Xin gạo cứu đói cứ xin, làm bánh 3 tấn cứ làm

Câu chuyện chiếc bánh dày kỷ lục 3 tấn 'dâng vua Hùng' có vẻ đã tới hồi kết khi đích thân Chủ tịch Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã cương quyết lắc đầu: 'TP Sầm Sơn vẫn sẽ thực hiện Lễ hội Bánh chưng - Bánh dày truyền thống như hàng năm chứ không được làm gì đột biến'.

Năm ngoái (2017) TP. Sầm Sơn đã làm bánh dày kỷ lục hơn 2 tấn trong lễ hội bánh dày thần Độc Cước. Năm nay nâng lên hơn 3 tấn.

Đang nhiên đang lành thì lại bày đặt bánh dày kỷ lục. Lại còn văn bản đề xuất. Lại ký tên triện dấu chính quyền cho một lễ vật khổng lồ mà thực ra là cho thói đua đòi, hư danh.

Đến nỗi, chính Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phải lên tiếng rằng “đề xuất bánh dày” của Sầm Sơn vừa mang nặng tính hình thức, vừa gây lãng phí, vừa không cần thiết, vừa gây dư luận không tốt.

Dân la là phải thôi. Bởi nó không chỉ quá hình thức mà còn quá đỗi phản cảm.

Phản cảm ở chỗ Thanh Hóa đang đề xuất cấp hỗ trợ 677,67 tấn gạo dịp giáp hạt 2018. Mấy năm trở lại đây, xứ Thanh đều có văn bản gửi Trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán. Năm 2014, tỉnh đề nghị hỗ trợ khoảng 500 tấn, năm 2015 tăng lên thành 934 tấn. Dịp Tết Nguyên đán 2017, tỉnh xin 650 tấn cứu đói cho hơn 43.000 nhân khẩu với mức hỗ trợ 15 kg mỗi người. Có những huyện ven biển như Hoằng Hóa, Tĩnh Gia xin tới hàng trăm tấn gạo cứu đói.

Phản cảm ở chi tiết chính quyền nhảy vào việc của dân gian. Và phản cảm cả ở con số 3 tấn gạo nếp cho một chiếc bánh có lẽ là kỷ lục về sự thù lù.

Nhưng hơn cả, câu chuyện chiếc bánh kỷ lục đang phản ánh tầm mức văn hóa cũng như ý thức về bổn phận và nghĩa vụ của chính quyền.

Thanh Hóa còn nghèo. Tổng thu ngân sách năm 2015 và 2016 của Thanh Hóa lần lượt là gần 11.000 tỷ đồng và 11.300 tỷ đồng. Nhưng chi thường xuyên trong 2 năm của tỉnh đều trên 20.000 tỷ đồng. Việc của chính quyền từ tỉnh, từ huyện là làm thế nào để phát triển kinh tế, là có thu đủ chi để không phải giật gấu vá vai, là để dân được no ấm chứ không phải miệt mài đắc ý hứng chỉ với những bánh dày bé bánh giày to, với những kỷ lục vô thưởng vô phạt chỉ có tác dụng làm trò cười thiên hạ.

Câu chuyện “chiếc bánh kỷ lục” hôm nay đã chấm dứt, nhưng có lẽ, nên coi nó như một tiền lệ để từ nay những kỷ lục, những khổng lồ những hình thức, những hư danh phải chấm dứt không chỉ trong những lễ hội.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/xin-gao-cuu-doi-cu-xin-lam-banh-3-tan-cu-lam-593122.ldo