Xem xét lại yêu cầu miễn học phí bậc THCS tại TP.HCM: Phụ huynh nói gì?

Mặc dù Chính phủ đã đồng ý với chủ trương miễn học phí bậc THCS theo Nghị quyết số 104/NQ-CP, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu TPHCM xem xét lại chủ trương này.

Ảnh minh họa

Trong quá trình phổ cập THCS, TPHCM dự kiến có thể thực hiện miễn học phí cho bậc học này bắt đầu từ năm học 2019. Tuy nhiên, Bộ Tài chính phản bác yêu cầu này với lý do sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn thành phố và các địa phương liên quan.

Về việc này, nhiều phụ huynh tại TP.HCM cho biết, họ không cảm thấy có gì quá bất bình hay biến động khi miễn hay không miễn học phí.

Theo chị Huỳnh Mai Ngọc (quận 5, TPHCM), mức học phí hiện nay của bậc THCS không cao, và thật sự đó không phải là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Họ lo đến những khoản bên ngoài học phí nhiều hơn rất nhiều và đó mới thật sự là gánh nặng chứ không phải 85.000 đồng hay 100.000 đồng mỗi tháng.

Chị Ngọc cho biết, học phí và chi phí học tập mỗi tháng của con khác nhau rất nhiều, trong đó học phí chỉ nhỏ như một giọt nước. Mỗi tháng chị phải đóng cho con gần 2 triệu đồng bao gồm rất nhiều khoản, từ tiền bán trú, vệ sinh bán trú, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh giáo viên nước ngoài, STEM… Những khoản đó hơn gấp nhiều lần so với 100.000 đồng học phí.

Một giáo viên THCS tại quận 1 cho biết, ở các trường tư, học phí được công bố công khai cho phụ huynh biết từ rất sớm. Chi phí học tập của học sinh trường tư được thu 1 lần (học phí, bán trú, sách vở, ngoại khóa, đồng phục,...) cho cả năm học.

Nhưng ở trường công lập, học phí và chi phí học tập của học sinh tại trường là hai con số hoàn toàn khác nhau. Ngoài học phí, học sinh, phụ huynh còn được đề nghị tự nguyện đóng nhiều khoản phí khác như quỹ phụ huynh, phí bảng tương tác, tài liệu lưu hành nội bộ của các môn học, đầu tư cơ sở vật chất... Điều đáng nói, các khoản phí này không được thông báo trước mà thường khi học sinh đã vào năm học mới, phụ huynh mới nhận được thông báo đóng góp.

Theo nhiều giáo viên và phụ huynh tại TPHCM, chủ trương miễn học phí THCS rất nhân văn nhưng nên áp dụng ở các địa phương khó khăn sẽ phù hợp hơn. Còn tại TPHCM, nên xem xét lại đến các khoản thu “bên ngoài” học phí thì sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các vị phụ huynh.

Trước đó, trong buổi làm việc đầu năm học với Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết UBND và Sở GD&ĐT TP.HCM đang bàn bạc vấn đề miễn học phí đối với bậc THCS và sẽ "hướng tới miễn học phí bậc THCS nếu cân đối được thu chi".

Liên Sở Tài chính - Giáo dục sau đó đã tham mưu cho UBND TP.HCM chính sách trên. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng ý với đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS ở các trường công lập.

Sau đó, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập. Nếu được chấp thuận, thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, trình Hội đồng Nhân dân thông qua tại cuộc họp gần nhất.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có phản hồi về kiến nghị của UBND TP.HCM về việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP.HCM.

Bộ này cho biết việc miễn học phí cho học sinh THCS tại các trường công lập ở TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc quy định học sinh không đóng học phí được quy định trong Luật Giáo dục, cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Do TP.HCM là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao trong cả nước, mức đóng học phí 85.000-100.000 đồng mỗi tháng không phải quá lớn. Việc miễn giảm học phí THCS sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn thành phố và các địa phương liên quan.

Bạch Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/xem-xet-lai-yeu-cau-mien-hoc-phi-bac-thcs-tai-tphcm-phu-huynh-noi-gi-post280535.info