Xóa bỏ 'rào cản' để người khuyết tật hòa nhập bình đẳng

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 26 nghìn người khuyết tật, chiếm tỷ lệ khoảng 3,1% dân số. Những năm qua, cùng với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người khuyết tật ngày càng nhận được sự tin tưởng, yêu thương, giúp đỡ của cộng đồng. Những hoạt động thiết thực đó đã 'đánh thức' sự tự tin, nghị lực vươn lên hòa nhập bình đẳng với cộng đồng của những người kém may mắn.

Có việc làm, người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng.

Ngoại hình xinh xắn, được gia đình yêu thương, chăm lo chu đáo, Vũ Thị Ngọc, phường Yên Bình (thành phố Tam Điệp) nuôi bao khát vọng về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng Vũ Thị Ngọc lại đón tuổi trăng rằm bằng những tháng ngày dài dặc trong bệnh viện sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đau đớn hơn, sau tai nạn này, Ngọc trở thành người khuyết tật khi phải cưa một chân, cắt bỏ một quả thận. Ngọc không thể theo đuổi tiếp việc tới trường, em quyết định nghỉ học sau nhiều đêm suy nghĩ.

"Nhưng cứ nằm trên giường, ngập trong tiếc nuối, đau khổ cũng không thể làm mình trở lại như xưa được nữa. Muốn "bình thường", thì trước hết phải bình thường từ trong tư tưởng, trong quyết tâm và sự nỗ lực hòa nhập. Nghĩ vậy, tôi quyết định đi làm. Tôi xin vào làm việc trong một công ty may ở gần nhà để tiện việc đi lại. Có khoản thu nhập đầu tiên tôi càng tự tin và ra sức phấn đấu. Mức lương của tôi cao hơn nhiều người khác nhờ tay nghề vững và sự chuyên cần"- chị Vũ Thị Ngọc nhớ lại.

Cũng trong môi trường làm việc ấy, sự tự tin, xinh xắn của Ngọc đã lấy được tình cảm của một thanh niên trẻ, khỏe mạnh quê ở tỉnh Tuyên Quang. Tình yêu đầu đời nảy nở, Ngọc càng có niềm tin vào cuộc sống. Tuy nhiên, chuyện tình yêu của Ngọc gặp phải sự phản đối của hai bên gia đình. Gia đình nhà trai không muốn chấp nhận một con dâu là người khuyết tật, còn gia đình Ngọc, vì lo lắng cho tương lai của con mà cũng băn khoăn, ngăn cản. Nhưng vượt qua thách thức ấy, hai người vẫn nên nghĩa vợ chồng, sinh được hai con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, hiện cháu lớn học lớp 7, cháu nhỏ học lớp 2.

Kể từ khi các con tới trường, chị Ngọc quyết định bỏ nghề thợ may để chuyển hướng sang một lĩnh vực khác. Chị Ngọc cho biết: Thu nhập của một công nhân may cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, mai này có tuổi, việc đi lại sẽ khó khăn hơn thì công việc này cũng sẽ không còn phù hợp nữa. Mặt khác, các con tới trường thì cũng cần sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ thường xuyên của mẹ. Vì vậy, tôi quyết định đi học về làm đẹp để mở một spa nho nhỏ tại nhà. Vừa có thu nhập, vừa vun vén chăm lo được cho gia đình, cho các con. Công việc mới đầu thì còn những khó khăn nhất định, nhưng tôi tin rằng chỉ cần có quyết tâm, thì mọi điều mình mong muốn cũng sẽ trở thành hiện thực.

Chị Vũ Thị Ngọc hướng dẫn con gái học bài.

Câu chuyện về nghị lực vươn lên của chị Vũ Thị Ngọc mang lại nhiều năng lượng tích cực cho những người cùng cảnh ngộ. Chị Phạm Thị Hà, chủ nhiệm CLB nữ khuyết tật tỉnh cho biết: Người khuyết tật, nhất là nữ giới thường mang trong mình sự mặc cảm rất lớn. Sự mặc cảm, thiếu tự tin này chính là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình học tập, lao động, giao lưu, hòa nhập cộng đồng của những người khuyết tật. Hiện nay, với việc thành lập, duy trì hoạt động rất hiệu quả của các nhóm, CLB, Hội Người khuyết tật ở các địa phương… và đặc biệt là việc lan tỏa những tấm gương người khuyết tật có nhiều năng lượng tích cực như chị Vũ Thị Ngọc đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng… để người khuyết tật thêm tự tin và khát vọng vươn lên.

Toàn tỉnh có khoảng 26 nghìn người khuyết tật, chiếm tỷ lệ khoảng 3,1% dân số. Nguyên nhân dẫn đến tàn tật do nhiều nguyên nhân như hậu quả của chiến tranh để lại, tàn tật do bẩm sinh và các loại khác như tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Trong đó, có hai dạng tật chiếm tỷ lệ cao nhất đó là khuyết tật về hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ. Từ nhiều năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người khuyết tật từng bước được thụ hưởng những chính sách ưu đãi, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống … Tuy nhiên, hiện nay đa số người khuyết tật vẫn phải sống dựa vào gia đình, người thân.

Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật tỉnh cho biết:Những năm qua, Hội Người khuyết tật Ninh Bình đã thực hiện cơ bản các chức năng của một tổ chức xã hội, đó là tư vấn, phản biện và giám sát các vấn để liên quan đến người khuyết tật; hỗ trợ cải thiện đời sống, an sinh xã hội và nâng cao vị thế, tăng cường hòa nhập người khuyết tật vào các hoạt động xã hội; đại diện phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cộng đồng người khuyết tật đến các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật…

Hiện Hội Người Khuyết tật tỉnh đã phát triển mạng lưới tổ chức Hội tại 5/8 huyện, thành phố. Ngoài ra, còn thành lập các CLB như: Thanh niên khuyết tật, CLB phụ nữ khuyết tật, CLB người điếc… và 3 Trung tâm hỗ trợ kỹ năng cho người khuyết tật gồm: Trung tâm hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc; Trung tâm hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật và trẻ bại não; Chi nhánh hỗ trợ giáo dục đặc biệt… đã cơ bản đáp ứng với nhu cầu tham gia hoạt động của người khuyết tật. Hàng năm, Hội Người khuyết tật tỉnh đều tổ chức các hội thảo; lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ Hội người khuyết tật các cấp.

Để góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, hàng năm, Hội Người khuyết tật tỉnh và các cấp Hội thành viên đã vận động, phối hợp với địa phương vận động nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ, tặng quà (gồm: tiền mặt, gạo, các vật phẩm khác...) để thăm hỏi người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Tính trong giai đoạn 2017-2022, Hội Người Khuyết tật tỉnh Ninh Bình cùng các Hội thành viên đã phối hợp với các nhà hảo tâm vận động tặng xe lăn, xe lắc, xe quay tay; tặng nẹp, chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ thuốc, điều trị phục hồi chức năng... cho người khuyết tật với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thành lập các đội văn nghệ thường xuyên tham gia giao lưu với các Hội Người khuyết tật trong tỉnh và các tỉnh trên toàn quốc, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật…

Tuy vậy, để có thể chủ động được trong cuộc sống thì người khuyết tật rất cần có việc làm để tự tạo thu nhập. Chỉ khi có việc làm phù hợp, đảm bảo được mức thu nhập ổn định thì họ mới giảm dần sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/xoa-bo-rao-can-de-nguoi-khuyet-tat-hoa-nhap-binh-dang/d20230208213413692.htm