Xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang: 'Nâng điểm vì cấp trên bảo làm!'

Theo lời khai của bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), do cấp trên bảo làm nên bị cáo đồng ý làm chứ không phải vì lợi ích vật chất.

"Cấp trên bảo làm"

Tại phiên tòa xét xử ngày 14/10, Vũ Trọng Lương là bị cáo đầu tiên bước lên bục khai báo để trả lời thẩm vấn HĐXX trong vụ nâng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2018.

Khai trước tòa, Lương nói bản thân hoàn toàn tự nguyện nâng điểm thi cho các thí sinh, không nhận tiền hoặc lợi ích vật chất nào.

Theo lời khai, đầu tháng 5/2018, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí) gọi Vũ Trọng Lương sang phòng làm việc để báo rằng trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt.

Đầu tháng 6, lần đầu Hoài đưa danh sách các thí sinh cần sửa điểm ghi trên tờ giấy A4 cho Lương. 2 lần sau đó, Hoài tiếp tục gửi danh sách thí sinh cho cấp dưới qua tin nhắn và email.

Đến ngày 27/6, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, Vũ Trọng Lương tải các đáp án về máy tính để chuyển sang file Excel nhằm thực hiện việc sửa, nâng điểm.

Sáng 7/7, sau khi nhận chìa khóa phòng chứa bài thi từ tay Nguyễn Thanh Hoài, Lương thuê xe tải đến nơi chứa bài thi rồi nhờ 3 cán bộ công an đang canh giữ nơi này bê hòm chứa bài thi ra xe.

Bị cáo Vũ Trọng Lương tại tòa. Ảnh: PV

Bị cáo Vũ Trọng Lương tại tòa. Ảnh: PV

Bị cáo Lương khai trong mỗi danh sách, Nguyễn Thanh Hoài đã tự ghi sẵn họ tên, số CMND, hộ khẩu, bản đăng ký dự thi và điểm thi của các thí sinh. Lương đã 3 lần nhận của cấp trên danh sách tổng số 93 thí sinh.

"Nguyễn Thanh Hoài có thỏa thuận gì về điều kiện nâng điểm không?", chủ tọa hỏi và cựu Phó phòng Khảo thí quả quyết bị cáo Hoài không thỏa thuận hay hứa hẹn gì về lợi ích vật chất. Lương cũng không yêu cầu hay đưa ra điều kiện gì trước khi nâng điểm.

"Bị cáo là cấp dưới, anh Hoài bảo bị cáo làm nên bị cáo đồng ý, tự nguyện làm", Vũ Trọng Lương trình bày.

Tiếp tục thẩm vấn, bị cáo Lương khai ngoài danh sách Nguyễn Thanh Hoài đưa, bản thân Lương còn được bạn bè, người quen nhờ nâng điểm cho 14 thí sinh. "Họ nhờ bị cáo nâng điểm cho con, cháu của họ, không có thỏa thuận gì, cũng không hứa hẹn nâng đỡ bị cáo trong công tác", bị cáo Lương khai và nhấn mạnh không ai đưa tiền, đồ vật hay tài sản gì cho bị cáo.

USB và thẻ nhớ điện thoại của Vũ Trọng Lương ở đâu?

Theo lời khai của Lương, sau khi chỉ đạo sửa bài thi để nâng điểm, Nguyễn Thanh Hoài đưa cho Lương một chiếc USB lưu danh sách toàn bộ các thí sinh tham dự kỳ thi này của tỉnh Hà Giang, trong phần bôi vàng là những thí sinh được nhờ nâng điểm.

Hai lần sau đó, Hoài gửi tin nhắn và email danh sách bổ sung cho Lương, Lương tiếp nhận và lưu vào một sheet riêng trong file exel do Hoài gửi lần trước.

Tại tòa, Vũ Trọng Lương khai ngoài danh sách các thí sinh, không có nội dung nào khác được lưu trong USB. HĐXX cho biết trong quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang không thu giữ được chiếc USB này. "Sau khi xử lý xong, bị cáo đã vứt chiếc USB đó vào trong thùng rác và đến nay không tìm được", Vũ Trọng Lương nói.

77/178 người liên quan có mặt tại phiên tòa sáng 14/10.

Ngoài vật chứng là chiếc USB không được thu giữ, cơ quan điều tra cũng không thể thu giữ chiếc thẻ nhớ điện thoại lưu lại các cuộc gọi của Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo Lương trong việc sửa bài thi, nâng điểm thi cho các thí sinh.

Sau đó, chiếc thẻ nhớ điện thoại được bị cáo cất giấu trong con lợn đất, con lợn này sau đó được Lương gửi nhà mẹ vợ.

Khi cơ quan điều tra khám xét nhà riêng và phòng làm việc của Lương, kết quả khám xét không thu giữ được tài liệu gì liên quan. Khám xét tại nhà mẹ vợ của bị cáo cho thấy, con lợn bị thủng một lỗ, điều đáng tiếc là chiếc thẻ nhớ đã không còn trong con lợn này. "Bị cáo không nhớ rõ trước khi giao cho mẹ vợ nó có bị thủng một lỗ hay không", Vũ Trọng Lương nói.

Hơn một nửa số người bị triệu tập vắng mặt

Trong phiên tòa sáng nay, sau khi HĐXX tiến hành thủ tục kiểm tra căn cước, có 187 người bị HĐXX triệu tập đến phiên tòa. Trong đó, có 5 bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Vũ Trọng Lương, nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, bị Viện KSND tỉnh Hà Giang truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT bị VKS truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"; các bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT, Lê Thị Dung, nguyên Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang, bị VKS truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".

Cả 5 bị cáo trên đều có mặt tại phiên tòa. Theo kết quả kiểm tra căn cước của HĐXX, có 86 người được triệu tập có mặt, 82 người làm chứng có đơn xin vắng mặt, 19 người vắng mặt không lý do.

Bên cạnh đó, HĐXX cũng triệu tập hai người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là hai Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình và Nguyễn Thái Hùng.

Trước việc có nhiều người làm chứng vắng mặt, chủ tọa Vương Thị Thu Hà hỏi ý kiến các bị cáo, luật sư và đại diện VKS về việc có yêu cầu hoãn, triệu tập bổ sung, bổ sung hồ sư chứng cứ hay không.

Theo đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, cần triệu tập thêm một số cá nhân và người làm chứng vắng mặt. Cả 5 bị cáo đều không có đề nghị gì.

Tuy nhiên, vị đại diện VKS cho rằng những nhân chứng quan trọng đã có mặt đầy đủ, cơ quan điều tra cũng đã lấy lời khai của những người vắng mặt. Tài liệu chứng cứ đã đảm bảo nên cũng không đề nghị bổ sung gì thêm.

Trước những ý kiến trên, Thẩm phán - Chủ tọa Vương Thị Thu Hà cho rằng sự vắng mặt của những người làm chứng không gây trở ngại cho công tác xét xử, nên HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/xet-xu-gian-lan-thi-cu-o-ha-giangnang-diem-vi-cap-tren-bao-lam-20191014145305813.htm