Xếp hạng hướng dẫn viên du lịch: Giải pháp tạm thời?

Nhằm góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hỗ trợ các hướng dẫn viên (HDV) nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty lữ hành tìm kiếm được nhân lực phù hợp, Hội HDV Du lịch Việt Nam đã triển khai chương trình xếp hạng cho HDV, đồng thời thu bảo hiểm xã hội tự nguyện cho HDV.

Hà Nội Tourism đưa khách du lịch tham quan Đài Loan

Hà Nội Tourism đưa khách du lịch tham quan Đài Loan

Tiêu chí xếp hạng

Với các tiêu chí để thi xếp hạng HDV du lịch: Năng lực (thông qua lý lịch nghề nghiệp); kiến thức (thông qua bài thi kiến thức hoặc phỏng vấn); kỹ năng (thông qua đợt thẩm định); nhận xét của các công ty lữ hành sau chuyến đi, các HDV phải trải qua các phần thi lý thuyết và phỏng vấn. Dựa trên các phần thi, HDV đạt từ 51 điểm trở lên sẽ được xếp hạng: 3 sao (hạng Bạc), 4 sao (hạng Vàng) và 5 sao (hạng Bạch kim). Thẻ hội viên đã được xếp hạng có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Việc xếp hạng HDV sẽ mang lại nhiều lợi ích cho HDV, góp phần đưa nền du lịch Việt Nam, ngày càng nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa yêu cầu phát triển của ngành du lịch.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, Hội HDV sẽ triển khai chương trình xếp hạng tại TPHCM ngày (22 - 24/10); tại Hà Nội và Quảng Ninh dự kiến trong tháng 11; tại một số tỉnh, thành phố khác vào tháng 12/2018.

Sau chương trình xếp hạng thí điểm, Hội HDV sẽ hoàn thiện các tiêu chí và quy chế để tiến tới xếp hạng cho tất cả các HDV có mong muốn tham gia vào năm 2019.

Để hỗ trợ cho các hội viên được hưởng lương khi về hưu, giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Hội HDV Du lịch Việt Nam đã được Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội lựa chọn là đại lý chính thức thu bảo hiểm xã hội tự nguyện để các hội viên được chọn lựa mức đóng và cách đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân.

Xác định trình độ của HDV

Xung quanh việc xếp hạng HDV, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Việc xếp hạng HDV sẽ góp phần xác định đúng trình độ của HDV, nâng cao giá trị và tăng cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ HDV. Việc phân loại và xếp hạng sẽ góp phần thúc đẩy sự phấn đấu học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của HDV. Cùng với đó, các doanh nghiệp lữ hành sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, ký kết hợp đồng với HDV, góp phần nâng cao về chất lượng tour du lịch”.

Chia sẻ về ý kiến trên, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour cho biết: “Đội ngũ HDV đóng vai trò rất quan trọng, quyết định cơ hội thành công của tour. HDV còn là cầu nối quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đến với du khách. Bởi vậy, việc kiểm định chất lượng đối với đội ngũ HDV du lịch luôn được công ty chú trọng”.

Việc xếp hạng HDV du lịch dựa trên 3 tiêu chí chính: Kiến thức (chiếm 50% tổng số điểm); kỹ năng (chiếm 30%) và năng lực (chiếm 20%)

Những HDV đã từng đạt giải trong các cuộc thi HDV du lịch sẽ được cộng điểm thưởng. Các HDV đạt từ 51 điểm trở lên (thang điểm 100) sẽ được xếp theo các hạng: 3 sao, 4 sao và 5 sao.

Bên cạnh việc đồng tình, nhất trí với chủ trương xếp hạng HDV thì việc đánh giá năng lực của từng người qua các phần thi đang thu hút nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng với cách đánh giá qua việc trả lời câu hỏi trên máy tính và trả lời phỏng vấn không thể đánh giá đúng thực chất của HDV.

HDV Trương Tiến Hải, Công ty Du lịch Hà Nội Tourism cho biết: “Việc thi xếp hạng HDV là chủ trương đúng, tuy nhiên đánh giá, xếp hạng theo cách này chưa phải khả thi. Bởi vì, để tham gia kỳ thi, HDV có thể ôn thi một cách tích cực và làm bài tốt, trả lời tốt trong các phần thi để đạt được mức hạng cao nhất. Thế nhưng, khi làm nghề để khích lệ, động viên họ làm hết mình, am hiểu, tận tình, phục vụ tốt các tour du lịch thì lại do công ty có chế tài, chế độ với HDV ra làm sao. Đó lại là một thực tế khác”.

TS Nguyễn An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Việc thi xếp hạng HDV du lịch theo tôi là cần thiết, giúp HDV có hướng phấn đấu tích cực và biết mình thuộc hạng nào, tuy nhiên cần thiết nhưng không nên bắt buộc.

Có những HDV có thâm niên từ 5 – 10 năm nhưng trình độ và nghiệp vụ còn non, yếu, trong khi có những em sinh viên mới ra trường, bước vào nghề đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và được các công ty du lịch khen ngợi và đánh giá cao.

Việc đánh giá, xếp hạng HDV qua việc thi cử, theo tôi nghĩ, không đánh giá được thực chất mà để đánh giá được năng lực của HDV du lịch phải là các công ty du lịch khi sử dụng lao động. Thi xếp hạng HDV du lịch chỉ là giải pháp tạm thời chờ giải pháp thiết thực hơn”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/xep-hang-huong-dan-vien-du-lich-giai-phap-tam-thoi-3956511-b.html