Xin 460 tỷ ngân sách dỡ BOT: Lời ăn, lỗ không chịu?

Lời ăn lỗ chịu, đó là nguyên tắc trong kinh tế thị trường mà doanh nghiệp phải chấp nhận.

UBND tỉnh Thái Bình vừa có kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ trạm thu phí BOT Thanh Nê (huyện Kiến Xương) thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường QL39B với lý do doanh thu thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính, dẫn đến không thể hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, dự án BOT đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp quốc lộ 39B có tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng.

Dự án được đưa vào khai thác từ 1/1/2017, thời gian thu phí hoàn vốn là 18 năm. Trong dự án này, UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Doanh thu bình quân của dự án là 130 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, sau khi hiện miễn, giảm giá cho các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải, doanh thu chỉ còn 40 triệu đồng/ngày, tương đương 14,6 tỷ đồng/năm.

Theo chủ đầu tư, doanh thu này thấp hơn rất nhiều so với doanh thu theo phương án tài chính trong hợp đồng đã ký là 55,6 tỷ đồng/ năm. Với tình hình trên, dự án khó có thể hoàn được vốn.

Vì thế, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng bố trí ngân sách trung ương 460 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh thanh toán 1 lần cho nhà đầu tư nhằm dỡ bỏ trạm BOT nói trên.

Trong trường hợp không bố trí ngân sách Trung ương, địa phương này đề nghị cho phép Công ty Cổ phần Tasco kéo dài thời gian thu phí đường bộ tại trạm thu phí Tân Đệ với thời gian khoảng gần 2 năm để hoàn trả kinh phí cho nhà đầu tư.

Tỉnh Thái Bình kiến nghị xóa bỏ trạm thu phí BOT Thanh Nê, huyện Kiến Xương vì nguy cơ nhà đầu tư vỡ phương án tài chính. (Ảnh: Người dân phản đối trạm thu phí BOT Thanh Nê hồi đầu năm 2017).

Bình luận về đề xuất nói trên của UBND tỉnh Thái Bình, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP Hà Nội thẳng thắn cho rằng, đề xuất trên là không thể chấp nhận được.

"Ai quyết định đầu tư thì người bỏ tiền ra mà đền. Đó là việc giữa người quyết định đầu tư với nhà đầu tư, là do hai bên nghiên cứu phương án không đầy đủ nên giờ lỗ thì hai bên tự thỏa thuận với nhau, Nhà nước không bỏ tiền ra và người dân không chịu gánh khoản này", ông Bùi Danh Liên nói.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô TP Hà Nội nhắc lại nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu" và khẳng định:

"Trong kinh tế thị trường, ai làm sai thì người đó chịu. Ở đây là do anh đầu tư không đúng hướng, tính toán không đầy đủ nên bây giờ lỗ thì phải chịu, đừng bắt Nhà nước chịu trách nhiệm về khoản lỗ của anh.

Nhà nước chỉ bỏ tiền ra khi dự án đó do Nhà nước làm và nếu sai thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm".

Ông Liên cho rằng, đây là bài học cho các nhà đầu tư BOT hiện nay để họ cẩn trọng hơn khi thực hiện dự án.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT cho rằng, đây mới chỉ là đề xuất của UBND tỉnh Thái Bình, còn việc Nhà nước chấp nhận hỗ trợ 460 tỷ đồng cho tỉnh này để dỡ bỏ trạm BOT hay không còn tùy thuộc vào hợp đồng BOT mà Nhà nước ký với nhà đầu tư.

"Phải xem lại hợp đồng BOT giữa cơ quan đại diện Nhà nước có thẩm quyền, trực tiếp là UBND tỉnh hay Bộ GTVT, thỏa thuận như thế nào thì làm đúng như thế và làm hết trách nhiệm của mình.

Nếu trong hợp đồng BOT không có điều khoản Nhà nước đảm bảo nguồn thu thì nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu, không kêu ai được và đề nghị của phía tỉnh Thái Bình vẫn chỉ là đề nghị mà thôi, Nhà nước không có cách nào xem xét đề nghị đó được.

Ngược lại, nếu trong hợp đồng có điều khoản đảm bảo nguồn thu cho nhà đầu tư thì khi nguồn thu không đạt yêu cầu, ngân sách Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ", PGS.TS Nguyễn Quang Toản chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, thông thường, khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư đã phải tính toán làm đường đó thu phí bao nhiêu, như thế nào để có lãi nhất định, nhưng trong quá trình làm dự án, nhà đầu tư cũng không thể tính được hết các khả năng, đồng thời việc dự báo chính xác lưu lượng xe qua lại tuyến đường đó rất khó khăn.

Chưa kể giá vé có thể được điều chỉnh theo các tuyến trên toàn quốc, chứ không tùy thuộc vào một dự án.

Dù vậy, ông nhấn mạnh, trong bất kỳ trường hợp nào, khi Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để hỗ trợ dỡ bỏ trạm BOT hay mua lại dự án BOT theo đề xuất của chủ đầu tư nhiều dự án trong thời gian qua, cũng sẽ là một tiền lệ rất xấu.

"Như vậy, các dự án cứ thực hiện, nếu nhà đầu tư có lãi thì được, còn lỗ Nhà nước phải chịu thì rất nguy hiểm.Và cũng vì thế, số lượng nhà đầu tư nhảy vào làm BOT rất đông. Nếu lời ăn lỗ chịu thì tôi tin rằng sẽ chẳng mấy nhà đầu tư tham gia", PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói.

Ông lưu ý rằng, có nhiều dự án được Nhà nước đảm bảo nguồn thu và đó là một cách để hấp dẫn các nhà đầu tư, giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhưng Nhà nước thiếu vốn mới dùng đến BOT, nếu dự án nào hễ khó khăn là nhà đầu tư lại đòi dùng ngân sách Nhà nước để mua lại hay hỗ trợ thì đã không cần đến BOT. Và nếu chấp nhận đề xuất thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chi ra một khoản rất lớn.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xin-460-ty-ngan-sach-do-bot-loi-an-lo-khong-chiu-3354942/