Xếp hạng đại học: Không phải cuộc chơi của nhà giàu

Trên thế giới, xếp hạng Đại học không còn mới mẻ nhưng ở Việt Nam lại gần như còn trắng về xếp hạng.

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng ĐH quốc gia Hà Nội tổ chức, vấn đề xếp hạng đại học (ĐH) nên đi theo hướng nào, cách thức ra sao đã được đưa ra bàn thảo.

Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có 16 tổ chức xếp hạng các trường ĐH. Trong đó có 4 tổ chức được coi là có uy tín và được đánh giá cao là bảng xếp hạng của THE (Times Hight Education), QS (Quacquarelli Symonds), ARWU (ĐH Giao thông Thượng Hải), Webometrics (Webometrics Ranking of World Universities).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định không có bảng xếp hạng nào hoàn hảo. Tùy theo ưu tiên và mong muốn của chúng ta như thế nào để lựa chọn bảng xếp hạng phù hợp. “Ví dụ bảng xếp hạng ARWU thiên về các bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí hàng đầu thế giới. Còn QS lại không đặt quá nặng về các bài báo.

Nhưng họ lại chú trọng tiêu chí gắn kết với nhà tuyển dụng, nhận định của các chuyên gia, của cộng đồng xã hội” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu thông tin. Vì vậy, Việt Nam sẽ cân nhắc trong việc nên sử dụng bảng xếp hạng nào. Mỗi tổ chức xếp hạng có một trọng số riêng. Hai tổ chức xếp hạng được sử dụng nhiều hiện nay là THE và QS.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN, cho rằng tiêu chí của ARWU, THE chưa phù hợp lắm với số đông các trường đại học của châu Á và các khu vực đang phát triển.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng thừa nhận điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam là nghiên cứu khoa học, công bố bài báo quốc tế. Để cải thiện xếp hạng Việt Nam phải đầu tư hơn, tăng cường công bố quốc tế. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận trong những năm qua, phần đào tạo của các trường ĐH đã được cải thiện, từ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy.

Không phải cuộc chơi của nhà giàu

Ông Lê Văn Út, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ủng hộ chủ trương xếp hạng ĐH để xác định vị thế của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, ông đề xuất nên tách bạch việc xếp hạng với thương mại để đảm bảo học thuật phát huy tốt. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị, nên xác định rõ sự thuận lợi và khó khăn của các trường ĐH để đưa ra tiêu chí xếp hạng. GS Minh cũng cho rằng cần phải trả lời được câu hỏi: “Liệu xếp hạng có phải là cuộc chơi của các nhà giàu?”, thì mới giải tỏa được nỗi lo lắng cho nhiều trường.

Trước ý kiến của các trường về vấn đề xếp hạng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan trọng nhất của ĐH là chất lượng và đảm bảo quyền lợi chính đáng người học cùng bên liên quan, chứ không phải mục tiêu là xếp hạng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có thước đo để thực hiện chất lượng đó.

“Trong lộ trình tự chủ ĐH, với quan điểm đưa học phí về tiệm cận với giá dịch vụ, Bộ cho phép một số chương trình đào tạo ĐH chất lượng cao thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo. Nhưng chất lượng của các chương trình đào tạo mang tên chất lượng cao này như thế nào thì chưa được công khai, trách nhiệm giải trình còn rất yếu. Từ đó dẫn đến những mảng tối thiếu minh bạch về chất lượng” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Chính vì vậy có tình trạng trường không ra trường. Nhiều cơ sở giáo dục tên là trường ĐH mà bây giờ thành trung cấp bậc ĐH. Dẫn đến chất lượng vàng thau lẫn lộn. Một trong những giải pháp hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH là phải xếp hạng ĐH một cách minh bạch tiếp cận theo chuẩn quốc tế. Trên thế giới, xếp hạng ĐH không còn mới mẻ, tuy nhiên tại Việt Nam, thực tế là chúng ta gần như còn trắng về xếp hạng ĐH.

Ngoài ra, với các trường không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ có biện pháp kiểm tra và công khai dư luận biết. Đồng thời, kiên quyết giải thể những trường yếu kém vì hiện nay không ít trường ĐH đang chết lâm sàng. Chính sách này sẽ áp dụng trường công và trường tư như nhau.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/xep-hang-dai-hoc-khong-phai-cuoc-choi-cua-nha-giau-1265439.tpo