Xiếc Việt chuyển mình để tiếp cận khán giả

Tung ra hàng chục chương trình biểu diễn mới trong năm, sẵn sàng dàn dựng những sản phẩm xiếc chuyên đề theo đơn đặt hàng của từng đơn vị, tiếp thu góp ý từ khách hàng để điều chỉnh theo hướng hoàn thiện hơn..., đó là hàng loạt nỗ lực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi cố gắng chuyển mình để chinh phục ngày càng nhiều đối tượng công chúng.

Hai nghệ sĩ Chu Hồng Thúy và Phạm Thị Hướng trình diễn tiết mục “Đu son”.

5 năm trở lại đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam là một trong số ít đơn vị nghệ thuật tiên phong tổ chức hội nghị khách hàng thường niên với sự tham gia của các đối tác chiến lược là các đơn vị tổ chức biểu diễn, công ty du lịch, lữ hành, truyền thông...

Tìm cách đối thoại với khách hàng

Không đợi khách hàng tự tìm đến, Liên đoàn đã chủ động xúc tiến, quảng bá sản phẩm xiếc tới công chúng thông qua xây dựng và giới thiệu cả một kịch mục dày dặn xuyên suốt năm. Đây là động thái rất đáng ghi nhận đối với một đơn vị nghệ thuật công lập, nhất là trong bối cảnh sân khấu đang đối diện thực trạng thưa vắng khán giả.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đây là cách làm đã góp phần thay đổi tư duy cũng như phương thức tổ chức biểu diễn của Liên đoàn theo hướng chuyên nghiệp hơn. Việc công bố kế hoạch biểu diễn của cả năm không chỉ giúp đơn vị nghệ thuật có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hơn trong dàn dựng tiết mục, có sự điều tiết, phân bổ hợp lý hơn trong sắp xếp nhân sự cho những đợt lưu diễn hay dự giải quốc tế, mà còn giúp các đối tác có thể lựa chọn những sản phẩm thích hợp nhất để “chào hàng” khán giả, đưa ra tính toán để đặt vé, đặt suất diễn...

Thông qua hội nghị khách hàng, chúng tôi muốn tạo ra những “cánh tay nối dài” để tiếp cận sâu hơn với đối tác, từ đó đa dạng hóa hình thức đầu tư cho nghệ thuật, tạo sự cộng hưởng sức mạnh nhằm hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm xiếc, nhằm giữ chân được những nghệ sĩ xiếc tài năng, góp phần phát triển nghệ thuật xiếc bền vững.

Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng

Khẳng định tầm quan trọng của việc cần năng động hơn trong tiếp cận công chúng hiện đại, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay: Trước đây, nghệ sĩ chỉ biết diễn mà ít biết quảng bá, tiếp cận khách hàng, cho nên thường “ép” khách hàng xem những gì mình có. Nhưng giờ đã khác, trong cơ chế thị trường, cần lắng nghe những phản hồi cần thiết từ khách hàng mới có thể tiêu thụ những “hàng hóa đặc biệt” là sản phẩm nghệ thuật.

Và các hội nghị khách hàng chính là cơ hội quý báu để đơn vị nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ đón nhận những ý kiến đóng góp của khách hàng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm, chuyên nghiệp hóa hơn trong cung cấp các dịch vụ liên quan, đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Không ngừng sáng tạo

Nhờ sự tích cực, năng động trong đa dạng hóa nguồn khách, năm 2023, vượt qua những khó khăn sau tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đại thắng khi vượt mức 150% số buổi biểu diễn, đạt 200% về doanh thu. Tiếp nối đà bứt tốc này, tại Hội nghị khách hàng năm 2024 vừa diễn ra, Liên đoàn đã trình làng hơn 20 chương trình xiếc đặc sắc sẽ diễn ra từ nay đến hết năm.

