Xoa dịu 'nỗi đau xuyên năm tháng' chất độc da cam/dioxin

Chất độc da cam/dioxin mà Mỹ rải xuống Việt Nam thời gian chiến tranh đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề với những khu vực rộng lớn nhiễm chất độc và hàng triệu nạn nhân phải hứng chịu 'nỗi đau xuyên năm tháng', đòi hỏi nỗ lực bền bỉ cùng sự chung tay hợp tác giải quyết.

Ngày 5-11 vừa qua, dự án xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành với tổng kinh phí 110 triệu USD do Chính phủ Mỹ tài trợ

Ngày 5-11 vừa qua, dự án xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành với tổng kinh phí 110 triệu USD do Chính phủ Mỹ tài trợ

Nhóm Nghị sĩ châu Âu hữu nghị với Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Viện Aspen của Mỹ vừa tổ chức cuộc Tọa đàm về hậu quả chất độc da cam đối với các nạn nhân tại Việt Nam. Trong cuộc tọa đàm diễn ra tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Thủ đô Brussles, Vương quốc Bỉ, Tiến sĩ Charles Bailey, cựu Giám đốc chương trình chất độc da cam thuộc Viện Aspen đã giới thiệu về cuốn sách được viết cùng với cộng sự người Việt Nam là Tiến sĩ Lê Kế Sơn với tựa đề “Từ kẻ thù tới đối tác: Việt Nam, Hoa Kỳ và chất độc da cam”, trong đó nêu rõ những hậu quả nặng nề của chất diệt cỏ da cam/dioxine đối với con người cũng như môi trường Việt Nam trong 50 năm qua.

Trong suốt giai đoạn trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải tổng cộng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học diệt cỏ da cam/dioxin xuống gần 1/4 diện tích khu vực này. Chất độc da cam/dioxin không chỉ làm trụi cây lá sau khi rải xuống mà nghiêm trọng hơn bội phần là đã gây tác hại lâu dài tới môi trường, hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Theo thống kê, đến nay đã có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, trong đó hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết và hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, chất độc da cam/dioxin đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài không những đối với những người bị trực tiếp ảnh hưởng, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người đã bị phơi nhiễm với các di chứng hết sức nặng nề.

Hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đã quá rõ ràng và quốc tế rộng rãi đã công nhận với nhiều nạn nhân quốc tế đã được bồi thường do nhiễm chất độc này. Chính phủ Mỹ thời gian khá dài sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam đã từ chối công nhận vấn đề chất độc da cam/dioxin mà họ rải xuống miền Nam Việt Nam trước đây cũng như những hậu quả vô cùng nặng nề và kéo dài của nó. Tuy nhiên, lập trường của phía Mỹ về chất độc da cam đã bắt đầu thay đổi từ năm 2007, thời điểm Mỹ và Việt Nam đã cùng phối hợp trong nỗ lực giải quyết những hậu quả nặng nề do chất độc da cam/dioxin gây ra cho đất nước và người dân Việt Nam.

Trong giai đoạn 2007-2018, Chính phủ Mỹ đã trích lập tổng cộng 136 triệu USD dành cho việc xử lý các hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra ở Việt Nam. Số tiền này được tập trung cho hoạt động làm sạch đất nhiễm dioxin tại các Sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát (tỉnh Bình Định) và tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc y tế cho các nạn nhân tại những khu vực bị phun rải chất độc nặng nề trong chiến tranh.

Việt Nam cũng đã dành sự quan tâm và nguồn lực to lớn cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, do hậu quả quá nặng nề với những vùng rộng lớn cùng hàng triệu người phơi nhiễm nên rất cần sự chung tay của quốc tế, đặc biệt là trách nhiệm của người trực tiếp gây ra hậu quả này là chính quyền Mỹ, để góp phần xoa dịu “nỗi đau xuyên năm tháng” của hàng triệu nạn nhân.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/xoa-diu-noi-dau-xuyen-nam-thang-chat-doc-da-cam-dioxin/791672.antd