'Xiếc là sản phẩm rất tốt để phục vụ khách du lịch'

NSND Tạ Duy Ánh hiện là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, có ông nội là NSND Tạ Duy Hiển - người được coi là 'ông Tổ' của ngành Xiếc Việt Nam; có bố là NSƯT Tạ Duy Hùng - một nghệ sĩ xiếc thú kỳ cựu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Trong những chuyến biểu diễn phục vụ các địa phương, NSND Tạ Duy Ánh và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đặc biệt quan tâm đến Quảng Ninh. Tại Gala Xiếc ba miền năm 2020 vừa diễn ra, NSND Tạ Duy Ánh là chỉ đạo nghệ thuật của chương trình. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông.

NSND Tạ Duy Ánh.

NSND Tạ Duy Ánh.

-Thưa nghệ sĩ! Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình về những lần biểu diễn ở Quảng Ninh?

+Thú thực là tôi không thể kể hết được. Từ xưa đến nay, tỉnh Quảng Ninh và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ trong rất nhiều chương trình sự kiện lớn nhỏ của tỉnh. Các chương trình carnaval Hạ Long trước đây gần như lần nào chúng tôi cũng được mời tham gia.

Tôi còn nhớ khi Tuần Châu khánh thành sân khấu nhạc nước, chúng tôi được mời xuống để biểu diễn tiết mục huyền thoại Hạ Long. Ý tưởng mà chúng tôi phải thể hiện một con rồng bay từ trên cao hạ xuống mặt nước để giao hòa với một con rồng đang ở dưới mặt nước. Một diễn viên của chúng tôi hóa trang thành hình tượng rồng ở trên cao hạ xuống.

Anh biết đấy, vào thời điểm đó điều kiện rất khó khăn máy phát điện không sẵn như bây giờ. Thời gian lại gấp rút. Vì thế chúng tôi rất lo lắng nếu sự cố mất điện đột ngột xảy ra thì sẽ gây nguy hiểm cho diễn viên. Chúng tôi không thể sử dụng động cơ điện được mà phải thiết kế quay tay để rồng hạ dần xuống. Anh hình dung xem, chúng tôi phải quay tay như các cụ xay lúa vậy. Quay cáp nhả ra từ từ và rồng hạ xuống. Vất vả một chút nhưng thành công và luôn đảm bảo an toàn cho diễn viên của mình.

NSND Tạ Duy Ánh và đạo diễn chương trình- NSND Tống Toàn Thắng.

-Trong những lần biểu diễn đó, ông đánh giá thế nào về sự đón nhận của khán giả Quảng Ninh đối với nghệ thuật xiếc?

+Khán giả Quảng Ninh đón nhận chúng tôi vô cùng nồng nhiệt. Tôi còn nhớ những lần chúng tôi đi biểu diễn ở các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, vào dịp cuối năm trời rét như cắt da cắt thịt nhưng bà con đến xem diễn rất đông.

Thương diễn viên rét, họ đã đi lấy củi để đốt lại thành 2 đống lửa to hai bên sân khấu lấy hơi ấm cho chúng tôi diễn tốt hơn.

Trong khi đó chúng tôi nhìn xuống thấy những đứa trẻ quần áo phong phanh say mê xem diễn. Chúng đã ra từ chiều tối xếp hàng giữ chỗ để chờ đón xem xiếc. Càng về đêm trời miền núi càng lạnh.

Nhìn thấy khán giả như vậy thương ơi là thương. Những lúc như thế chúng tôi quên tất cả mọi thứ, kể cả thù lao, kể cả chuyện mưu sinh để tự nhủ rằng mình phải diễn xuất tốt hơn nữa để phục vụ khán giả vùng cao của Quảng Ninh. Và chúng tôi đã lên tận những chốt trạm biên giới để diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ.

Bây giờ, điều kiện đã tốt hơn nhiều nhưng người Quảng Ninh cũng rất mê xiếc. Sau Liên hoan xiếc thế giới 2019 tại Hạ Long, khán giả lại càng quan tâm đến xiếc nhiều hơn. Ngày khai mạc Gala Xiếc ba miền năm 2020, đã đông khán giả lắm rồi nhưng đến mấy đêm sau tôi phải dùng từ là đông khủng khiếp.

Khán giả đông đến nỗi người vào sau muốn ngồi không có chỗ ngồi, đứng không có chỗ mà đứng nữa. Rồi đến cuộc diễu hành tại đường bao biển Bãi Cháy, khán giả và du khách hào hứng hòa vào cùng đoàn chúng tôi rất đông.

NSND Tạ Duy Ánh và các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trên Vịnh Hạ Long.

