Xếp hạng đại học: Dữ liệu 3 công khai có đáng tin?

Khác với các bảng xếp hạng thế giới, bảng xếp hạng các trường đại học do nhóm chuyên gia Việt Nam xây dựng đã sử dụng thêm nguồn dữ liệu từ báo cáo 3 công khai, đề án tuyển sinh để đánh giá. Chính điều này tạo nên sự khác biệt nhưng cũng tạo ra những băn khoăn.

TS. Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường ĐH Văn Lang đã có những chia sẻ về câu chuyện xếp hạng hiện nay.

VNUR (Viet Nam’s University Rankings) của nhóm chuyên gia Việt Nam vừa đưa ra bảng xếp hạng top 100 trường đại học (ĐH) Việt Nam năm 2023. Theo ông, VNUR có khác biệt gì so với các bảng xếp hạng trên thế giới?

VNUR dựa vào 6 tiêu chí để xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam với phân bố tỷ trọng cụ thể gồm (1) Chất lượng được công nhận (30%), (2) Dạy học (25%), (3) Công bố bài báo khoa học (20%), (4) Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%), (5) Chất lượng người học (10%), (6) Cơ sở vật chất (5%).

TS Lê Văn Út

Và 6 tiêu chí này thuộc 2 nhóm chức năng chính của một ĐH là nghiên cứu và giáo dục. Đặc biệt, VNUR đã sử dụng những dữ liệu mà chỉ giới chuyên gia ở Việt Nam mới có thể biết đến và khai thác như dữ liệu 3 công khai, các đề án tuyển sinh, dữ liệu nghiên cứu ứng dụng theo các cơ sở dữ liệu Việt Nam, ...

Điểm thú vị là VNUR có những tiêu chí/cách đánh giá mà bảng xếp hạng các trường đại học uy tín trên thế giới như SCImago, ARWU, THE, US News hay QS không có như: tích hợp kết quả xếp hạng các trường ĐH của các bảng xếp hạng uy tín khác trên thế giới; sử dụng kết quả kiểm định các trường ĐH kiểm định chương trình… từ quốc gia cho đến khu vực, quốc tế; sử dụng thành tựu từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước, sáng chế trong nước; sử dụng điểm tuyển sinh đầu vào, diện tích sàn xây dựng, tài liệu học thuật trong thư viện. Đây là cách tạo nên khẩu vị riêng cho bảng xếp hạng của VNUR.

Bên cạnh đó, tính khách quan của VNUR còn thể hiện ở chỗ độc lập trong việc xây dựng dữ liệu và độc lập xếp hạng, không mời các trường ĐH nộp dữ liệu hay cũng không phụ thuộc vào việc khảo sát/vote như QS.

Khi đã xếp hạng thì có trường ĐH này được xếp hạng cao hơn trường ĐH kia và ngược lại, dù thống kê về mặt số liệu có thể cũng không lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, việc xếp hạng cho các trường ĐH lúc nào cũng cần thiết, vì đây là một kênh tham khảo rất bổ ích cho chính các trường, sau đó là phụ huynh, học sinh và cả xã hội. Thực tế cho thấy rất khó để có thể có một bảng xếp hạng trường ĐH toàn diện, có nghĩa là có thể vừa lòng tất cả cộng đồng.

Với việc sử dụng dữ liệu từ 3 công khai được các trường công bố, theo ông, kết quả đánh giá của VNUR có đáng tin cậy? Bởi hiện nay, dường như dư luận cũng như các chuyên gia giáo dục không tin tưởng vào cơ sở dữ liệu 3 công khai của các trường.

Dữ liệu 3 công khai là dữ liệu được các trường đưa lên các website của mình có tên miền chính thống là edu.vn. Do đó được xem là dữ liệu chính thống và tin cậy.

Việc dư luận cũng như các chuyên gia giáo dục không tin tưởng vào cơ sở dữ liệu 3 công khai của các ĐH là một vấn đề rất đáng quan tâm. Dữ liệu công khai có thể khác với dữ liệu thực chất, có thể xuất phát từ lỗi vô tình hoặc cũng có thể là cố ý. Nếu điều này xảy ra thì chính các ĐH và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học sẽ phải xem xét và điều chỉnh.

Nếu có hiện tượng dữ liệu 3 công khai không chính xác nhưng cộng đồng học thuật và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ĐH đến nay vẫn không có ý kiến hay giải pháp chấn chỉnh thì VNUR có công rất lớn trong việc thúc đẩy việc chuẩn hóa dữ liệu 3 công khai của các ĐH.

Ngoài ra, 223 cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước cũng sẽ phải rất quan tâm về vấn đề này và có thể sẽ có những phản biện để bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong quá trình xếp hạng.

Theo ông, VNUR cần phải điều chỉnh như thế nào để có thể vươn tới một bảng xếp hạng đáng tin cậy?

Thời gian tới VNUR cũng có thể xem xét và nâng cấp thêm các tiêu chí đánh giá và cách thực hiện để có thể nâng cao tính khoa học và độ tin cậy của việc xếp hạng. Thứ nhất, cần xem xét thêm về sự chồng chéo giữa các tiêu chí trong tiêu chuẩn 1, trong khi tiêu chuẩn này chiếm đến 30%.

Thứ hai, cần xem xét thêm giải pháp đánh giá chất lượng của các công bố WoS, thay vì chỉ cào bằng thông qua các chỉ số đo lường.

Thứ ba, việc sử dụng tiêu chí về đề tài nghiên cứu các cấp thì cũng cần xem xét sâu hơn về vai trò của đại học khi tham gia vào đề tài đó và trọng lượng về kinh phí được cấp cũng cần được xem xét.

Thứ tư, có thể không nên chỉ dừng lại ở số lượng bằng sáng chế mà nên xem xét thêm việc chuyển giao các bằng sáng chế đó.

Cảm ơn ông!

Trước khi có bảng xếp hạng VNUR, Việt Nam từng có một bảng xếp hạng do một nhóm chuyên gia độc lập tổ chức năm 2017. Tuy nhiên, ngày đó dư luận có phản ứng khá gay gắt vì thứ hạng của các trường mà nhóm chuyên gia đưa ra không hợp lý. Với VNUR, dường như câu chuyện xếp hạng ĐH đã không còn nóng như cách đây mấy năm và số lượng trường được mang ra "cân đong đo đếm" đã đủ lớn. Chính vì vậy, phản ứng của các chuyên gia đo lường chất lượng giáo dục toàn diện hơn.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xep-hang-dai-hoc-du-lieu-3-cong-khai-co-dang-tin-post1512073.tpo