Xô-ma-li: “Bão” lớn tràn bờ

(HNM) - Đó là tình trạng gia tăng bạo lực do phiến quân Hồi giáo cực đoan gây ra buộc nội các Xô-ma-li, ngày 21-6, phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Quốc hội nước này cầu viện các nước láng giềng triển khai quân đội giúp chính quyền của Tổng thống Sa-ríp A-mét ổn định tình hình.

Thực ra, tình trạng khẩn cấp vừa được ban bố chỉ là "giọt nước tràn li" vì từ lâu, chính quyền Xô-ma-li chỉ kiểm soát được thủ đô Mô-ga-đi-xu và một phần lãnh thổ. Còn lại, phần lớn vùng đất miền Nam nước này đã do lực lượng Hồi giáo cực đoan thao túng. "Cơn bão" đã tràn bờ và ngày càng tàn phá dữ dội với những chiến dịch tấn công lớn chưa từng thấy của các nhóm vũ trang nhất là khi chính phủ chuyển tiếp của Tổng thống S.A-mét ra mắt ngày 7-5. Đến nay, sau hơn một tháng giao tranh, khoảng 300 người, trong đó có nhiều dân thường của quốc gia ở bờ biển phía Đông châu Phi này thiệt mạng. 3 quan chức cấp cao bị sát hại, trong đó có cảnh sát trưởng Mô-ga-đi-xu và người đứng đầu cơ quan an ninh Xô-ma-li. Chiến sự cũng buộc hơn 125.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Bộ trưởng thông tin A-li Mô-ha-mút cho biết, Xô-ma-li đang ở trong tình trạng nguy khốn và tình hình nhân đạo đang ở mức xấu nhất… Sự bất ổn tại Xô-ma-li có nhiều lý do. Kể từ khi chế độ của nhà độc tài X.Ba-rê sụp đổ (năm 1991), đất nước Xô-ma-li lâm vào cảnh nội chiến trong suốt 17 năm qua. Từ đất liền đến vùng lãnh hải ở nước này đang rơi vào tình trạng "vô chủ". Trên bờ, phiến quân Hồi giáo cực đoan gia tăng hành động chống phá. Vùng biển, ngư dân, nông dân nghèo cầm súng lao ra biển, coi cướp bóc là phương cách kiếm cơm. Đó chính là mầm mống lây lan và phát triển của nạn hải tặc Xô-ma-li trong Vịnh A-đen. Theo giới chức Xô-ma-li, cướp biển đã đông lên từng ngày với số lượng hiện tại khoảng 1.000 tên. Từ các hoạt động tự phát, chúng phát triển thành những băng cướp có tổ chức chặt chẽ, sử dụng thiết bị định vị toàn cầu, súng trường, súng phóng lựu, tàu cao tốc, điện thoại vệ tinh làm phương tiện với tần suất ngày một dày đặc bất chấp sự hiện diện của tàu chiến các cường quốc như Nga, Mỹ, Pháp… ở khu vực này. Hải tặc Xô-ma-li đã trở thành nỗi kinh hoàng của bất cứ tàu thuyền nào phải di chuyển qua biển Đỏ để vào Địa Trung Hải - Đại Tây Dương, buộc Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun phải kêu gọi các nước cử tàu chiến, máy bay chiến đấu để ngăn chặn cướp biển nhằm bảo vệ đời sống người dân, vì hiện nay, trên 90% lương thực, thực phẩm cứu trợ đến Xô-ma-li phải vận chuyển bằng đường biển. Với "cơn bão” tràn bờ hiện nay ở Xô-ma-li, bạo lực đã và đang bùng phát dữ dội, số người dân Xô-ma-li phải sơ tán đang ngày một tăng. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tại thủ đô Mô-ga-đi-xu vẫn còn khoảng 35.000 người vẫn bị kẹt trong vùng chiến sự. Trong khi đó, thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 2,3 triệu người Xô-ma-li, chiếm gần 1/2 dân số nước này, đang cần lương thực và các khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), Liên minh châu Phi (AU) đã lên án các cuộc giao tranh và kêu gọi các bên chấm dứt thù địch. HĐBA cũng đã thông qua nghị quyết gia hạn hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Xô-ma-li đến ngày 31-1-2010. Các nước Gi-bu-ti, Ê-ti-ô-pi, Kê-ni-a đã áp đặt lệnh cấm vận đường biển và đường không nhằm ngăn chặn hàng viện trợ tới tay phiến quân ở Xô-ma-li. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này xem ra chưa đủ. Hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xô-ma-li rõ ràng cần sự hợp tác quốc tế rộng lớn và hiệu quả hơn. Trung Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/44/211306/