Xem xét trả lại lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương và Tài chính xem xét đề xuất đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên quan đến đề nghị hoàn trả lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp.

Theo đó, văn bản được gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi Văn phòng Chính phủ nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên quan đến các chi phí kinh doanh định mức, hoàn trả lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để xem xét các kiến nghị, có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.

Đồng thời nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo khoa học, hài hòa, hợp lý, đúng quy định của pháp luật.

Theo đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thường xuyên bị thua lỗ do không có chiết khấu, thậm chí có thời điểm chiết khấu âm lên tới hơn 1.300 đồng/lít.

Do vậy, khi sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, cần xem chiết khấu như "phí xăng dầu" mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ; là công cụ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.

Phần chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu được đề xuất trong công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng.

Phần chiết khấu còn lại là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ. Đồng thời cần quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ.

Ngoài ra, việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, đảm bảo được cho doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng.

Sự thay đổi này trước mắt sẽ đảm bảo đủ các chi phí phát sinh được đưa vào trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường. Giải quyết căn cơ vấn đề doanh nghiệp đầu mối quan tâm là giá nhập về cao hơn giá bán lẻ, hệ lụy kéo theo việc doanh nghiệp đầu mối cắt chiết khấu cho khâu bán lẻ

Bên cạnh đó, đơn gửi lãnh đạo Chính phủ mong muốn được hoàn trả phần lợi nhuận, chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Các doanh nghiệp cho hay, theo Thông tư 104 của Bộ Tài chính xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, đã quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước, gồm cả khâu bán buôn, bán lẻ.

Hiện quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít.

Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỉ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu. Vì vậy doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để, hưởng gần như hầu hết phần chi phí này. Họ phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng “ban phát”.

Theo đó dẫn tới doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ để duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này, theo cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ là sự không công bằng đối với các loại hình, tầng nấc kinh doanh xăng dầu.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/xem-xet-tra-lai-loi-nhuan-cho-doanh-nghiep-ban-le-xang-dau-20180504224283234.htm