Xét xử đại án tại OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn có thể qua mặt lãnh đạo PVN để chiếm đoạt tiền?

Luật sư Minh Tâm cho rằng Nguyễn Xuân Sơn không thể qua mặt lãnh đạo PVN để chiếm đoạt. Bản thân giữa OceanBank và PVN đã có cam kết từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc. Hàng loạt công văn cũng đã được PVN ban hành.

Tóm tắt phiên tòa chiều 14/9: Luật sư Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Sơn và luật sư Trường bào chữa cho bị cáo Minh Thu đã thực hiện bảo vệ cho các bị cáo trước cáo buộc của Viện Kiểm sát phiên tòa sáng nay.

>> Viện Kiểm sát: Luận tội tử hình Nguyễn Xuân Sơn, chung thân đối với Hà Văn Thắm

Các luật sư đều cho rằng tội danh "Cố ý làm trái..." đang hình sự hóa quan hệ kinh tế. Với quan điểm của Viện Kiểm sát về hành vi tham ô của bị cáo Sơn, luật sư Tâm cho rằng đây là những lời quy kết thiếu lập luận, đề nghị HĐXX không vội vàng vì liên quan đến sinh mạng con người. Theo quan điểm của luật sư Tâm, một mình bị cáo Sơn không thể qua mặt Hà Văn Thắm hay lãnh đạo PVN để chiếm đoạt số tiền lớn trong thời gian dài. Một loạt công văn được ký bởi Tổng Giám đốc và Chủ tịch PVN giai đoạn đó về cam kết giữa Tập đoàn và Ngân hàng được luật sư dẫn ra.

Luật sư Trường cho rằng thân chủ của mình bị kết tội thiếu căn cứ, như trong hành vi "Cố ý làm trái...", nhiều khoản tiền không thuộc/chưa rõ trách nhiệm của bị cáo Thu. Luật sư Trường còn đề nghị HĐXX cho phép trở lại xét hỏi các bị cáo khi cần thiết.

~~~~~~~~~

Tiếp tục phiên tranh tụng sáng nay, sau khi hai luật sư của bị cáo Hà Văn Thắm trình bày luận điểm, luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bổ sung các quan điểm mà hai luật sư đã đưa ra.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Thiệp, luật sư Minh Tâm cũng cho rằng đây là lần đầu tiên việc chi lãi ngoài bị xử lý về hình sự. "Chúng tôi có đủ căn cứ để nói rằng tội này đã bị “hình sự hoá”. Tại phiên toà, các bị cáo đều thừa nhận làm trái, giải thích lý do và hoàn cảnh".

Xét xử đại án OceanBank 14/9: Đối diện án tù nhiều năm vì chi ngoài lãi suất, liệu có hình sự hóa quan hệ kinh tế?

Luật sư cũng cho rằng thường người ta làm trái thì che dấu nhưng ở đây thì rất công khai, minh bạch và đã giúp cơ quan điều tra điều tra dễ dàng. Tính minh bạch có được theo luật sư là do họ biết làm trái nhưng vẫn làm vì cho rằng hiệu quả.

"Bị kịch ở chỗ những người làm tốt, nhiệt huyết với ngân hàng thì bị khởi tố còn những người thờ ơ thì không. Đó là lời xuất phát từ lời gan ruột của các bị cáo cũng là lời kêu cứu tại phiên tòa."

Việc mua bắt buộc đáng ra phải có hệ thống pháp lý vững chắc nhưng Hiến pháp cũng chỉ có phương pháp trưng mua, luật sư đặt câu hỏi khái niệm mua bắt buộc xuất phát từ đâu?

Mục đích của việc mua 0 đồng là tốt đẹp nhưng theo luật sư đã bị biến tướng và đặt ra sự nghi vấn khi có tới hai BCTC kiểm toán “Không có cơ sở để ra kết luận” và “Xác định nhằm theo mục địch, yêu cầu đặc biệt của NHNN”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thể hiện quan điểm bào chữa các tội danh cáo buộc với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

*Một hành vi chịu ba tội danh, không có khách thể bị xâm hại khi kết tội tham ô

Khi công bố lời luận tội sáng nay, Viện Kiểm sát đưa ra đề nghị tử hình Nguyễn Xuân Sơn nhưng không chứng minh mà chỉ thuần đưa ra ý kiến quy kết trong khi cáo buộc phải dựa căn cứ trên các yếu tố cấu thành tội. Theo vị luật sư, Viện Kiểm sát chưa hoàn thành nhiệm vụ chứng minh tội phạm với Nguyễn Xuân Sơn.

"Không hiểu căn cứ vào đâu mà VKS lại nói Nguyễn Xuân Sơn ngoan cố trong khi những điều mà bị cáo Sơn trình bày là sự thật. Đây là một quy buộc nặng nề", luật sư Minh Tâm nói.

