Xin huyện Lý Sơn vào diện đặc biệt khó khăn: Nghịch lý?

Lý Sơn đóng góp 25% tổng doanh thu du lịch của tỉnh nhưng người dân vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, bổ sung huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021-2025. Kiến nghị trên khiến nhiều chuyên gia hết sức băn khoăn, bởi lẽ, huyện đảo Lý Sơn là nơi có thế mạnh về phát triển du lịch.

Du lịch Lý Sơn phát triển nhưng người dân vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn

Du lịch Lý Sơn phát triển nhưng người dân vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn

Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2019, Quảng Ngãi thu hút hơn 3,6 triệu lượt du khách, đạt 116% so với chỉ tiêu nghị quyết, trong đó khách quốc tế đạt 315.000 lượt, đạt 116% so với chỉ tiêu. Doanh thu du lịch giai đoạn 2016 - 2019 đạt 3.400 tỷ đồng, năm 2020 đạt 504 tỷ đồng. Riêng Lý Sơn đóng góp khoảng 25% trong tổng lượt khách cũng như tổng doanh thu du lịch của tỉnh.

Vậy vì đâu một địa phương có tiềm năng, thế mạnh là du lịch hàng năm thu về hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng người dân vẫn nghèo, khó?

Lý giải từ góc độ quản lý, PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho biết, nghịch lý trên với ngành du lịch Việt Nam không phải chỉ xảy ra với riêng huyện đảo Lý Sơn, mà là thực trạng chung với các địa phương du lịch trên cả nước.

Theo ông Lương, sống trên đất du lịch nhưng người dân lại không giàu được nhờ du lịch đó là do chính sách phát triển du lịch chưa công bằng.

Địa phương nào cũng muốn khai thác tối đa lợi thế từ những tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên nhưng lại không ai nghĩ tới câu chuyện phải bảo tồn, phát triển nó. Đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa được quan tâm và điều chỉnh đúng mức.

Bài học Lý Sơn hôm nay đang vấp phải chính là bài toán thu nhập từ du lịch. Rõ ràng thu nhập rất cao, tiềm năng khai thác tốt nhưng lợi ích đó lại không phục vụ cho sự phát triển của Lý Sơn, cộng đồng người dân Lý Sơn không được hưởng lợi.

"Ở đây có vấn đề trong điều phối nguồn thu từ du lịch, trong đó có phần hoàn lại để phục vụ công tác bảo tồn, phát triển các tiềm năng lại rất hạn chế. Phần này bao gồm cả nguồn phục vụ cho chính cộng đồng sinh sống tại khu du lịch để họ cùng chung tay bảo tồn và phát triển những tiềm năng thiên nhiên vốn có.

Một điểm rất đáng quan ngại khác, đó là việc giao cho các nhà đầu tư khai thác, phát triển du lịch địa phương, địa phương chỉ là cơ quan quản lý, thu tiền thuế. Chính từ điểm này mà lợi ích giữa các bên đã khó cân đo.

Doanh nghiệp đứng trên vai trò của nhà đầu tư, họ chỉ biết khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng để mang về cho mình nguồn lợi lớn nhất. Ngân sách địa phương tăng thêm được một ít thì xem đó là thành công.

Ví dụ, Lý Sơn có tỏi dân phải trồng, vậy thì chính sách cho người dân là như thế nào? Lâu nay vấn đề này chưa có cơ chế, chính sách thật sự rõ ràng nên mới có chuyện tiền du lịch thu nhiều nhưng người dân vẫn khổ.

Đây chính là điểm bất bình đẳng nghiêm trọng trong phát triển du lịch nói chung, không chỉ tại Việt Nam", vị chuyên gia phân tích.

Nhắc lại câu chuyện từng xảy ra tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, doanh nghiệp chặn lối đi, không cho dân ra tắm biển, khiến người dân phản ứng, lúc đó địa phương mới giật mình nhìn lại, hay thực trạng của Sa Pa hiện nay, ông Lương cảnh báo với Lý Sơn nếu không có tính toán phù hợp thì cuối cùng du khách cũng sớm từ bỏ Lý Sơn.

"Bài học Sa Pa chính là bài toán điển hình cho việc phát triển du lịch mà chỉ hướng tới lợi ích của doanh nghiệp.

Nếu chỉ chăm chăm vào xây khách sạn, nhà hàng để phát triển dịch vụ, ăn uống, nghỉ dưỡng nhưng lại không quan tâm tới bảo tồn, phát huy những thế mạnh tự nhiên vốn có thì Sa Pa cuối cùng cũng giống như bao địa danh khác, không còn gì đặc trưng, độc đáo.

Tài nguyên bị gặm nhấm, không phát huy được văn hóa địa phương, du khách không muốn quay lại Sa Pa, trong khi người dân mất dần các dịch vụ đưa dẫn, mất đi các nguồn thu, đời sống ngày càng nghèo khó.

Cuối cùng, cái Sa Pa đang chứng kiến là tình trạng xung đột giữa cộng đồng người dân địa phương với doanh nghiệp, người dân bức xúc, bất bình, dân tràn ra đường bán hàng rong, chèo kéo, xin tiền du khách... Nếu không có tính toán thấu đáo, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy", ông Lương phân tích.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xin-huyen-ly-son-vao-dien-dac-biet-kho-khan-nghich-ly-3439257/