Xoa bóp phòng chống bệnh văn phòng

Bệnh văn phòng hay hội chứng bệnh văn phòng (SBS) là thuật ngữ chỉ các loại bệnh tật khác nhau, hay mệt mỏi, dễ béo phì, suy nhược toàn diện, đặc biệt là các bệnh về thần kinh, dạ dày, cột sống, khớp, mắt, tĩnh mạch...

có nhiều nguyên nhân từ những điều kiện và môi trường làm việc ở văn phòng, cao ốc và những công việc liên quan đến lao động đặc thù như thường xuyên tiếp xúc và làm việc với máy vi tính, giấy tờ, hồ sơ... với hoạt động lao động trí óc, quan hệ công việc đa dạng, phức tạp, cường độ làm việc cao, áp lực công việc lớn, công việc thường không có giờ giấc cố định...

Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo có đến 30% cao ốc mới và được nâng cấp trên thế giới có thể gây ra các triệu chứng bệnh văn phòng, trong đó phụ nữ là đối tượng dễ bị hơn. Bệnh văn phòng khiến nền kinh tế Anh mất 24,6 triệu ngày làm việc mỗi năm do nghỉ bệnh. Thậm chí có nguy cơ cảnh báo cho rằng những nhân viên văn phòng thường xuyên phải ngồi làm việc trong nhiều giờ liền phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.

Xoa bóp và day bấm các huyệt vị có tác dụng hoạt huyết thông mạch, thư cân giảm đau, phòng ngừa bệnh tật.

Để phòng chống căn bệnh thời hiện đại này, người ta khuyến cáo dân văn phòng phải thực hành nhiều biện pháp mang tính toàn diện và thường xuyên. Ngoài các biện pháp của y học hiện đại như vệ sinh lao động hợp lý, nghỉ ngơi thư giãn, dùng thuốc giảm đau, cải thiện tuần hoàn não và tim, dùng thuốc tăng lực, liệu pháp vitamin và nguyên tố vi lượng..., cũng nên trọng dụng các biện pháp của y học cổ truyền, ví như có thể tự mình hoặc nhờ người khác tiến hành day bấm một số huyệt vị châm cứu theo phác đồ có trình tự như sau:

Chọn nơi yên tĩnh, đặt cơ thể ở một tư thế thoải mái, tốt nhất là nửa nằm nửa ngồi, thả lỏng toàn thân, thở đều, nhẹ và sâu, tâm trí tập trung vào hơi thở trong 5 phút.

Dùng hai ngón tay giữa day ấn huyệt thái dương trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức cả vùng thái dương là được. Vị trí huyệt thái dương: ở chỗ lõm phía sau ngoài 1 tấc, ấn vào có cảm giác tê tức, có lúc nhìn rõ mạch máu nhỏ nổi lên.

Dùng hai ngón tay cái day bấm huyệt phong trì trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức cả vùng gáy là được. Vị trí huyệt phong trì: ở chỗ lõm dưới xương chẩm (đáy hộp sọ, phía ngoài hai khối cơ vùng gáy, khi ấn có cảm giác tê tức, mỗi bên một huyệt.

Ngồi thẳng người dậy, vòng tay phải trước ngực, vắt qua vai trái hết cỡ, đầu ngón tay giữa đặt ở đâu thì day bấm chỗ đó trong 2 phút với một lực tương đối mạnh sao cho đạt cảm giác tê tức cả vùng vai và vùng giữa hai xương bả vai bên trái là được. Tiếp tục vòng tay trái trước ngực, vắt qua vai phải hết cỡ... với thao tác tương tự.

Dùng tay trái bóp dọc tay phải từ vai xuống đến bàn tay 10 lần, rồi day ấn huyệt khúc trì bằng ngón tay cái với một lực vừa phải trong 1 phút. Tiếp đó, lại dùng tay phải bóp dọc tay trái từ vai xuống bàn tay và day bấm huyệt khúc trì bên trái với thao tác tương tự. Vị trí huyệt khúc trì: gấp cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, huyệt nằm ở đầu ngoài nếp gấp này, khi day đặt cẳng tay vuông góc với cánh tay.

Dùng hai bàn tay xát dọc hai khối cơ thắt lưng trong 1 phút sao cho tại chỗ nóng lên là được, sau đó day ấn hai huyệt thận du bằng hai ngón tay cái trong 1 phút. Vị trí huyệt thận du: xác định điểm cao nhất của hai cánh xương chậu ở vùng thắt lưng, giao điểm của đường nối hai điểm này với cột sống chính là mỏm gai đốt sống thắt lưng 4, từ đây tìm lên trên để xác định mỏm gai đốt sống thắt lưng 2 rồi đo ngang ra hai bên 1,5 tấc là vị trí của huyệt.

Hai tay ôm lấy đùi phải bóp dọc từ trên xuống dưới bàn chân 10 lần, sau đó đổi sang làm bên chân trái. Tiếp đó dùng hai ngón tay cái day bấm hai huyệt túc tam lý trong 2 phút. Vị trí huyệt túc tam lý: sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, khi ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài 1 khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.

Xát hai bàn tay vào nhau trong 1 phút, rồi dùng bàn tay bên nọ xát lòng bàn chân bên kia và ngược lại, mỗi bên 1 phút. Tiếp đó dùng hai ngón tay cái day bấm huyệt fũng tuyền trong 1 phút với một lực tương đối mạnh. Vị trí huyệt dũng tuyền: lấy ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 và bờ giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.

Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay giữa day ấn tất cả các điểm đau trên cơ thể (Đông y gọi là A thị huyệt), mỗi vị trí trong 1 phút. Sau đó, đưa cơ thể trở về tư thế nửa nằm nửa ngồi, thả lỏng toàn thân, thở thư giãn trong vài phút.

Khi xoa bóp và day bấm các huyệt vị có thể dùng các loại dầu nóng để làm tăng tác dụng hoạt huyết thông mạch, thư cân giảm đau. Sau khi thực hiện quy trình, nếu trời lạnh và cơ thể cảm thấy lạnh nên uống một cốc trà gừng nóng hoặc một chút rượu, nếu trời nóng và cơ thể cảm giác nóng bức nên uống một cốc bột sắn dây có vắt một vài giọt chanh hoặc một cốc trà bạc hà.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/xoa-bop-phong-chong-benh-van-phong-n136207.html