Xét xử vụ gian lận thi ở Hòa Bình: 'Con tôi bị nâng điểm, mong điều tra làm rõ'

Trong vai trò người liên quan, các phụ huynh khẳng định không nhờ giúp đỡ, không đưa tiền như cáo trạng thể hiện. Một phụ huynh còn cho rằng con mình 'bị' nâng điểm và đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ mục đích của người nâng điểm.

“Có chống lưng rồi, lo gì?”

Ngày 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia các năm 2017 - 2018. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, được Đỗ Mạnh Tuấn - Ủy viên chấm thi trắc nghiệm “nhờ” nâng điểm.

Nguyễn Khắc Tuấn nói: “Tôi bảo không giúp, anh Tuấn đưa tôi xem danh sách, bảo có cả Trưởng phòng PA83 rồi, có chống lưng rồi, lo gì? Tôi thấy có Khương Bá Anh, biết là chiến sĩ công an ở huyện Kim Bôi nên yên tâm. Tôi tình cảm, nể nang anh Tuấn đã giúp đỡ tôi lên Sở còn cho tôi ở nhờ... nên phạm tội”.

Bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn khai thêm, khi sự việc bị phát hiện, Đỗ Mạnh Tuấn đã hướng dẫn bị cáo khai báo gian dối, cụ thể: “Khi lên công an tỉnh khai báo, anh Đỗ Mạnh Tuấn nhắc bị cáo khai sai về số thí sinh nhờ, khai cùng cầm chìa khóa vào phòng thi”. Theo cáo trạng, Đỗ Mạnh Tuấn đã cùng Nguyễn Khắc Tuấn nâng điểm 145 bài thi trắc nghiệm cho 58 thí sinh. Trong đó, bị cáo Khương Ngọc Chất - nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình (PA83) nhờ Đỗ Mạnh Tuấn nâng điểm cho 10 em.

Với môn Ngữ văn, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên - phụ trách các tổ chấm thi tự luận khai đã yêu cầu các giám khảo phải nâng điểm cho 20 thí sinh vì nể nang. Tuy vậy, bà Liên cho rằng chỉ đề nghị các giám khảo chấm “có lợi cho học sinh của tỉnh mình”, không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu. Bị cáo nói: “Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Tôi không chỉ đạo bất kỳ trường hợp nâng điểm nào cụ thể... Cáo trạng nêu tôi có động cơ vụ lợi cá nhân nhưng động cơ của tôi là do nể nang”. Đáng chú ý, bị cáo Liên cho rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.

Tương tự, bị cáo BùiThanh Trà - giáo viên kiêm tổ trưởng chấm thi môn Ngữ văn nói không vụ lợi trong việc yêu cầu giám khảo nâng điểm. Bà Trà khai: “Tinh thần chung là khi chấm thi cho học sinh tỉnh mình cần “nới tay” vì học sinh Hòa Bình còn yếu... Chấm “nới tay” vì môn Ngữ văn có dung sai, quan điểm của mỗi giáo viên khác nhau... Tâm lý là giúp được các em được lấy bằng tốt nghiệp, có cơ hội việc làm”.

“Bị” nâng điểm?

Tòa án cũng xét hỏi những người liên quan là phụ huynh có con được nâng điểm. Trong đó, bà Trần Thúy Phương - mẹ thí sinh N (được nâng 8,2 điểm cho 2 môn) khẳng định: “Gia đình tôi không có nhu cầu chạy điểm, mua điểm, không nhờ xem điểm”.

Bà Phương nói: “Con tôi, cháu bị nâng điểm... Tôi rất bức xúc khi bị kỷ luật Đảng, chính quyền, công đoàn khi chưa có bản án... Tôi đề nghị các cơ quan thu thập chứng cứ và sớm trả lại danh dự cho gia đình tôi”. Người phụ nữ cũng đề nghị tòa làm rõ ai là người nâng điểm cho con mình, nâng “nhầm” hay vì mục đích gì?

Cũng tại tòa, các bà Trần Thị Liên - mẹ thí sinh G và Hà Thị Thúy Liễu - mẹ thí sinh Đ cho biết không nhờ bị cáo Hồ Chúc - giáo viên Trường THPT Thanh Hà giúp con mình vượt qua kỳ thi như cơ quan truy tố xác định. Theo cáo trạng, các bà Liên, Liễu xin Chúc giúp đỡ và Chúc nói lại với Đỗ Mạnh Tuấn. Kết quả, thí sinh G được nâng 14,95 điểm trong 5 môn; thí sinh Đ được nâng 18,8 điểm trong 5 môn và cả 2 em sử dụng kết quả này vào đại học. Khi có điểm, các bà Liên, Liễu đưa 300 triệu đồng cho Chúc để bị cáo này “cảm ơn” Mạnh Tuấn.

Tại tòa, Hồ Chúc khai phạm tội như trên nhưng phụ huynh Trần Thị Liên phủ nhận, nói: “Tôi không nhờ nâng điểm. Tôi tin tưởng con tôi làm bài được, đi thi về cháu cũng bảo làm bài tốt. Tôi không đưa tiền cho Hồ Chúc”. Thẩm phán ngắt lời, nói: “Thực tế Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp nâng 14,95 điểm, không phải con chị làm được bài”.

Bà Liên trình bày: “Tôi không nhờ anh Chúc việc gì. Anh ấy là bạn chồng tôi. Sau khi cơ quan công an điều tra đưa về, tôi mới biết con tôi được nâng điểm. Tôi khẳng định không có việc đến nhà Chúc chuyển tiền cảm ơn”. Tương tự, phụ huynh Hà Thị Thúy Liễu trình bày không nhờ nâng điểm, không đưa tiền “cảm ơn”.

Vị thẩm phán nói gay gắt: “Không có lời nào với các chị nữa, các chị về chỗ đi”.

Thẩm phán nhận xét: “Trong vụ án, mất đi lớn nhất là niềm tin của phụ huynh, học sinh. Chúng tôi rất đau lòng khi các bị cáo nhận thức giản đơn, cả nể; vì quan hệ, vì thành tích của trường, của ngành, của từng gia đình để phạm tội. Đặc biệt, bị cáo Hồng là hiệu trưởng trường chuyên, nơi đào tạo con em ưu tú của tỉnh. Hằng ngày, bị cáo chỉ đạo thầy cô giảng dạy các em về đạo đức, tính trung thực nhưng lại làm mất cơ hội của các em. Chênh nhau 0,25 điểm, cơ hội vào đại học đã khác nhưng thí sinh G được nâng đến 14,95 điểm”.

Lê Dương - Xuân Ân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/xet-xu-vu-gian-lan-thi-o-hoa-binh-con-toi-bi-nang-diem-mong-dieu-tra-lam-ro-1657414.tpo