Các chương trình đều được đầu tư làm mới theo hướng chuyên nghiệp hơn về cả quy mô và chất lượng nội dung, nghệ thuật. Trong đó, có những chương trình được tổ chức thường niên góp phần khẳng định thương hiệu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, như “Những cánh hồng bay-Công chúa xiếc Việt Nam” tôn vinh những nữ nghệ sĩ xiếc nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, với sự góp mặt của những nữ nghệ sĩ xiếc xuất sắc đến từ Liên đoàn Xiếc và các đơn vị khách mời: Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội; hay chương trình “Đi cùng năm tháng” đã bước sang năm thứ 6 tổ chức, mang đến nhiều tiết mục ấn tượng, cảm động trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Đáng chú ý, hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Liên đoàn sẽ mang đến chương trình “Sống mãi với Điện Biên” diễn ra trong tháng 5, tái hiện lại chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bằng ngôn ngữ xiếc, với sự tham gia giao lưu của những anh hùng lực lượng vũ trang, nhân chứng lịch sử.

Cùng với đó là hàng loạt chương trình gắn với những ngày lễ, Tết như: Chương trình Tết thiếu nhi; Gala Xiếc thú 2024 chào mừng Quốc khánh 2/9; Vui Tết Trung thu; “Những ước mơ xanh” kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam; Vui Noel và chào đón năm mới... Đáng chú ý, có nhiều chương trình mang thông điệp nhân văn, thể hiện trách nhiệm công dân của những nghệ sĩ xiếc cũng được Liên đoàn chú trọng thực hiện, như các buổi diễn trong Tháng hành động vì trẻ em; “Nối vòng tay nhân ái” gây dựng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ xiếc hoàn cảnh khó khăn...

Phát huy lợi thế của xiếc với khả năng có thể “sánh đôi” cùng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác, trong năm 2024, Liên đoàn sẽ tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm xiếc “khoe” được vẻ đẹp của nhiều loại hình, như “Xiếc & Rock” kết hợp cùng ban nhạc Ngũ Cung chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam; các chương trình kết hợp Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Cải lương Việt Nam; dự án kết hợp với đối tác từ Nhật Bản đưa hình tượng Ninja lên sân khấu bằng sự hợp lực của xiếc và ảo thuật...

Ngoài những chương trình thực hiện theo đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn có nhiều chương trình được Liên đoàn tổ chức theo hình thức xã hội hóa, cùng nhiều chương trình phối hợp khai thác biểu diễn bên ngoài Rạp xiếc Trung ương, như vở diễn “Tấm Cám - bống bống bang bang”, “Câu chuyện nàng tiên cá”... Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn cũng sẵn sàng dựng tác phẩm mới theo đặt hàng riêng của từng đơn vị; hoặc điều chỉnh về mặt thời lượng, nội dung tác phẩm để phù hợp nhu cầu, điều kiện du khách; cũng như sẽ có những ưu đãi đối với những hợp đồng biểu diễn, các tour du lịch đưa du khách đến với rạp xiếc...

Tại Hội nghị khách hàng của Liên đoàn, nhiều người ngạc nhiên vì có sự xuất hiện của cả những đơn vị tưởng chừng không liên quan như các công ty sản xuất gốm, công ty giáo dục... Chỉ khi hiểu được những “tính toán” sâu xa của lãnh đạo Liên đoàn trong tạo ra sợi dây kết nối để hoàn thiện hơn những sản phẩm xiếc mang ý nghĩa giáo dục, tạo ra những mặt hàng lưu niệm truyền thống có dấu ấn nghệ thuật của xiếc Việt, mới thật sự thấy những nỗ lực chuyển mình của một đơn vị vẫn đang giữ vững vị thế là “cánh chim đầu đàn” của ngành xiếc.

Không ngừng phá cách để sáng tạo, mang đến hứng khởi cho khán giả khi thưởng thức tác phẩm, chịu khó tiếp thị sản phẩm tới khách hàng qua nhiều kênh khác nhau, đây chính là “chìa khóa” để Liên đoàn Xiếc Việt Nam chinh phục công chúng hiện đại trong nước và quốc tế, đóng góp cho sự phát triển công nghiệp văn hóa đất nước.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xiec-viet-chuyen-minh-de-tiep-can-khan-gia-post799455.html