Xem xét hỗ trợ khẩn cấp các hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi

Chiều 7-6, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và tất cả các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh về phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách T.Ư trong xử lý dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Lực lượng chức năng thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chôn lấp tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Lực lượng chức năng thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chôn lấp tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cũng như từ báo cáo của các địa phương, DTLCP diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ tiếp tục phát sinh và lây lan tại các địa phương là rất cao. Trước thực tiễn của các địa phương và để triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành mới đây, Bộ NN và PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ thay thế cho các nội dung tại Nghị quyết số 16/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống DTLCP.

Cụ thể, Bộ đề nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25 nghìn đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành), 30 nghìn đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành). Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương... Bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho xã hội. Hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống mức 500 nghìn đồng/con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật...

Các địa phương đều bày tỏ tán thành các đề xuất của Bộ NN và PTNT nêu trên và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gấp rút quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho các địa phương để triển khai tới các hộ dân, cơ sở chăn nuôi lợn.

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với đề xuất của Bộ NN và PTNT. Theo đó, thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ theo tỷ lệ % giá thành; bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tố tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có). Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN và PTNT kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu hủy phòng, chống dịch với mức sàn là 200 nghìn đồng/người/ngày thường và mức sàn 400 nghìn đồng/người/ngày nghỉ lễ và thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị dự thảo Nghị quyết giao các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ để xử lý công việc, trong đó đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ người dân có lợn bị dịch. Các bộ, địa phương cần tiếp tục quán triệt tinh thần dập dịch như chống giặc của Thủ tướng Chính phủ.

* Sáng 7-6, tại thành phố Mỹ Tho, Bộ NN và PTNT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP tại địa phương này. Bộ đề nghị tỉnh nghiên cứu phương án tiêu hủy lợn phù hợp và hiệu quả nhất. Bởi, đặc thù của vùng sông nước, khi đào hố chôn lấp quá sâu, sẽ bị ngập nước, nhưng nếu hố chôn nông quá, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.

* Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ NN và PTNT đến kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trước nguy cơ lây lan DTLCP, tỉnh đã lập tám chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn và đã kiểm soát 266 xe nhập tỉnh, 5.636 xe xuất tỉnh. Mặt khác, tổ chức cho 24 bến đò ngang cam kết không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm lợn từ các tỉnh giáp ranh.

* Ngày 7-6, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống DTLCP. Hiện Lâm Đồng chưa phát hiện dịch nhưng nguy cơ xâm nhiễm rất cao. Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh tại ba trạm kiểm dịch cố định, các địa phương giáp ranh với các tỉnh có dịch đã thành lập chín chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

* Tỉnh Ninh Thuận vừa có công điện hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, chống DTLCP. Dù dịch chưa xuất hiện trên địa bàn nhưng tỉnh đã khẩn trương chuyển từ phương án 1 là phòng dịch sang phương án 2 là tập trung chống dịch. Bắt đầu từ ngày 10-6 tới, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường sẽ được gấp rút triển khai và kéo dài trong vòng một tháng tại những khu vực trọng điểm.

* Tại tỉnh Hà Giang, trong các ngày từ 5 đến 7-6, Đoàn công tác Chi cục Thú y vùng II - Cục Thú y, Bộ NN và PTNT đã kiểm tra công tác phòng, chống, dập DTLCP. Qua kiểm tra, Chi cục đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về dịch. Khi phát hiện lợn có bệnh cần phải tiêu hủy, tiêu trùng, khử độc khu vực lân cận. Tính đến ngày 7-6, DTLCP đã xuất hiện tại 31 xã, phường, thị trấn thuộc 8 trong số 11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 953 con.

* Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ phát động Tháng hành động tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại 109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo kế hoạch, tổng số hóa chất cung cấp cho đợt tiêu độc sát trùng này là 2.500 lít. Riêng đối với vùng DTLCP và vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km chung quanh ổ dịch phải thực hiện công tác tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng một lần/ngày.

* Ngày 7-6, các huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận công bố xuất hiện DTLCP trên địa bàn. Như vậy, đến nay Bình Thuận là tỉnh thứ 54 trong cả nước có DTLCP. Đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại các ổ dịch. Tỉnh Bình Thuận có tổng đàn lợn khoảng 272.500 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh.

* Ngày 7-6, tại thôn Làng Hăng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), mưa dông xuất hiện cùng sấm sét mạnh khiến chín con trâu của gia đình ông Hoàng Văn Cu bị sét đánh chết, ước thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập báo cáo gửi huyện Chi Lăng để hỗ trợ thiệt hại.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40468302-xem-xet-ho-tro-khan-cap-cac-ho-dan-bi-thiet-hai-do-dich-ta-lon-chau-phi.html