Xét xử vụ chạy thận: Việt Nam chưa có kỹ sư lâm sàng về lọc nước?

Theo chuyên gia, bệnh viện Hòa Bình tẩy rửa hệ thống lọc nước khác bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có chức danh kỹ sư lâm sàng về lọc, kiểm tra nước.

Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa

Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa

Ngày 18/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử vụ án 9 người tử vong sau chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Theo cáo trạng, ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho lọc máu chạy thận nhưng sơ ý để axit nhiễm vào. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận, lọc máu (thuộc khoa Hồi sức tích cực) nghe một điều dưỡng nói đã sửa chữa xong nên ký y lệnh của các bác sĩ Huyền, Linh để lọc máu, khiến nước nhiễm axit đi vào 18 bệnh nhân.

Tại tòa, ông Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực BV Hòa Bình (chú ruột Hoàng Công Lương) cho biết bị cáo Lương và các bác sĩ khác cùng đơn nguyên có chức trách nhiệm vụ như nhau và đều được phép ra y lệnh chạy thận. Trước ý kiến cho rằng bác sĩ Lương có quyền ký y lệnh điều trị của các bác sĩ khác, ông Tình đáp: “Lương tuổi đời, tuổi nghề nhiều hơn các bác sĩ Huyền, Linh... nên các bác sĩ đó có thể hỏi những gì chưa rõ. Trong ngành y, những ai có kinh nghiệm sâu, được đào tạo nhiều hơn sẽ chia sẻ cho những người khác giống như trong bệnh viện, giáo sư không quản lý nhưng có chuyên môn cao hơn”.

Ông Tình nói cụ thể: “Các bác sĩ thường hội ý trước khi chạy thận còn thực tế bác sĩ Huyền không nhất thiết phải cho bác sĩ Lương ký. Ở đây, bác sĩ Lương ký chỉ để chia sẻ vì có chuyên môn cao hơn... Do các bác sĩ đã thống nhất y lệnh nên 2 người có quyền, nghĩa vụ ngang nhau”. Tuy nhiên, chú ruột bị cáo Hoàng Công Lương cũng cho biết, tại đơn nguyên thận, chỉ Hoàng Công Lương được ký bệnh án thanh toán bảo hiểm y tế vì các bác sĩ Huyền, Linh chưa có chứng chỉ thận nhân tạo.

Cũng tại tòa, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) được chủ tọa hỏi về cách cấp cứu của BV Hòa Bình sau sự cố. Ông Bình đánh giá, BV Hòa Bình đã xử lý theo đúng phác đồ, quy trình Bộ Y tế ban hành. Ban đầu, cách xử trí các bệnh nhân giống nhau nhưng sau đã tùy hướng phán đoán để phân loại và xử lý khác nhau theo mức độ nặng nhẹ.

Trong khi đó, TS Đỗ Vũ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu BV Bạch Mai cho rằng không nên dùng phương pháp tẩy rửa RO bằng HF (axit flohidric) như BV Hòa Bình. Ông Tuyển nói: “Tại Bạch Mai chúng tôi, khử khuẩn đường ống do khoa thận nhân tạo sang xử lý giúp và đây là phân công trong bệnh viện. Về kỹ thuật lọc nước, kiểm tra nước, ở nước ngoài có kỹ sư chuyên về lâm sàng, bác sỹ và điều dưỡng không liên quan. Ở Việt Nam, tùy từng bệnh viện có sự phân công khác nhau nhưng chưa có chức danh kỹ sư lâm sàng”.

TS Đỗ Vũ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu BV Bạch Mai cho rằng không nên dùng phương pháp tẩy rửa RO bằng HF (axit flohidric) như BV Hòa Bình. Ông Tuyển nói: “Tại Bạch Mai chúng tôi, khử khuẩn đường ống do khoa thận nhân tạo sang xử lý giúp và đây là phân công trong bệnh viện. Về kỹ thuật lọc nước, kiểm tra nước, ở nước ngoài có kỹ sư chuyên về lâm sàng, bác sỹ và điều dưỡng không liên quan. Ở Việt Nam, tùy từng bệnh viện có sự phân công khác nhau nhưng chưa có chức danh kỹ sư lâm sàng”.

Xuân Ân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/xet-xu-vu-chay-than-viet-nam-chua-co-ky-su-lam-sang-ve-loc-nuoc-1368826.tpo