XEM XÉT KỸ LƯỠNG DỊCH VỤ KHÔNG PHẢI LÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÓ BẤT CẬP THÌ MỚI ĐIỀU CHỈNH

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, các tổ chức, các nhân sử dụng dịch vụ OTT được hưởng lợi rất lớn, nhất là trong chỉ đạo, điều hành công việc, sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật phải xem xét kỹ lưỡng các dịch vụ có bất cập gì không thì mới điều chỉnh.

GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

VIỆC SỬ DỤNG QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH CÒN CHƯA HỢP LÝ, HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Chiều 10/4, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; ông Nguyễn Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng đại diện một số hiệp hội, đơn vị viễn thông và một số chuyên gia, nhà khoa học.

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông, ông Nguyễn Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Trong quá trình đề nghị xây dựng, soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành rà soát, tổng kết, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo để rà soát, đánh giá toàn diện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực thi, những mâu thuẫn chồng chéo của Luật Viễn thông 2009 với các luật khác nhằm sửa đổi toàn diện và đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.

Ông Nguyễn Hồng Thắng khẳng định: Xu hướng phát triển rất nhanh của viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số với sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện quy định quản lý để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, phổ cập và tiết kiệm năng lượng, hình thành hạ tầng số. Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã hoàn thiện để điều chỉnh các mô hình, dịch vụ mới như:

Thứ nhất: Xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số.

Thứ hai: Điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế.

Ông Nguyễn Hồng Thắng-Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Thứ ba: Điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững.

Thứ tư: Bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh.

Thứ năm: Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo Luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh mới theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung đã có của Luật.

Xem xét phạm vi điều chỉnh các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Tính khả thi của các quy định về chính sách kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây và một số nội dung khác của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Ông Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nêu quan điểm: Vấn đề mà nhiều người quan tâm là dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như OTT, Cloud, Data Center, Internet vệ tinh, cũng như một số quy định như đặt văn phòng đại diện, thỏa thuận thương mại, tỷ lệ vốn đầu tư… đối với những lĩnh vực mới được đưa ra trong dự thảo Luật. Việc quản lý các dịch vụ OTT, điện toán đám mây hay trung tâm dữ liệu như các dịch vụ viễn thông có phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển chung của thế giới, đã có quốc gia nào trong khu vực quản lý các dịch vụ OTT, điện toán đám mây và cơ sở dữ liệu như các dịch vụ viễn thông hay chưa?

Ông Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Theo ông Lê Công Lương, trước hết phải thống nhất khái niệm các dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu… có phải là dịch vụ viễn thông không? Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là dịch vụ viễn thông, không nên điều chỉnh vì các dịch vụ này phụ thuộc hoàn toàn vào kết nối Internet - là dịch vụ viễn thông được cung cấp bởi các doanh nghiệp viễn thông. Vì vậy, không cần đặt ra các vấn đề văn phòng đại diện, thỏa thuận thương mại, tỷ lệ vốn đầu tư để giảm bớt gánh nặng thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp; tạo nên những rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu được coi hai lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế số.

Đối với các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, cụ thể là các dịch vụ như tin nhắn, hội thoại hay hội họp trên các nền tảng Internet – dịch vụ OTT thì không nên hạn chế, tạo rào cản đối với các nhà cung cấp dịch vụ, bởi vì bên cạnh lợi ích của nhà cung cấp thì các tổ chức, các nhân sử dụng dịch vụ cũng được hưởng lợi rất lớn, nhất là trong chỉ đạo, điều hành công việc, sản xuất kinh doanh. Đối với dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu thì nên được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng.

Đồng thuận với quan điểm trên, TS.Bùi Thị Thanh Thúy-Học viện Hành chính Quốc gia nêu quan điểm: Thực tế hiện nay, người dân đang được hưởng lợi từ một số dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như gọi thoại không phải mất phí. Chính vì thế, đối với phạm vi điều chỉnh Luật Viễn thông, cơ quan soạn thảo phải xem xét dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông có bất cập gì không thì mới nên điều chỉnh. Nếu điều chỉnh mà không hợp lý thì có thể cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, trong dự thảo Luật cần chú trọng hơn đến đảm bảo quyền lợi của người dân khi xem xét điều chỉnh các điều khoản.

Bà Hoàng Linh Cầm - Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp).

Cho ý kiến về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, bà Hoàng Linh Cầm- Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp) đề nghị nghiên cứu kỹ, cân nhắc việc quy định về Quỹ tại dự án Luật Viễn thông trên cơ sở thực tiễn triển khai hoạt động của Quỹ thời gian qua còn tồn tại những vướng mắc, bất cập đến nay chưa được giải quyết.

Trong quá trình nghiên cứu dự án Luật Viễn thông, trường hợp giữ quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, cần nghiên cứu, đánh giá để xác định cụ thể những vấn đề cần quy định tại Luật, những vấn đề có thể giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quy định một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền cần được làm rõ. Ví dụ như thẩm quyền dừng thu quỹ khi số thu vào quỹ đã phù hợp với mức kinh phí được phê duyệt. Đối với Chương trình đến năm 2020, nội dung này được quy định tại Thông tư số 83/2019/TT-BTC ngày 21/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu nộp, hạch toán các khoản đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và việc chuyển giao tài sản hình thành từ nguồn kinh phí của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, giao Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt thời điểm dừng thu.

Đối với Chương trình đến năm 2025, thẩm quyền dừng thu tiếp tục được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 (văn bản hành chính) và được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BTC ngày 10/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và hạch toán các khoản đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, cơ sở pháp lý về thẩm quyền dừng thu Quỹ theo từng giai đoạn nêu trên còn chưa rõ ràng, chặt chẽ về cơ sở pháp lý).

Ngoài ra, theo bà Hoàng Linh Cầm, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích được xây dựng chủ yếu từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp viễn thông, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Quỹ. Do đó, cần có quy định từ Luật về cơ chế để bảo đảm kinh phí của Quỹ chỉ để thực hiện những hoạt động, nhiệm vụ, chương trình theo đúng mục tiêu hình thành của Quỹ.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Viễn thông phải đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trong hệ thống pháp luật.

Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu, thay mặt cơ quan soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), ông Nguyễn Hồng Thắng-Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, dịch vụ OTT, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu cũng như Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, chuyên gia, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để bổ sung, chỉnh sửa sao cho phù hợp với thực tiễn trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đối với dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, doanh nghiệp, hiệp hội đối với phạm vi điều chỉnh, tính đồng bộ giữa Luật Viễn thông (sửa đổi) này với Luật Đấu thầu (sửa đổi); sự phù hợp của việc sửa đổi Luật Viễn thông với luật pháp quốc tế; tính khả thi khi đối với các loại dịch vụ mới; Rà soát tính hiệu quả của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Tất cả những nội dung này cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, trước tiên là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4 này./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74771