Xin cơ chế đặc thù bán Bột giấy Phương Nam: Nhớ Vinalines

Phải lập hội đồng kỹ thuật đánh giá lại hiện trạng máy móc, dây chuyền thiết bị, từ đó xác định phương hướng xử lý nhà máy.

Sau 3 lần rao bán không ai mua, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đề xuất cơ chế đặc thù để bán đấu giá dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Theo đề xuất này, nếu đấu giá nhà máy không thành công thì sẽ giảm 10% cho lần đấu giá tiếp theo, không giới hạn số lần giảm giá cho đến khi khách hàng tham gia đấu giá thành công.

Tiếp tục cho ý kiến về đề xuất này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt câu hỏi, sau 3 lần không ai mua, giờ giảm giá dự án thì giảm xuống bao nhiêu hay giảm về bằng không? Nếu như vậy, chẳng khác nào cho không nhà máy.

Sự việc khiến GS Đào nhớ lại đề xuất bán loạt tàu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trước đây với mức giá quá thấp so với đầu tư ban đầu.

Con tàu gần nhất Vinalines đề xuất bán là Vinalines Sky, vốn được Vinalines mua năm 2007 với mức giá 661 tỷ đồng khi giai đoạn thị trường vận tải biển phát triển mạnh. Đến nay con tàu này nằm trong danh mục thanh lý trong chiến lược tái cơ cấu lại đội tàu của công ty này.

Tàu Vinalines Sky đã trải qua nhiều lần đấu giá công khai với mức giá khởi điểm 93,48 tỷ đồng nhưng không có khách hàng quan tâm.

Sau cùng, Vinalines đã xin điều chỉnh giá khởi điểm tàu Vinalines Sky xuống 89,595 tỷ đồng để không lỗ thêm.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đắp chiếu suốt 15 năm qua

Trở lại với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển gọi kiểu đấu giá như vậy là "đấu giá sắt vụn".

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho Nhà nước, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng trước khi bán đấu giá nhà máy cần có một hội đồng kỹ thuật đủ khả năng thẩm định, đánh giá lại thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ của nhà máy xem hiện trạng như thế nào, xuất xứ ra sao, thiết bị ấy so với thiết kế, dự tính ban đầu có sự chênh lệch thế nào, từ đó mới đưa ra phương án.

"Trên cơ sở đánh giá như vậy phải xác định rõ đấu giá nhà máy để tiếp tục phục hồi, đưa nhà máy đi vào hoạt động hay đấu giá để bán sắt vụn? Nếu phục hồi được thì phải có phương án xây dựng cho rõ ràng, phải đổi mới thiết kế ra sao, tân trang sửa chữa thế nào...

Trường hợp nhà máy không thể phục hồi để đưa vào vận hành được mà phải đấu giá bán sắt vụn thì khi ấy câu chuyện lại khác", GS Đào nói.

Cũng theo vị chuyên gia, cái chết của Nhà máy Bột giấy Phương Nam là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu cây đay, không phù hợp với công nghệ, dây chuyền, máy móc. Dự án rao bán 3 lần không có ai mua đã chứng minh sự "độc nhất vô nhị" của dây chuyền thiết bị nhà máy như thế nào.

Vì lẽ đó, một lần nữa GS Đào nhấn mạnh, phải đánh giá lại đầy đủ, khoa học và có cơ sở dự án này để xem thực trạng của nhà máy ra sao. Khi đã rõ ràng mọi thứ, nhà đầu tư mới dám bỏ tiền ra mua. Cũng từ sự đánh giá mà rút ra được kinh nghiệm cho tất cả các dự án khác.

"Ngay cả trường hợp xác định đấu giá sắt vụn nhà máy cũng cần phải xác định rõ giá trị của đất đai, tài sản trên đất như nhà xưởng, máy móc... Đặc biệt, có khi chính đất của nhà máy cũng tạo ra tiền.

Đối với máy móc cần phân loại rõ: loại nào dùng được vào việc gì thì bán, nếu loại đặc thù quá, không biết để làm gì thì bán sắt vụn", GS.TS Đặng Đình Đào nhận xét.

Đáng lưu ý, ông cho rằng cần xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, người vận hành khai thác, người đã thay đổi thiết kế, chủng loại máy móc một cách tùy tiện...

"Nhà nước đã đổ 3.000 tỷ đồng vào nhà máy nhưng suốt 15 năm dự án vẫn đắp chiếu. Phải tìm ra người chịu trách nhiệm về việc này. Phải làm cho rõ, nghiêm khắc đánh giá để tránh lặp lại vết xe đổ của dự án này", GS Đào nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xin-co-che-dac-thu-ban-bot-giay-phuong-nam-nho-vinalines-3361930/