Về tội tham ô đã quy định rất rõ các yếu tố cấu thành trong đó phải là người có chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản, và lợi dụng quyền hạn để chiếm dụng cái tài sản mà mình quản lý.

Cũng không đủ căn cứ khẳng định Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện 20% vốn của PVN. Kể cả ở trường hợp Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện thì cũng không có chức vụ quyền hạn để tham ô. Vốn PVN đưa vào sử dụng như thế nào là quyền của HĐQT, ĐHĐCĐ. Không có gì chứng minh Nguyễn Xuân Sơn có trách nhiệm quản lý tiền bạc.

Trong tội tham ô, có 2 khách thể bị xâm hại. Thứ nhất, phải chứng minh 49 tỷ thuộc PVN. Nhưng số tiền 49 tỷ này đã thuộc quyền sở hữu của PVN chưa? Quyền sở hữu của PVN ở OceanBank chỉ tổn tại dưới 2 hình thức 800 tỷ góp vào và lợi tức hằng nămVốn điều lệ của OceanBank không mất nên không thể nói vốn của PVN mất được. Thứ hai là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường trong quản lý tài sản. Số tiền 49 tỷ nằm trong 246 tỷ, 246 tỷ lại nằm trong số tiền 1.576 tỷ đồng, thuộc chi phí đầu vào để mang lại lợi nhuận đầu ra, không những không mang lại hậu quả mà còn mang lại lợi nhuận cho ngân hàng.

*Cam kết giữa PVN và OceanBank do Chủ tịch Đinh La Thăng ký đã có từ trước

Khoản tiền thiệt hại lời luận tội sáng nay tách ra làm 2, theo giai đoạn Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc OceanBank và khi Nguyễn Xuân Sơn sang làm Phó Tổng Giám đốc PVN.

Nguyễn Xuân Sơn không lợi dụng và không thể lợi dụng PVN hay sự phụ thuộc của OceanBank vào tiền gửi huy động của PVN như tinh thần của lời luận tội. Trước khi Nguyễn Xuân Sơn về làm Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng và Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm đã ký văn bản cam kết ngày 18/9/2008.

Đây là thời điểm Nguyễn Xuân Sơn chưa có "bóng dáng" tại OceanBank mà mới là đang trưởng ban trù bị NH Hồng Việt. Trong văn bản này, theo điều 4.2, PVN cam kết hỗ trợ OceanBank về tài chính, vốn, sử dụng và khuyến nghị các đơn vị thành viên các dịch vụ do OceanBank cung cấp.

Sau biên bản thỏa thuận, 22/6/2009, Tổng Giám đốc PVN ký công văn giao đơn vị thành viên, các đơn vị có vốn góp của Tập đoàn hay có vốn góp của đơn vị thành viên triển khai mở tài khoản tại OceanBank, phối hợp mở tài khoản thanh toán để tạo ra sự liên thông, hiệu quả, trong chuyển tiền giữa các đơn vị.

Ngày 17/9/2010, Chủ tịch HĐTV PVN ra văn bản gửi các đơn vị, gồm cả các nhà thầu dầu khí yêu cầu mở tài khoản, thực hiện cấp phát vốn, thanh toán, chuyển tiền, thực hiện các dịch vụ tài chính, các giao dịch giữa các đơn vị thực hiện qua tài khoản liên thông và yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank mở tài khoản.

Luật sư cho rằng dù hình thức là công văn nhưng nội dung là chỉ đạo và việc xác định không coi trọng hình thức mà dựa trên bản chất. Quan hệ OceanBank và PVN đã được thống nhất và thỏa thuận từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu OceanBank cam kết.

Nghĩa vụ PVN trong việc hỗ trợ OceanBank trong hoạt động ngân hàng đã xác định từ trước. Chủ tịch và TGĐ PVN đã quán triệt. Điều này có thể suy ra không ai có thể làm trái văn bản thỏa thuận này ngay cả Nguyễn Xuân Sơn. Do vậy, không thể quy buộc lợi dụng vị thế để tự mình chiếm đoạt tài sản OceanBank.

Thứ ba, Nguyễn Xuân Sơn không bàn bạc về việc thu phí qua BSC. Phiên tòa sơ thẩm tháng 2/2017, Hà Văn Thắm khai rõ không bàn bạc về tỷ lệ chi lãi ngoài 1%, không nói ngân hàng phải chi lãi ngoài, chỉ nói chi chăm sóc khách hàng. Với vai trò cổ đông lớn nhất, Hà Văn Thắm tự ra quyết định chi. Khi BSC chưa có doanh thu, Hà Văn Thắm đã tự ứng tiền cá nhân, đơn vị liên quan. Luật sư cũng cho rằng việc chi cá nhân là việc của ông Thắm, không ảnh hưởng đến khách hàng của BSC.

