Xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc Mông ở bản Nậm Khiên

Giáo viên là cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An và các thầy cô giáo Trường Tiểu học Nậm Càn; học trò là những bà, mẹ, các cô gái người dân tộc Mông ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, khi màn đêm buông xuống, bất kể mưa gió, trong bản lại vang lên tiếng đánh vần học bài của phụ nữ người dân tộc Mông nơi đây.

Thiếu tá Phan Văn Bình hướng dẫn cho học viên tập viết. Ảnh: Hải Thượng

Từ hơn một tháng nay, đều đặn lúc 19 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, các mẹ, các bà, các chị ở bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn lại đến điểm Trường Tiểu học Nậm Khiên học lớp xóa mù chữ. Họ là những phụ nữ chưa từng biết chữ, có người cũng đã từng đi học nhưng cái khó, cái khổ của cuộc sống đã khiến cho cái chữ rơi rụng hết nên đến đây để tìm lại con chữ. Người già nhất trong lớp xóa mù chữ đã ngoài 50 tuổi, người trẻ cũng đã gần 20 tuổi.

Từ những bỡ ngỡ, khó khăn khi cầm bút của ngày đầu khai giảng lớp, đến nay, các chị đưa nét bút đã không còn khó nhọc nữa, đọc vần, ghép chữ cũng rõ ràng hơn. Hằng đêm, những học viên này hiếm khi vắng mặt ở lớp học. Hơn 50 tuổi đời, giờ đây, bà Lầu Y Ca đã lên chức bà nội, bà ngoại. Khi nói chuyện với chúng tôi, bà chỉ cười, nhưng nói đến học chữ bà hồ hởi chia sẻ: “Học chữ khó lắm nhưng phải cố gắng. Ban đầu tôi đọc còn sai, dần dần, thầy chỉ cho đọc nhiều lần thì cũng đọc đúng”.

Em Lầu Y Mò, năm nay mới 20 tuổi, đã từng đi học, nhưng do cuộc sống khó khăn nên em không được tiếp tục đến lớp. Những con chữ ít ỏi em học được trước kia cũng rơi rụng dần trên nương rẫy trong cuộc vật lộn mưu sinh hằng ngày. Bàn tay quen với cầm quốc cầm dao, nay dần quen với cầm bút, tuổi còn trẻ nên Y Mò tiếp thu nhanh hơn các học viên khác. Hạnh phúc nhất của Y Mò bây giờ là tự tay viết được tên mình, cái mà bao lâu nay muốn làm mà em thấy rất khó. “Mình biết cách ghép âm, đặt dấu đúng chỗ nên hay được các thầy, cô cho đọc trước” - Lầu Y Mò chia sẻ.

Do điều kiện thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn và tục tập lạc hậu là lý do khiến cho hầu hết phụ nữ người Mông ở Nậm Càn không biết chữ. Họ còn là lao động chính trong gia đình, vì vậy, BĐBP đã phối hợp với nhà trường và địa phương đến từng gia đình tuyên truyền, vận động để chị em đến lớp học xóa mù chữ, đặc biệt là sự ủng hộ của người chồng trong gia đình. Ông Lầu Giống Dê, bản Nậm Khiên, chia sẻ: Chủ trương xóa mù chữ cho phụ nữ trong bản là rất tốt, để họ biết đọc, biết viết, cuộc sống đỡ khổ hơn. Người dân biết chữ thì biết được nhiều, đi ra ngoài mạnh dạn hơn.

Lớp xóa mũ chữ ở bản Nậm Khiên do Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp với Trường Tiểu học xã Nậm Càn và chính quyền địa phương xã tổ chức. Lớp học kéo dài 4 tháng, do các cán bộ Biên phòng và các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn cách nhận biết chữ, đánh vần và phát âm, sau đó các học viên sẽ được kiểm tra, xếp loại đạt hoặc chưa đạt để tiếp tục bồi dưỡng thêm.

Thầy Nguyễn Bá Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Càn cho biết: Lớp xóa mù này được dạy vào buổi tối, để đảm bảo ngày làm việc cho các học viên. Việc lên lớp do nhà trường và cán bộ đồn Biên phòng thực hiện phân công giáo viên và cán bộ bám lớp, đảm bảo đúng thời gian. “Tham gia lớp học, các học viên được miễn phí hoàn toàn sách, bút. Bên cạnh học chữ, các học viên còn được trang bị kiến thức về pháp luật, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống mua bán người, phòng chống tội phạm ma túy...” - Trung tá Nguyễn Tư Hóa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn, cho biết.

Là người trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho các học viên, Thiếu tá Phan Văn Bình, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn vẫn đều đặn hằng ngày vượt gần 10 cây số đường rừng từ đồn Biên phòng đến bản Nậm Khiên dạy chữ cho các học viên bất kể trời mưa hay nắng. Anh chia sẻ: Do trình độ học viên không đồng đều nên trong quá trình dạy học, các giáo viên lên lớp đã nhờ người trẻ hỗ trợ người già như việc đánh vần, tập viết..., để người già theo kịp chương trình học.

Không chỉ làm quen với con chữ, những học viên của lớp xóa mù chữ còn ý thức được rằng, biết chữ sẽ đem ánh sáng văn hóa đến với gia đình và bản làng. Có cái chữ, cuộc sống của phụ nữ người Mông sẽ bớt khó khăn hơn.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xoa-mu-chu-cho-phu-nu-dan-toc-mong-o-ban-nam-khien/