Tôi nhận ra, xiếc đã dần thành một thương hiệu ở mảnh đất Hạ Long. Chúng tôi nghĩ phải có những sân khấu mấy chục nghìn người may ra mới phục vụ đủ khán giả. Để đáp lại tình cảm đó, chúng tôi sẽ tiếp tục làm những cuộc nữa ở Quảng Ninh. Hiện tại, chúng tôi đang có vở "Cướp biển" liên tục biểu diễn ở Hà Nội. Có thể tới đây chúng tôi sẽ mang vở diễn này xuống Quảng Ninh.

Chúng tôi đã gây hiệu ứng gây tiếng vang ở Quảng Ninh để du khách đến đây biết rằng Quảng Ninh không làm thì thôi chứ đã làm là phải đàng hoàng.

-Thưa ông, đối với vùng đất giàu tiềm năng du lịch như Quảng Ninh, xiếc có vai trò như thế nào trong vai trò là cây cầu để chuyển tải văn hóa?

+Ngày trước từ Hà Nội xuống Quảng Ninh mất 4-5 tiếng, giờ chỉ 2 tiếng thôi. Trước đây, chúng tôi mang voi, mang trăn xuống là khó khăn lắm nhưng bây giờ thì quá đơn giản. Quảng Ninh là tỉnh làm cho chúng tôi rất bất ngờ, bất ngờ ở tầm tư duy nhìn xa trông rộng của lãnh đạo tỉnh. Nhờ thế tỉnh nhà đang phát triển từng ngày từng giờ.

Chúng tôi tham gia diễn xiếc ở khắp mọi nơi nhưng đối với Quảng Ninh thì chúng tôi luôn luôn dành cho một tình cảm hết sức đặc biệt. Với bất kỳ sự kiện gì mà hễ Quảng Ninh đặt vấn đề là chúng tôi luôn sẵn sàng. Kể từ khi khánh thành Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật đến giờ chúng tôi luôn đem văn hóa nghệ thuật xuống phục vụ bà con.

Xiếc là sản phẩm rất tốt để phục vụ khách du lịch. Ngôn ngữ xiếc là ngôn ngữ quốc tế. Không cần phải nói ra chỉ cần diễn hình thể thôi du khách nước nào cũng hiểu được. Xiếc không chỉ là xiếc, xiếc còn chuyển tải văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Xiếc đưa được văn hóa quảng bá ra với bạn bè quốc tế. Rồi chính nghệ sĩ quốc tế đến với Hạ Long đều là sứ giả văn hóa, sứ giả du lịch cho miền đất này.

Đoàn nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thăm Vịnh Hạ Long.

-Ngoài chuyện khán giả yêu xiếc, du lịch cần xiếc thì còn điều gì nữa làm ông tin tưởng rằng Quảng Ninh là mảnh đất hợp với xiếc?

+Tôi phải nói ngay rằng bây giờ chả cần phải tìm hiểu phải "dò mìn" nữa mới nhận ra điều đó. Chúng tôi đã làm qua 2 năm qua và đó là minh chứng rõ nét nhất. Đặc biệt là Liên hoan Xiếc thế giới mời được 29 nước đến tham gia, giám khảo xiếc quốc tế đến 7 người. Trong quá trình chuẩn bị có 2 tháng mà làm được một liên hoan như thế là hoành tráng lắm chứ. Chúng tôi đi thi quốc tế nhiều mới biết rằng không dễ gì trong 2 tháng mà làm được một cuộc như vậy.

Hay như gala vừa qua nếu làm ở Hà Nội như mọi khi thì không nói nhưng lần này lại làm ở Quảng Ninh ngay sau mùa dịch Covid-19, kích cầu du lịch. Chúng tôi tự hào rằng mình đã đóng góp được một việc rất có ý nghĩa trong việc cùng với Quảng Ninh vượt qua bão Covid, khởi động lại mọi thứ tốt đẹp hơn.

Với Quảng Ninh thì du lịch là thế mạnh nhưng thế mạnh mà hiếm nơi nào có được. Bây giờ là kích cầu du lịch và hướng đến dòng khách nội địa. Rồi tới đây khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trên thế giới dòng khách quốc tế sẽ vào.

Biểu diễn tiết mục "Đu Quan họ" tại đường bao biển Bãi Cháy (TP Hạ Long).

Bây giờ, chúng ta làm xiếc ba miền dẫn dắt du khách đi khắp các vùng đất Bắc - Trung - Nam, rồi đây sẽ lại làm xiếc thế giới. Tôi cho rằng, đó là hướng đi rất đúng đắn. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Mỗi công dân nói chung, mỗi nghệ sĩ nói riêng làm được điều gì đó đóng góp cho đất nước trong việc kích cầu du lịch thì đều phải cố gắng. Riêng chúng tôi việc có mặt tại Quảng Ninh biểu diễn phục vụ du khách trong những ngày này cũng là một sự đóng góp như thế. Vẫn biết, dù vất vả nhưng chúng tôi đều hào hứng được biểu diễn trở lại.

-Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/xiec-la-san-pham-rat-tot-de-phuc-vu-khach-du-lich-2486747/