Xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết ở đồng bào người Chứt tại bản Rào Tre

Sau 5 năm triển khai Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), đời sống đồng bào người Chứt đang dần ổn định, các tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết tồn tại lâu đời được xóa bỏ.

Trẻ em người Chứt nay đã có xe đạp đến trường. Ảnh: Minh Lương

Bước sang trang mới

Vượt hàng trăm cây số đường rừng, men theo những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn chúng tôi đặt chân đến bản Rào Tre ở xã Hương Liên (huyện Hương Khê, nơi có đồng bào người Chứt sinh sống). Người Chứt có nguồn gốc từ người Má Liềng, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trong dãy Kà Đay và con sông Ngàn Sâu, là một tộc người lạc hậu, sống chủ yếu trong hang đá, sinh sống bằng săn bắt, hái lượm.

Vào năm 1991, Bộ đội Biên phòng phát hiện ra bộ tộc này. Thời điểm mới phát hiện, họ chỉ là một nhóm người sống biệt lập trong rừng sâu, xa cách với thế giới bên ngoài. Sau khi phát hiện, người Chứt được đưa về sống tập trung trong những căn nhà kiên cố, được học tiếng Kinh, được hướng dẫn cách thức sản xuất, chăn nuôi và thay đổi sinh hoạt theo lối cũ. Giờ đây đồng bào Chứt phát triển thành bản với 42 hộ/150 nhân khẩu.

Gần 30 năm thoát khỏi cuộc sống biệt lập, cuộc sống của họ dần ổn định. Tuy vậy đồng bào nơi đây vẫn còn hạn chế về nhận thức cũng như trình độ hiểu biết. Họ suốt ngày quanh quẩn bên căn nhà, ít lao động sản xuất, đa phần mọi thứ đều được Nhà nước hỗ trợ và các nhà hảo tâm ủng hộ.

"Chồng tôi mất sớm, thú thực giờ tôi cũng không biết mình đã bao nhiêu tuổi. Cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay, các chú bộ đội Biên phòng cho gạo muối, cho chăn ấm, ốm đau thì được chữa bệnh, giờ không còn phải lo lắng nữa", bà Hồ Thị Bình (ở bàn Rào Tre) chia sẻ.

Những ngày đầu năm đến với bản Rào Tre, chúng tôi nhận thấy được niềm vui của đồng bào dân tộc Chứt. Họ vui bởi sự quan tâm của các Ban ngành, đoàn thể, của chính quyền địa phương. Chính vì những lẽ đó đã làm thay đổi những suy nghĩ, phong tục lạc hậu của họ.

Chị Hồ Thị Tình (31 tuổi, bản Rào Tre) cho biết: "Chúng tôi rất vui khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xây dựng những ngôi nhà sàn bằng bê tông cao 2 tầng, vừa chắc chắn, vừa rộng rãi. Dân bản yên tâm không còn lo gì nữa, ngoài ra nước sạch, đường điện cũng được đưa vào tận từng hộ dân bản, đời sống được đi lên nhiều rồi".

Xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết

Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có đề án 2571 giai đoạn 2015 - 2020 về hỗ trợ bảo tồn và phát triển đồng bào người Chứt phần nào có hiệu quả thiết thực. Song về lâu dài đang là bài toán đặt ra cho chính quyền nơi đây.

Theo một cán bộ Biên phòng cho biết, trước đây, việc vận động bà con xóa bỏ tập tục hôn nhân cận huyết trong thời gian qua rất khó khăn. Do quen với lối sống biệt lập trong sừng sâu, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài còn hạn chế nên tình trạng con chị lấy con em, con dì lấy con cậu vốn dĩ rất bình thường.

Để xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tuyên truyền nhưng vẫn không hiệu quả. Đến năm 2015, điều kỳ diệu đã xảy ra khi lần đầu tiên có hai cô gái người Chứt kết hôn với hai chàng trai người Kinh.

Ngày 7/4/2015, đám cưới của Hồ Thanh Mai (dân tộc Chứt) với chàng trai Lê Xuân Công (người Kinh) được mọi người gọi là "sự kiện lịch sử" của bản Rào Tre. Năm tháng sau, đồng bào Chứt tiếp tục tổ chức lễ thành hôn cho Hồ Thị Mỹ Duyên (người Chứt) và chàng trai Nguyễn Đình Nhân (người Kinh).

Trước đây, tập tục cưới hỏi của các cặp vợ chồng cũng rất đơn giản. Khi chàng trai yêu cô gái chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái. Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào đốt lửa, rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói quần áo sang nhà cô gái ở cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau. Vì thế, những đứa trẻ sinh ra từ cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật ảnh hưởng đến nòi giống của người Chứt.

Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng, nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt với thanh niên người kinh, thanh niên dân tộc Chứt ở Quảng Bình tạo điều kiện cho họ làm quen, hẹn hò, tìm hiểu. Nhiều chính sách khuyến khích người dân tộc khác kết hôn cùng người Chứt được thực hiện, hỗ trợ 30 triệu đồng, được cấp đất làm nhà, được tổ chức đám cưới cũng là động lực xóa bỏ hôn nhân cận huyết.

Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết, hiện nay nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào người Chứt không còn nữa, do hạn chế về trình độ nhận thức nên việc đồng bào chủ động sản xuất đảm bảo cuộc sống chưa thể thực hiện được, chủ yếu đang dựa vào nguồn hỗ trợ. Tình trạng hôn nhân cận huyết được xóa bỏ song về lâu dài, vấn đề này đang đặt ra cho địa phương nhiều khó khăn.

"Hiện nay, cơ bản người Chứt vẫn sống riêng biệt. Việc để người Chứt kết hôn với người Kinh và các dân tộc khác đang là bài toán khó. Về lâu dài cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành hỗ trợ cùng địa phương để người Chứt được giao lưu ra bên ngoài nhiều hơn nhằm bảo tồn và phát triển dân tộc này", ông Cảnh cho hay.

Thượng tá Nguyễn Văn Sâm - Đồn trưởng đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết, vấn đề hôn nhân cận huyết tồn tại lâu đời ở người Chứt ảnh hưởng đến trình độ nhận thức của bộ tộc này, tuổi thọ trung bình của họ chỉ dưới 60 tuổi, việc để người Chứt tiếp cận ra bên ngoài đang gặp nhiều khó khăn. Thượng tá Nguyễn Văn Sâm chia sẻ: "Hiện tại, tỷ lệ đàn ông ở người Chứt chiếm đa số, cứ 18 người đàn ông có 3 người phụ nữ. Mặc dù đã có đề án hỗ trợ xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống nhưng trong 3 năm qua mới chỉ có 6 cặp vợ chồng được kết hôn giữa người Chứt với người Kinh. Từ đó, những vấn đề hệ lụy theo lối sinh hoạt cũ vẫn đang có nguy cơ tiềm ẩn trong cuộc sống của người dân nơi đây".

Bản Rào Tre có 41 hộ dân với 145 nhân khẩu, trước đây, người Chứt sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê. Từ năm 2001, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre. Từ đó, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương tích cực trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, dạy chữ, hướng dẫn đồng bào biết cách cày, cấy trồng cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Nguyễn Minh Lương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/xoa-bo-tap-tuc-hon-nhan-can-huyet-o-dong-bao-nguoi-chut-tai-ban-rao-tre-20200207195132328.htm