Xem văn công giữa rừng thời chiến

Đại úy, cựu chiến binh, bác sĩ Đinh Thế Quán, ngụ tại quận 10 (TP Hồ Chí Minh), 74 tuổi, nguyên Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 73 (Cục Nghiên cứu, nay là Tổng cục II), trong những năm chiến tranh cùng đồng đội được xem văn công giữa rừng Trường Sơn. Những buổi văn công đó để lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Nhớ lại một buổi xem văn công khi mới vào quân ngũ gần một tháng, ông Quán kể: "Tôi đã được xem nhiều phim, nghe chuyện về những buổi văn công phục vụ ngoài hỏa tuyến. Song, hôm đó tôi mới thực sự được “mắt thấy tai nghe” một chương trình văn công ý nghĩa ngay trên đường hành quân. Tại một khoảng đất trống rộng chừng hơn chục mét vuông giữa những tán cây rừng, một cái phông xanh được căng lên làm sân khấu. Khán giả là những cán bộ, chiến sĩ đứng ngồi túm tụm quanh từng gốc cây. Không có màn che sân khấu, về hình thức chẳng có gì là một buổi biểu diễn văn nghệ. Thêm vào đó, máy bay địch vẫn ầm ĩ trên đầu. Tiếng các loại bom đạn, bộc phá nổ đì đùng gần xa, tiếng máy bay phản lực gầm rít khiến những người yếu thần kinh toát mồ hôi. Nhưng chúng tôi vẫn thản nhiên chăm chú xem từng tiết mục...".

Cựu chiến binh Đinh Thế Quán xem lại những tấm hình thời quân ngũ.

Cũng theo ông Quán, khi loa phóng thanh mở, buổi biểu diễn bắt đầu. Phải nói, buổi biểu diễn chẳng kém gì một buổi biểu diễn chính quy thời bình. Cũng múa, cũng hát, có cả kịch ngắn, tấu hài. Những điệu múa chỉ quen biểu diễn ở những sân khấu hiện đại vẫn nhịp nhàng uyển chuyển trên sân khấu hẹp và gồ ghề. Cảm động nhất khi nhìn những bước nhảy quá đà ra ngoài “sân khấu” của các diễn viên, rồi những lúc diễn viên múa trượt chân suýt ngã do sân khấu mấp mô… Thật là một sự cố gắng hiếm có, nghệ thuật phục vụ quần chúng là vậy.

Ông Quán tâm sự: "Tôi còn nhớ cảnh trong vở kịch “Mùa xuân”, khi nhân vật chính nói: “Đợi tí nữa máy bay tạm yên, em sẽ nấu cháo cho anh ăn”, vừa lúc đó, một đàn “thần sấm”, “con ma” bay qua như có sự “hợp đồng” bối cảnh từ trước. Cái hay của buổi biểu diễn ở chỗ đó. Lúc ấy, tôi nhớ tới khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, quả không phải là khẩu hiệu suông mà nó phản ánh hiện thực cuộc chiến và nhu cầu thiết thực của đời sống tinh thần người chiến sĩ trên chiến trường. Cần phải hát, hát thật to để xua đi cái không khí ảm đạm ác liệt của chiến tranh, củng cố tinh thần, tâm lý của người chiến sĩ trước bom đạn quân thù. Trong đêm văn công ấy, tôi nhớ lại bài thơ tự làm mấy hôm trước: Khắc lên báng súng trọn bài thơ/ Câu thơ ai đó! Một ước mơ/ Đánh Mỹ giương lê ta xốc tới/ Giặc tan, ta lại rộn tiếng thơ.

Một lần khác, ở “cung đường lửa” Thừa Thiên-Huế, chàng y tá Binh trạm 7 được xem văn công phục vụ bộ đội. Chính cái đêm đó, sau khi trò chuyện với anh nhạc công, y tá Đinh Thế Quán càng thấm thía khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom” và thêm khâm phục ý chí cống hiến cho cách mạng của những người nghệ sĩ. Ông Quán nhớ lại: "Trước kia, tôi vẫn nghĩ ở chiến trường dù gian khổ, thiếu thốn đến đâu thì văn công cũng vẫn được ưu tiên, không bao giờ thiếu thốn. Thế nhưng, chính những nghệ sĩ này đã có hàng năm trời phải ăn đói, mặc rách mà vẫn luyện tập và múa hát để động viên tinh thần chiến sĩ. Có thời gian dài, những “bông hoa” ấy phải chia nhau xuống ở với bà con dân tộc thiểu số để có củ sắn, củ khoai lót dạ. Ngay cả cái đêm diễn phục vụ chúng tôi, có cô diễn viên đói lả phải vịn vào gốc cây, nhưng vẫn mỉm cười, chỉ đồng nghiệp hiểu, vội dìu ra sau sàn diễn. Thế mới biết, trong cuộc chiến đấu của chúng ta có những hiện tượng hoán vị rất thú vị: Người nghệ sĩ thi đua để trở thành chiến sĩ và ngược lại, người chiến sĩ lại phấn đấu nâng mình lên ngang tầm với những nghệ sĩ. Đó phải chăng là sự lạc quan, là sự thi vị hóa cuộc chiến tranh để tạo nên sức mạnh giành thắng lợi!".

Đêm văn công ấy, ông Quán rất ấn tượng với một điệu múa khiến ông và nhiều đồng đội rơi nước mắt. Tìm hỏi về nguồn gốc điệu múa rất gần gũi với đời sống bộ đội, ông được nghe người nhạc công kể lại: Tác giả điệu múa ấy là một biên đạo từng theo chân người chiến sĩ đặc công vào trinh sát đồn giặc để lấy cảm hứng cho tác phẩm. Trong lúc điều nghiên, đồng chí chiến sĩ đặc công bị thương nặng. Anh biên đạo đã bất chấp hiểm nguy, cắt suối, vượt rừng cõng thương binh về hậu cứ. Sau chuyến thực tế đầy mạo hiểm đó, anh đã sáng tác điệu múa cảm động nói về tình đồng chí và sự dũng cảm, kiên cường của bộ đội đặc công.

"Thời nào cũng vậy, "món ăn tinh thần" luôn vô cùng bổ ích với người chiến sĩ. Và những nghệ sĩ, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật luôn có vai trò quan trọng góp phần vào những chiến công của quân đội anh hùng. Thế nhưng, người nghệ sĩ phải có thực tế, có vốn sống và tư liệu hiện thực phong phú, sát với đời sống thường nhật của bộ đội, của công chúng thì tác phẩm nghệ thuật mới đi vào lòng người, mới có sức sống vượt thời gian", cựu chiến binh Đinh Thế Quán bộc bạch.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/xem-van-cong-giua-rung-thoi-chien-566672