầy dựng lại sự nghiệp của người cha quá cố bằng chính đôi bàn tay trắng của mình, nhưng cô phó mặc cuộc sống gia đình vào sự giúp đỡ của n. Khán giả chưa một lần được nhìn thấy giọt mồ hôi cô rơi xuống. Tuyến nhân vật phụ - Ngân (Thanh Vân) - cô ô-sin, nằm trong chủ ý của tác giả là nhân vật có khát vọng vươn lên trong cuộc sống, nhưng tính cách thể hiện thì không phải là cô người ở ngoan ngoãn mà là một cô gái biết cách lấy sự tin yêu của người khác có mục đích. Cả Như và Ngân - hai nhân vật đảm trách chuyển tải thông điệp đến người xem đều khó có thể thuyết phục được tình cảm của khán giả.

Diễn viên Minh Hằng và Thiên Bảo trong phim

Ngoại trừ những diễn viên "gạo cội" vào những vai đúng sở trường của mình như: Kim Khánh, Hoài An, NSƯT Thanh Nguyệt, Như Phúc... khá tròn vai thì những vai diễn còn lại đều diễn xuất chưa tới. Có thể thấy hai dụng ý tích cực của nhà sản xuất Lasta là tạo cơ hội cho những gương mặt mới thể hiện mình và muốn khán giả thấy được khả năng hóa thân đa dạng của các diễn viên chứ không dừng lại ở tính cách nào nhất định. Nhưng quả thật, sự chọn lựa diễn viên cho thấy rõ, giày chưa được đo đúng ni. Diễn viên Minh Hằng sáng trên màn ảnh, có lối diễn xuất tự nhiên, dễ thương nhưng cô chỉ phù hợp với những vai nhẹ nhàng. Với nhân vật có nhiều trăn trở và cần thiết thể hiện nội tâm như nhân vật Như thì Minh Hằng đã bộc lộ sự đuối sức. Những đau khổ, mâu thuẫn nội tâm, cô chỉ dừng lại ở cái nhăn mặt, hai hàng nước mắt chảy dài; người xem chưa đọc được tình cảm qua ánh mắt của cô. Diễn xuất của những gương mặt mới: Thiên Bảo, Thanh Vân, Thành Tâm... đều không thật. Khán giả có thể nhận ra họ đang cố gắng... diễn. Tất cả đều chưa bật được tính cách nhân vật, vì thế, các nhân vật trong phim trở nên rất tẻ nhạt.

Cho đến nay, qua bộ phim thứ năm, "Giờ vàng - phim Việt" vẫn chưa có bước chuyển biến gì đáng kể về chất lượng phim để khán giả có thể tin tưởng "giờ vàng" đang nỗ lực từng bước để không phụ lòng tin của những người ủng hộ phim Việt. Phim dự định dài 30 tập, nhưng khi bộ phim đã phát sóng qua 20 tập thì nhà sản xuất vẫn còn đang gấp rút quay nốt những tập phim còn lại. Đó là sự thể hiện của một phong cách làm việc chuyên nghiệp của những nhà làm phim nước ngoài. Nhưng liệu với công nghệ chưa đầy đủ và đội ngũ chưa chuyên nghiệp của phim ảnh nước ta thì làm việc với phong cách "mì ăn liền" như vậy có đủ sức cho ra đời những sản phẩm chất lượng cho khán giả truyền hình, có tạo được niềm tin trong công cuộc vực dậy sức sống phim Việt?

Minh Hoa

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/xem-phim-nga-re-cuoc-doi-suc-song-phim-viet-o-dau-310205.html