Xét tuyển khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn: Giải tỏa băn khoăn về việc làm, học phí

Học các ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) chủ yếu là học thuộc lòng, không cần tư duy nhiều và ra trường khó tìm việc làm... Đó là những băn khoăn mà bạn đọc gửi đến các chuyên gia trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Thông tin tuyển sinh khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn' do Báo SGGP tổ chức ngày 1-6.

Theo các chuyên gia tư vấn, những băn khoăn của thí sinh, phụ huynh xuất phát từ việc hiện có quá ít thông tin về những ngành KHXH-NV.

 Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn (bìa phải) tặng hoa các khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG

Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn (bìa phải) tặng hoa các khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều cơ hội việc làm

Bạn Ngô Thị Hoài Thương (Trà Vinh) gửi câu hỏi đến buổi giao lưu trực tuyến: “Em muốn chọn ngành Xã hội học nhưng ba mẹ em nói học ngành này ra trường khó kiếm việc làm. Nhờ thầy cô giúp em lời khuyên để em có động lực theo học ngành này”.

Giải đáp băn khoăn, Th.S Nguyễn A Say, Phó trưởng Khoa Xã hội và truyền thông (Trường Đại học (ĐH) Văn Hiến), cho rằng, trên thực tế, sinh viên ngành Xã hội học ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau. “Nếu Hoài Thương có các phẩm chất như: thích tìm hiểu các quy luật trong đời sống xã hội; suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo; khả năng tự tổ chức công việc, khả năng tự học, tự nghiên cứu... thì rất phù hợp khi theo học ngành Xã hội học”, Th.S Nguyễn A Say tư vấn.

Cũng với tâm lý e ngại khi tốt nghiệp khó tìm công việc phù hợp, bạn Nguyễn Ngọc Châu (Đồng Tháp) đặt câu hỏi: “Với những ngành như Triết học, Lịch sử, Văn hóa học…, khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm hay không?”. Thông tin đến Ngọc Châu, Th.S Lê Trọng Vinh, Phó trưởng Phòng Đào tạo (Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia TPHCM), nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, xu thế chọn ngành nghề của thí sinh thường hướng đến các ngành mang tính ứng dụng cao. Tuy nhiên, không có nghĩa là những ngành về khoa học cơ bản như Triết học, Lịch sử, Tôn giáo học, Văn học hay Nhân học... không có nhu cầu về nguồn nhân lực, vì những ngành nghề hiện nay có tính ứng dụng mang tính chất liên ngành. Sinh viên tốt nghiệp các ngành học này có thể tham gia công tác trong các lĩnh vực như: giảng dạy tại các trường cao đẳng, ĐH; công tác tại các cơ quan trong và ngoài nước; các tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức chính phủ, phi chính phủ. Em có thể tham khảo thêm thông tin tại địa chỉ www.hcmussh.edu.vn/tuyensinh”.

Sinh viên ngành Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của trường

Đa dạng học bổng, chính sách hỗ trợ

Để rõ hơn thông tin của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM), bạn Vũ Thanh Hà (quận 11, TPHCM) gửi câu hỏi: “Năm 2023, trường có những chính sách học bổng, ưu tiên gì cho thí sinh diện khó khăn khi đăng ký vào các ngành KHXH-NV?”.

Th.S Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), cho biết: “Hiện nay, các trường ĐH đều dành nhiều chương trình học bổng cho sinh viên theo học khối ngành KHXH-NV. Riêng tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, năm 2023, trường đã công bố chính sách học bổng cho tân sinh viên với nhiều loại học bổng như: học bổng khuyến học; học bổng tiếp sức tới trường (giảm 40% học phí toàn khóa học đối với sinh viên trúng tuyển ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Việt Nam học); học bổng dành cho nữ sinh. Ngoài các gói học bổng trên, trường còn nhiều suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc trong suốt khóa học…

Ở khía cạnh khác, bạn Trần Thị Mai Hương (huyện Bình Chánh, TPHCM) quan tâm đến mức học phí của các ngành thuộc lĩnh vực xã hội, kinh tế và quản lý... trong năm 2023.

Sinh viên ngành Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Th.S Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển thương hiệu (Trường ĐH Công nghệ TPHCM) gợi mở: “Cùng với học phí tăng thì các trường (công lập và tư thục) cũng tăng các chính sách hỗ trợ, các chương trình học bổng nhiều tỷ đồng dành cho người học. Đơn cử như tại trường, học phí các ngành KHXH ở mức từ 16-18 triệu đồng/học kỳ. Ngoài ra, nhà trường có nhiều chính sách học bổng, cụ thể là nhiều mức giảm học phí, tùy theo đối tượng. Những bạn học sinh có thành tích tốt trong học tập, đạt giải cao trong các hội thi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... cũng có thể nhận học bổng trị giá 50%, 100% học phí. Đồng thời, 2.000 tân sinh viên xác nhận nhập học sớm nhất tại trường cũng sẽ nhận thêm học bổng “Tự hào sinh viên Hutech”, trị giá 5 triệu đồng/suất”.

Từ năm 2022 trở đi, ĐH Quốc gia TPHCM duy trì cấp 15 suất học bổng thạc sĩ (25 triệu đồng/suất) và 15 suất học bổng tiến sĩ (75 triệu đồng/suất) cho các ngành: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi; Khoa học sự sống; Khoa học tự nhiên; Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin. Cùng với đó là hỗ trợ học bổng toàn phần năm đầu tiên cho 9 ngành học KHXH-NV của Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.

Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình gói học bổng bao gồm hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên học 9 ngành khoa học cơ bản của Trường Đại học KHXH-NV, gồm: Hán Nôm; Lịch sử; Triết học; Tôn giáo học; Chính trị học; Nhân học; Việt Nam học; Ngôn ngữ học; Văn học. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học. Cùng với đó, các trường cân đối lại ngân sách nhằm phân bổ đồng đều, thống nhất mỗi ngành học cơ bản có 10% sinh viên được nhận học bổng này nhằm thu hút sinh viên theo học.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xet-tuyen-khoi-nganh-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-giai-toa-ban-khoan-ve-viec-lam-hoc-phi-post692111.html