Xem xét, chỉnh sửa điều luật liên quan đến quy hoạch đất vào mục đích quốc phòng, an ninh

Chiều 2-11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Nhấn mạnh phát triển lấy Luật Quy hoạch làm gốc, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) quan tâm đến điều 6 của dự án luật, trong đó có sửa đổi điều 41 (Quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng, an ninh). Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch đất quốc phòng, quy hoạch đất vào mục đích quốc phòng, an ninh có những đặc thù riêng, do vậy theo Điều 41 dự thảo luật, có những nội dung thực hiện được, có những nội dung khó thực hiện.

Đại biểu phân tích: Quy hoạch đất phục vụ cho quốc phòng có những lĩnh vực quân sự liên quan đến khu vực phòng thủ, có yếu tố bí mật; có những quy hoạch đất quốc phòng không chỉ nằm trong một tỉnh mà liên quan đến nhiều tỉnh và có liên quan đến một số đảo gần bờ. Đất quốc phòng có nhiều dạng: Quy hoạch phục vụ sinh hoạt, phúc lợi cho bộ đội; có những quy hoạch phục vụ cho thao trường, huấn luyện, diễn tập, bãi thử vũ khí, kho trạm, công trình quân sự trong khu vực phòng thủ quốc gia, phòng thủ quân khu, phòng thủ tỉnh thành...

Khoản 1 mục d Điều 41 quy định, lập kế hoạch đất quốc phòng, an ninh phải căn cứ vào định mức sử dụng đất. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh: Những quy hoạch phục vụ cho xây dựng doanh trại, khu sinh hoạt, phúc lợi cho bộ đội sẽ có định mức để làm kế hoạch; còn những công trình, thao trường huấn luyện, diễn tập, các cụm công trình trong khu vực phòng thủ khó xác định định mức và khó công khai.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) phát biểu thảo luận.

Đại biểu dẫn chứng, khu vực phục vụ cho sử dụng vũ khí thông thường khác với quy hoạch khu vực sử dụng vũ khí công nghệ cao. Những quy hoạch này sẽ có định mức, có những cấp để báo cáo nhưng không thể công khai rộng rãi...

Quy hoạch đất quốc phòng có những quy định phải được chuẩn bị căn cơ từ thời bình, không chỉ 5-10 năm, mà có thể 50 năm hoặc hàng trăm năm, có thể nằm trên một tỉnh hoặc có thể liên quan đến nhiều tỉnh, ví dụ như khu vực phòng thủ quân khu. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, chỉnh sửa điều 41 của Luật Đất đai để thuận lợi cho việc triển khai và thực hiện sau này.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) thì quan tâm đến Điều 38 của Luật Quy hoạch, theo đó, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai, trừ nội dung liên quan đến bí mật của nhà nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân và các nhà đầu tư, vì nhiều lý do khác nhau thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các quy hoạch, nhiều quy hoạch dù đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, vẫn chưa được công bố, công khai hoặc không được công bố, công khai. Đại biểu đề nghị dự án luật cần quy định chi tiết hơn về các hình thức quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch cấp dưới, như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn...

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng nêu thực trạng hiện nay có nhiều dự án dù được đưa vào quy hoạch nhưng chủ đầu tư không đáp ứng năng lực chuyên môn cũng như khả năng hỗ trợ tài chính dẫn đến dự án bị chậm tiến độ. “Nếu chỉ căn cứ vào quy định hiện hành của Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng có thể mất thời gian nhiều năm để rút các dự án trên khỏi quy hoạch”, đại biểu phân tích và đề nghị dự án luật nên có cơ chế rút gọn nhưng không được tùy tiện, nhằm bảo đảm quy hoạch kịp thời nếu nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu.

Theo chương trình làm việc, ngày 9-11 tới, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch, trước khi biểu quyết thông qua vào phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp, ngày 21-11-2018.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/xem-xet-ch%E1%BB%89nh-sua-dieu-luat-lien-quan-den-quy-hoach-dat-vao-muc-dich-quoc-phong-an-ninh-553487