Xóa bỏ định kiến về giới

Nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa đã được triển khai sâu rộng tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, hưởng ứng 'Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới' với chủ đề 'Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em'.

Toàn xã hội cùng chung tay xóa bỏ định kiến về giới.

Triển khai sâu rộng

Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận tại TP Uông Bí, công tác phòng, chống và triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn được thực hiện rất nghiêm túc, kịp thời. Những năm qua, việc thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả rõ rệt, như: Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chiếm 16,3%; tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ Thành ủy chiếm 7,1%; nữ đại biểu HĐND thành phố chiếm 20%, lãnh đạo các phòng, ban, ngành thành phố là nữ chiếm 50%; nữ lãnh đạo các trường học trên 90%. Bên cạnh đó, khoảng cách về giới trong lĩnh vực đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động, việc làm, phát triển kinh tế ngày càng được rút ngắn. Từ năm 2011 đến nay, nữ lao động nông thôn được đào tạo nghề chiếm 65%. Hằng năm, thành phố giải quyết việc làm cho trên 4.000 lượt lao động, trong đó lao động nữ chiếm 45%, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên 8,8%...

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Uông Bí, cho biết: “Thực hiện công tác bình đẳng giới, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng zôn, pa nô, áp phích... Đặc biệt, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, thành phố tập trung triển khai sâu rộng các hoạt động văn nghệ cổ động tại các xã, phường trên địa bàn nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bất bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn”.

Xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, thực hiện tuyên truyền bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới dưới hình thức sân khấu hóa.

Cũng như Uông Bí, hiện nay 14/14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tổ chức phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 với các hoạt động văn nghệ, sân khấu hóa, tuyên truyền kiến thức và nhân rộng các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới mang lại nhiều tiến triển rõ rệt từ nhận thức cho tới hành vi.

Trọng tâm, xuyên suốt

Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, 8 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 3 năm thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Theo đó, hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 45% trở lên cho mỗi giới (nam và nữ); lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề chiếm 54,9% trong tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề hằng năm; tỷ lệ doanh nghiệp có nữ làm chủ đạt 24%; trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỷ lệ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ đạt 98,23%; công tác chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ không ngừng được cải thiện; tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh giảm dần qua các năm, hiện tại ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái; phụ nữ được quan tâm đào tạo, phát triển, nữ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng nhanh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND ở các cấp tăng sau mỗi nhiệm kỳ và cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc...

Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới tại phường Phương Đông, TP Uông Bí.

Cùng với đó, công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. 14/14 huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới. Hiện toàn tỉnh có 18 cơ sở công tác xã hội cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới; 223 câu lạc bộ phụ nữ, 394 mô hình địa chỉ tin cậy, 1.572 tổ hòa giải… Qua đó đã góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình trong những năm gần đây, như: Năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 182 vụ bạo lực gia đình, giảm 14 vụ so với năm 2016, số vụ được xử lý năm 2017 đạt 73,6%, tăng 15% so với năm 2016.

Bà Lê Thị Hồng Thái, Trưởng Phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Cùng với việc tích cực triển khai các chương trình, mục tiêu theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Sở LĐ-TB&XH cũng có nhiều hoạt động nhằm tác động trực tiếp đến người lao động là nữ, thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống gia đình, việc làm, thu nhập. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, hầu hết các địa phương đã và đang thực hiện phát động một cách xuyên suốt, bài bản mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, một số địa phương cũng vẫn còn chậm trễ trong việc phát động, triển khai các hoạt động đến người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp và tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ để phụ nữ ngày càng phát huy được vai trò, vị thế của mình trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng”.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201812/huong-ung-thang-hanh-dong-vi-binh-dang-gioi-va-phong-chong-bao-luc-tren-co-so-gioi-xoa-bo-dinh-kien-ve-gioi-2411762/