Xét xử vụ chạy thận: Tranh cãi về 'chữ ký chia sẻ' của bác sỹ Hoàng Công Lương

Tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình, sáng nay (18/1), Viện Kiểm sát đặt câu hỏi với ông Hoàng Công Tình - phụ trách Khoa Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Hòa Bình) – về việc 'Ai trong 3 bác sỹ điều trị tại Đơn nguyên Thận nhân tạo được ra y lệnh chạy thận?'.

Đơn nguyên Thận nhân tạo (hay còn gọi là Đơn nguyên lọc máu) trực thuộc Khoa hồi sức tích cực, thời điểm xảy ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017, Đơn nguyên có 3 bác sỹ điều trị gồm: Hoàng Công Lương (SN 1986); Nguyễn Mạnh Linh (SN 1988); Phạm Thị Huyền (SN 1989).

Trả lời đại diện Viện Kiểm sát (VKS) sáng nay, ông Hoàng CôngTình - phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo - cho biết, trước thời điểm xảy ra sự cố, bác sỹ Hoàng Công Lương được phân công nhiệm vụ điều trị tại Đơn nguyên lọc máu. Giữa bác sỹ Lương và hai bác sỹ Huyền – Linh đều có quyền ra y lệnh như nhau.

Tuy nhiên, bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh được đào tạo hồi sức cấp cứu và nội nói chung, không được đào tạo riêng về lọc máu. Trong chứng chỉ hành nghề của các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực là được điều trị bệnh nhân hồi sức cấp cứu và nội khoa.

Trả lời câu hỏi tại sao có quyền ra y lệnh ngang nhau nhưng bác sỹ Hoàng Công Lương lại phải ký vào y lệnh chạy thận do bác sỹ Phạm Thị Huyền đề nghị ký vào sáng 29/5, ông Hoàng Công Tình cho rằng vì bác sỹ Lương có tuổi đời và tuổi nghề cao hơn hai bác sỹ còn lại nên được hỏi để chia sẻ kinh nghiệm.

“Trong ngành y, những người có kinh nghiệm cao hơn thường chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sỹ có tuổi nghề ít hơn, có kinh nghiệm ít hơn. Bác sỹ Lương ký như vậy là ký chia sẻ với bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh”, ông Hoàng Công Tình nói.

Đại diện VKS hỏi lại: bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh có ký “ký chia sẻ” với bác sỹ Lương hay không? Ông Tình cho hay: “Đặc thù ngành y là trong 1 ca điều trị khó, chúng tôi mời chuyên gia đến tham khảo ý kiến mà cũng không có quy định phải ký kèm vào y lệnh”.

“3 bác sỹ thường hội ý với nhau trước khi ra y lệnh, bác sỹ Huyền cũng không nhất thiết hỏi ý kiến bác sỹ Lương để ra y lệnh, chẳng qua bác sỹ Lương có kinh nghiệm cao hơn nên bác sỹ Huyền đề nghị ký vào y lệnh như một cách để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Hai bác sỹ có quyền ngang nhau và có nghĩa vụ ngang nhau”, ông Hoàng Công Tình nói.

Đáng chú ý, ông Hoàng Công Tình tiết lộ thêm, bác sỹ Huyền và bác sỹ Linh chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu và nội khoa, chưa được cấp chứng chỉ chạy thận nhân tạo, vì vậy, chữ ký của Hoàng Công Lương còn có ý nghĩa để “thanh toán bảo hiểm y tế”.

Ông Hoàng Công Tình trả lời HĐXX tại phiên tòa.

Ông Hoàng Công Tình trả lời HĐXX tại phiên tòa.

Đại diện VKS hỏi điều kiện để ra y lệnh lọc máu, ông Tình cho biết bác sỹ hồi sức tích cực (chưa có chứng chỉ chạy thận nhân tạo) cũng có thể ra y lệnh chạy thận nhân tạo.

Lý giải về việc này, ông Tình cho biết cả hai bác sỹ Huyền – Linh đều đã làm việc gần 3 năm, nếu làm 8 tiếng/ngày thì chỉ 2 tháng là có đủ thời gian về điều kiện để chạy thận nhân tạo. Quy trình của Bộ Y tế năm 2014 và Quy định 52 quy trình chạy thận được Bộ Y tế ban hành tháng 4/2018 giống nhau về điểm này. Theo đó, bác sỹ phải làm việc về thận nhân tạo ít nhất 200 giờ mới được ra y lệnh.

Ông Tình cho rằng để tiến hành chu trình chạy thận chu kỳ cần rất nhiều bộ phận. Cụ thể: bộ phận điều dưỡng khởi động hệ thống RO, quan sát đồng hồ trong ngưỡng an toàn, test máy chạy thận; khi các điều kiện đảm bảo về mặt lâm sàng thì kết nối máy vào người bệnh nhân, và phải có y lệnh lọc máu mới có thể kết nối máy chạy thận với người bệnh nhân.

Trước đó, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) khai có quyết định giao ông Tình quản lý hệ thống RO 2 tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, nhưng ông Tình khẳng định không được giao và trong Khoa không ai biết việc này.

“Bản thân ông Khiếu không có trao đổi gì với tôi về việc bàn giao này. Sau sự cố và làm việc với cơ quan điều tra, tôi mới biết có quyết định này, tôi hỏi nhân viên thì không ai biết về quyết định này”.

Sau khi đặt câu hỏi với bác sỹ Hoàng Công Tình, VKS đề nghị được hỏi hai bác sỹ Huyền – Linh nhưng cả hai vắng mặt, đại diện VKS đề nghị HĐXX triệu tập những người này.

Cũng trong sáng nay, HĐXX và VKS đặt câu hỏi với ông Trần Thế Hưng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, ông Hưng không trả lời được bất cứ nội dung gì.

Khi được HĐXX đặt câu hỏi về quan điểm của bệnh viện khi gia đình các nạn nhân yêu cầu bệnh viện bồi thường, Phó Giám đốc Trần Thế Hưng nói: “Đây là sự cố y khoa không mong muốn, mong HĐXX xem xét những yêu cầu của bị hại để đưa ra quyết định theo đúng luật pháp”.

Ngoài ra ông Hưng không có yêu cầu gì khác và ủy quyền cho các luật sư tham gia phiên tòa trả lời trước phiên tòa.

Ông Hưng lúng túng khi HĐXX hỏi Bệnh viện ủy quyền cho luật sư hay cá nhân ông Hưng ủy quyền cho luật sư. Theo giấy ủy quyền của BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Hưng được ủy quyền toàn quyền quyết định việc trả lời HĐXX, tuy nhiên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình khẳng định ông chỉ đến đây để… ngồi nghe.

Ngay cả những câu hỏi về chuyên môn, khi được đại diện VKS hỏi, ông Hưng cũng từ chối trả lời và đưa ra lý do: “Tôi ở lĩnh vực khác, tôi ở Bệnh viện Nội tiết sang”.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/xet-xu-vu-chay-than-tranh-cai-ve-chu-ky-chia-se-cua-bac-sy-hoang-cong-luong-post288205.info