Liên quan đến việc bổ nhiệm Nguyễn Minh Thu thay Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng Giám đốc, người quyết định cũng như đề cử không phải Nguyễn Xuân Sơn.

Thứ năm, thời điểm Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc chưa có quy định về Thông tư 02. Việc bàn bạc là chi chăm sóc khách hàng. VKS lập luận cho rằng chi chăm sóc khách hàng là chi lãi ngoài là thiếu căn cứ.

Thứ sáu, số tiền 69 tỷ đồng này không xác định được ai là nguyên đơn dân sự. Người sở hữu hoàn tiền này là khách hàng 721 hợp đồng. Trong đó, OceanBank xác định bị thiệt hại 2 tỷ đồng. Còn lại không có khách hàng nào yêu cầu trả lại số tiền thu phí. Khách hàng là người làm chủ khoản tiền đó, nếu họ thấy thiệt hại thì cần có đơn. Không một khách hàng nào với tư cách là chủ khoản tiền 69 tỷ đồng cho biết bị thiệt hại. Nếu không yêu cầu thì chứng tỏ phần phí ấy chấp nhận được.

*Nguyễn Xuân Sơn có thể qua mặt Hà Văn Thắm hay lãnh đạo PVN để chiếm đoạt?

Theo cáo buộc sáng nay, Nguyễn Xuân Sơn không thành khẩn, vòng vo ngoan cố, luật sư Minh Tâm cho rằng ông Sơn không phải ngoan cố mà lời giải thích có cơ sở phù hợp với thực tế cuộc sống, là thực trạng nhức nhối thời gian qua.

Tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn nói không nhận nhiều đến thế cũng không có gì chứng minh vì không ghi chép. Số tiền 246 tỷ đồng bao gồm 49 tỷ bị quy kết tham ô, Nguyễn Xuân Sơn khai đã nhận hơn 200 tỷ đồng, chi đối ngoại, những khoản chi này là có thật nhưng không thể hạch toán.

"Đây là câu chuyện có thật. Thực trạng lễ Tết quà cáp, tiêu cực bấy lâu nay, PVN và lãnh đạo cũng không tránh khỏi.", luật sư Tâm cho hay.

Luật sư đưa ra câu hỏi liệu Nguyễn Xuân Sơn có chiếm đoạt cho riêng mình không? Nguyễn Xuân Sơn không thể tự mình chiếm đoạt số tiền lớn như vậy trong thời gian dài. Nhận định này dựa trên niềm tin vào tư cách của Nguyễn Xuân Sơn của Hà Văn Thắm. Bị cáo Thắm cũng không thể hồ đồ cho Sơn chiếm đoạt tiền trong một khoản thời gian dài.

Cùng đó, luật sư cũng nhận định, không phải ngẫu nhiên Oceanbank và PVN cam kết hỗ trợ vốn và sử dụng dịch vụ Oceanbank. Nguyễn Xuân Sơn cũng không thể qua mặt lãnh đạo PVN để chiếm đoạt khoản tiền đó được.

Trong số khoản tiền Sơn nhận có chi cho ông Quỳnh, ban đầu ông Quỳnh nói ông không nhận nhưng khi bị khởi tố, ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận đã nhận 20 tỷ đồng. Có thể những người khác một lúc nào đó họ sẽ nhận? Theo luật sư, cần điều thận trọng trong việc quy kết tội của ông Nguyễn Xuân Sơn nhất là khi kết tội tử hình.

“Mong HĐXX đừng vội quy kết vì liên quan đến sinh mạng của 1 con người. Phán quyết của HĐXX rất quan trọng đến ông Nguyễn Xuân Sơn. Tôi tin rằng ông Nguyễn Xuân Sơn sẽ không tâm phục khẩu phục với quy kết này”, luật sư nói.

Cùng đó, về bản chất, hành vi Hà Văn Thắm nhờ Nguyễn Xuân Sơn chăm sóc khách hàng cũng không khác gì việc các bị cáo khác như Nguyễn Minh Thu, Minh Phương,… chi chăm sóc khách hàng. Lý do gì để có sự phân biệt như vậy?

Luật sư cũng nhắc lại về gia cảnh của Nguyễn Xuân Sơn xuất thân trong 1 gia đình nhà giáo, bố có 60 năm tuổi Đảng, bản thân bị cáo trong quá trình làm việc có thành tích tốt.

Luật sư Phạm Giới Tín bào chữa cho bị cáo Sơn cho rằng một hành vi không thể truy tố tới 3 tội danh như cáo trạng.

