Xem xét nới điều kiện xóa nợ thuế: Giảm nợ 'ảo' cho ngân sách nhà nước

Một loạt quy định về xóa nợ thuế của cá nhân, với khoản nợ quá 10 năm hay nợ không còn đối tượng để thu, vừa được Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa nhằm giảm số nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Thay đổi trong quy định về xóa nợ thuế sẽ giảm số nợ cho NSNN. Ảnh: T.L.

Nợ không có khả năng thu hồi tăng mạnh

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan Thuế, tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/9/2017 là 73.930 tỷ đồng. Cũng đến thời điểm này, toàn ngành đã đôn đốc thu nợ được hơn 35,9 nghìn tỷ đồng. Số thu này đạt tỷ lệ 73,7% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016. Bên cạnh đó, số tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là hơn 28 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 38,2% tổng số tiền thuế nợ.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, số tiền thuế nợ có khả năng thu tính đến 30/9/2017 đã giảm mạnh so với năm 2015 (giảm 28,6%) và năm 2016 (giảm 10,3%), tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu so với tổng dự toán thu nội địa chỉ ở mức 4,9% (tính cả tiền chậm nộp), so với tổng thu ngân sách nhà nước thì bằng 3,8%. Đáng chú ý, có đến 62,6% số nợ thuế hiện nay là số nợ không có khả năng thu hồi và tiền phạt, tiền chậm nộp. Nguyên nhân do trong những năm vừa qua, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản, tự ngừng kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh, không có khả năng thanh toán nợ thuế. Có nhiều trường hợp cơ quan Thuế đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế hợp đồng nhưng không nộp được dẫn đến cơ quan Thuế gặp khó khăn trong việc xử lý nợ và thu hồi nợ thuế. Trong khi đó, các doanh nghiệp nợ thuế chỉ quan tâm đến việc nộp nợ gốc nhưng chưa nộp hoặc nộp rất ít nợ tiền chậm nộp, đồng thời do tất cả các khoản nợ (kể cả khó thu) đều phải tính tiền chậm nộp ở mức 0,03%/ngày, làm cho tổng số nợ thuế không có khả năng thu tăng lên.

Phát biểu nhiều lần với ngành Thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn luôn yêu cầu ngành Thuế coi công tác quản lý nợ là nhiệm vụ quan trọng để triển khai, bên cạnh việc nỗ lực thu đòi các khoản có thể thu, quyết tâm không để phát sinh gia tăng nợ mới, làm sao cho tổng nợ dưới 5% thực thu vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn vẫn trăn trở “gánh nặng” nợ khó thu của ngành Thuế vẫn chưa được giải quyết vì chưa có cơ sở pháp lý. Tuy thực tế “DN đã chết”, nhiều trường hợp cơ quan Thuế đã chuyển sang cơ quan chức năng khác để khởi tố nhưng số nợ thì vẫn còn đó, thậm chí số tiền lãi do nợ, lãi phạt chậm nộp vẫn phải tính cộng thêm hàng ngày do vậy số nợ không có khả năng thu hồi ngày càng “phình to” gây áp lực không nhỏ tới ngành Thuế.

Thêm đối tượng được xóa nợ

Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa các quy định vốn có trong luật hiện hành liên quan đến việc xóa nợ thuế nhằm phù hợp với thực tế và quy định mới của pháp luật có liên quan. Vì vậy, cơ quan này đề xuất bổ sung thêm một số nhóm đối tượng vào danh sách được xóa nợ thuế và mục tiêu hướng đến là giảm số nợ trong tổng nợ của ngành Thuế.

Đầu tiên là xóa nợ đối với khoản nợ không còn đối tượng để thu. Theo Bộ Tài chính, đây là khoản nợ chưa có quy định trong Luật Quản lý thuế. Trong khi đó, ở giai đoạn từ 1/7/2007 đến hết năm 2012, nền kinh tế liên tục gặp nhiều khó khăn thách thức khiến nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ và không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh, ngừng kinh doanh, giải thể. Từ đó, số nợ đã phát sinh từ trước thời điểm ngừng kinh doanh liên tục tăng thêm (gồm cả tiền thuế phạt chậm nộp) trong khi người nộp thuế không có nguồn, khả năng trả nợ do đã ngừng kinh doanh, giải thể. Khoản nợ này, dù không có khả năng thu hồi nhưng cơ quan thuế vẫn phải phân bổ nguồn lực thực hiện và tổng số nợ thuế luôn cao. Do đó, Tổng cục Thuế đề nghị số nợ thuế đã quá 5 năm, không có khả năng thu hồi thì cần được xóa nợ để giảm số nợ ảo mà thực tế không thể thu hồi được.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong số nợ thuế còn có một phần không nhỏ là tiền phạt chậm nộp của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Sở dĩ như vậy là khi bàn giao tài chính giữa doanh nghiệp nhà nước cho công ty cổ phần thì chỉ bàn giao tiền thuế nợ mà không bàn giao tiền chậm nộp phát sinh tương ứng. Sau cổ phần hóa, công ty cổ phần chỉ nộp tiền thuế mà không nộp tiền chậm nộp. Do vậy, để góp phần giảm nợ cho ngân sách nhà nước, giảm nguồn lực, chi phí theo dõi nợ thuế, phía Bộ đề xuất: “Không tính chậm nộp trên số tiền thuế phát sinh của doanh nghiệp nhà nước đã bàn giao cho công ty cổ phần khi thực hiện”.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ đối với các khoản nợ quá 10 năm. Theo quy định hiện hành, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm, nhưng không có khả năng thu hồi cũng sẽ được xóa nợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế. Có những khoản nợ thuế trên 10 năm nhưng không thể xóa được do không đáp ứng được điều kiện đã “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”.

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân do doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan Thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế; không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; hoặc nhiều trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ hoặc tự ý ngừng kinh doanh… Quy trình về các bước cưỡng chế hiện tại kéo dài và khó thực hiện.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất sẽ được xóa nợ thuế khi đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng và khoản nợ đã quá 5 năm, thay vì 10 năm như hiện hành. Để ràng buộc thì trong hai năm tiếp theo kể từ ngày thực hiện xóa nợ, người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không được thành lập doanh nghiệp mới, trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo quyết định xóa nợ vào ngân sách nhà nước.

Còn với cá nhân, theo quy định tại điều 65, Luật Quản lý thuế hiện nay, người đã chết, mất tích… sẽ được xóa nợ nếu không còn tài sản nộp thuế. Tuy nhiên, theo cơ quan Thuế, không có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết còn tài sản hay không. Trong trường hợp còn tài sản thì tài sản này thuộc quyền sử dụng của gia đình và cơ quan thuế không thể thực hiện kê biên, bán đấu giá để thu hồi tiền nợ thuế. Do vậy, Tổng cục Thuế đề nghị, đã xóa nợ cho cá nhân đã chết, mất tích thì cứ xóa, không cần kèm điều kiện về không còn tài sản. Điều này để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

Bộ Tài chính kì vọng rằng, với những thay đổi trong quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp với quy định về cưỡng chế nợ thuế, giảm số nợ cho ngân sách nhà nước và chi phí theo dõi nợ thuế của cơ quan chức năng.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xem-xet-noi-dieu-kien-xoa-no-thue-giam-no-ao-cho-ngan-sach-nha-nuoc.aspx