Xóa mờ nỗi ám ảnh thiên tai

Thảm họa, sự cố, thiên tai luôn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng. Nhỏ bé trước 'mẹ thiên nhiên', họ chỉ còn lại tay trắng sau tất cả. Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng, chắc chắn nỗi kinh hoàng sẽ theo họ suốt thời gian dài.

Ứng trực để ứng phó

Năm 2022, An Giang xảy ra 65 vụ mưa giông, lốc; 68 điểm sạt lở, sụp lún, rạn nứt đất bờ sông (tăng 25 điểm so năm 2021). Phút chốc, hơn 630 căn nhà bị xiêu vẹo, sập; 4 người bị thương do giông lốc, 2 người chết do sét đánh; hơn 600ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại; cần 1.500 người tham gia khắc phục hậu quả. Thiệt hại về tài sản có thể đong đếm được (ước tính hơn 34 tỷ đồng), nhưng thiệt hại về người, về cuộc sống của bà con nhân dân, biết lấy gì đong đếm?

Chính vì thế, hàng năm, nhiều cấp, ngành triển khai kế hoạch ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 6 Phó Trưởng ban (trong đó có 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và 30 ủy viên. Ban chỉ huy ứng phó cấp huyện cũng được kiện toàn; xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai đến từng xã, ấp và đến tận người dân, xem phòng ngừa là biện pháp ít tốn chi phí mà lại hiệu quả nhất.

Theo đại tá Thạch Thanh Tú, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh An Giang , lực lượng vũ trang duy trì nghiêm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm quân số, phương tiện, vật chất, luôn trong tâm thế cơ động lên đường chống chọi với thiên tai; luôn được huấn luyện cứu hộ, cứu nạn; hiệp đồng nhiệm vụ với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và đơn vị đứng chân trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước lũ trên sông; diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa bão; kịp thời thông báo, chỉ đạo, phối hợp phòng tránh, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

Nhưng hiện nay, lực lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực này (cấp tỉnh, huyện, xã) rất mỏng, đa số kiêm nhiệm. Nguồn kinh phí rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Khi thiếu cả về nhân lực, vật lực, chỉ có thể cùng hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ ứng phó thảm họa sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

“Chúng tôi đề nghị các đơn vị (đơn vị trực thuộc Quân khu 9, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh…) phối hợp lực lượng vũ trang tỉnh triển khai tốt kế hoạch hiệp đồng năm 2023; sẵn sàng huy động, chi viện mọi khả năng theo đề nghị của Bộ CHQS tỉnh khi có tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Quá trình thực hiện, cần quán triệt, vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng không để thiệt hại về người do lỗi chủ quan; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước, nhân dân” - đại tá Thạch Thanh Tú thông tin.

Chờ đợi luật hóa phòng thủ dân sự

Chiều 24/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, với 127 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 5 văn bản tham gia ý kiến của các đoàn ĐBQH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 lần cho ý kiến về dự thảo luật này.

Trước khi được nhất trí thông qua, dự án Luật Phòng thủ dân sự vẫn tiếp tục được bàn thảo sôi nổi. Bởi vì, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng trong đời sống xã hội, trong phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Những hoạt động phòng thủ dân sự diễn ra trong không gian rất rộng, thời gian diễn ra rất nhanh, tính chất, mức độ, cấp độ khác nhau và rất phức tạp, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tổ chức, của nhà nước. Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại tá Chau Chắc (Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, ĐBQH tỉnh) lấy ví dụ về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh như trong phòng, chống bão lũ, phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua.

Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự là phải chuẩn bị từ sớm, từ xa; phải chuẩn bị trước nguồn lực. Trong đó, nguồn lực tài chính rất quan trọng, giúp ứng phó kịp thời với thảm họa, sự cố xảy ra.

“Thực tiễn các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho thấy, việc chuẩn bị lực lượng dự bị tốt, công tác hậu phương tốt sẽ giúp chủ động trong mọi tình huống, giành thắng lợi cao và ngược lại. Do đó, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ tạo ra nguồn lực lớn, “đỡ đần” ngân sách nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời. Tôi nhất trí với phương án 1 (như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung)” - đại tá Chau Chắc bày tỏ.

Cùng đóng góp cho dự án Luật Phòng thủ dân sự, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (tỉnh Bến Tre) cho rằng, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự án luật tương đối hoàn thiện. Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định tại Điều 3, đại biểu đề nghị bổ sung thêm “hoạt động phòng thủ dân sự là trách nhiệm của toàn dân”, để nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan tổ chức, đơn vị và toàn thể nhân dân, cùng tham gia vào hoạt động phòng thủ dân sự.

Trước khi chờ đợi Luật Phòng thủ dân sự chính thức ra đời, việc phòng, chống thảm họa, sự cố, thiên tai vẫn phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, trên tinh thần sẵn sàng ứng phó cao nhất. Đó không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng, cơ quan nào, mà còn nằm ngay chính tinh thần “tự giữ cho mình” của mỗi người dân.

VẠN LỘC

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xoa-mo-noi-am-anh-thien-tai-a363976.html