Luật sư Đỗ Mạnh Trường bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Thu

Đại diện cho nhóm bị cáo tội "Cố ý làm trái...", luật sư ghi nhận những thay đổi của lời luận tội từ Viện Kiểm sát nhưng vẫn cho rằng Viện Kiểm sát chưa xem xét đẩy đủ khách quan tình tiết mới tại phiên tòa. Với bị cáo Minh Thu, luật sư cũng thấy bị cáo đang bị cáo buộc 2 tội danh vì một hành vi.

Viện Kiểm sát truy tố Nguyễn Minh Thu hành vi tiếp nhận chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn thu thêm phần chênh lệch tỷ giá 12,9 tỷ đồng, giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ.

Để xác định Thu có giúp sức Sơn hay không, cần phải làm rõ nguồn gốc hình thành và cách thức sử dụng số tiền 12,9 tỷ đồng. Trong khi đó, tại phiên toà trước, bị cáo Hà Văn Thắm đã khai rõ đây là khoản phí thu xếp ngoại tệ, tức là thu của người cần mua để trả cho người cần bán ngoại tệ. Bị cáo Thu cũng không biết 12,9 tỷ đồng có nguồn gốc từ đâu. Bản thân Hà Văn Thắm cũng cho biết không nói cho Sơn và Thu về khoản tiền này.

Thực tế Thu chỉ là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, không được bàn bạc, hứa hẹn gì từ số tiền mà Sơn chiếm đoạt. Vì vậy, đề nghị không truy tố Nguyễn Minh Thu tội lợi dung chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn.

Về việc bị truy tố tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, còn nhiều nội dung chưa đủ pháp lý. Việc cáo buộc bị cáo Minh Thu liên đới chịu trách nhiệm đối với phần tiền của khối khách hàng cá nhân là không có căn cứ. Vì bị cáo Minh Thu không trực tiếp chỉ đạo bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang. Hà Văn Thắm cũng xác nhận người chỉ đạo trực tiếp đối với Đỗ Đại Khôi Trang là Phó Tổng Giám đốc Trần Thanh Quang.

Số tiền 116 tỷ đồng kế toán theo dõi chi cho Minh Phương được cho rằng liên đới tới bị cáo Minh Thu. Tuy nhiên, Suốt quá trình điều tra kéo dài, chưa lần nào hai bị cáo được đối chất. HĐXX đã có quyết định đình chỉ vụ án với bị cáo Minh Phương do bị cáo bị bệnh hiểm nghèo. Trong giai đoạn điều tra, Minh Thu không biết cần làm rõ như thế nào.

Tình tiết liên quan đến 116 tỷ đồng không làm rõ nhưng vẫn kết luận bị cáo Minh Thu liên đới với số tiền này. Kết luận này là không có căn cứ.

Thứ ba, Nguyễn Minh Thu không phải giúp sức cho Hà Văn Thắm mà ở vai trò Tổng Giám đốc thuê làm việc cho ông chủ. Thời điểm bị cáo Minh Thu làm Tổng Giám đốc hoạt động chi lãi ngoài đã được thực hiện. Chủ trương khi trao đổi cũng chỉ có Sơn và Thắm biết.

Ngoài ra, luật sư Trường cũng cho rằng còn một số các căn cứ khác, luật sư xin phép bổ sung khi có đủ các căn cứ do hiện NHNN và đại diện Giám định chưa cung cấp và hứa sẽ cung cấp cho các luật sư.

Luật sư kiến nghị giảm trừ đối với khoản tiền 184 tỷ đồng trong số tiền Nguyễn Minh Thu chịu trách nhiệm và số tiền 116 tỷ đồng mà VKS chưa đưa ra được căn cứ liên đới tới Nguyễn Minh Thu. Ngoài ra, Nguyễn Minh Thu là thế hệ giám đốc đầu tiên của ngành ngân hàng khi quan hệ kinh tế thị trường.

Đồng thời, Nguyễn Minh Thu không đại diện phần vốn, làm việc theo chỉ đạo của ông chủ, thực hiện vì lợi ích ngân hàng. Bị cáo Minh Thu cũng đã ợp tác và thành khẩn khai báo, mong HĐXX giảm nhẹ theo phần luận tội của Viện Kiểm sát.

Sau phần bảo vệ của ba luật sư, HĐXX cho phép dừng phiên tòa. HĐXX sẽ tiếp tục vào sáng mai.

Thanh Thủy

Nguồn NDH: http://ndh.vn/xet-xu-dai-an-tai-oceanbank-nguyen-xuan-son-co-the-qua-mat-lanh-dao-pvn-de-chiem-doat-tien--20170914032156122p4c149.news