'Xóa nghèo' kiến thức pháp luật qua truyền thông trợ giúp pháp lý

Cung cấp pháp lý miễn phí, thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức để góp phần phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật là việc làm thường xuyên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) khi thực hiện trợ giúp pháp lý truyền thông hướng mạnh về cơ sở.

Người dân được tư vấn pháp luật miễn phí tại địa phương

Theo chân đoàn truyền thông trợ giúp pháp lý tại xã Ô Lâm và Châu Lăng (Tri Tôn) mới thấy hết sự quan tâm của bà con khi họ đến từ rất sớm để đón đoàn. đáp lại lòng mong mỏi của người dân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) Phan Ngọc Minh đã thông tin một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer về quyền, nghĩa vụ được trợ giúp pháp lý miễn phí, hình thức được trợ giúp pháp lý và chính sách trợ giúp pháp lý đối với đồng bào DTTS Khmer.

Tại buổi truyền thông trợ giúp pháp lý lần này, luật gia Phan Ngọc Minh đã đi sâu thông tin Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013. Cùng với đó là những tư vấn pháp luật theo yêu cầu của người dân thuộc các lĩnh vực: dân sự, đất đai, khiếu nại, tố cáo… Người dân rất thích thú khi được tư vấn nhiều về pháp luật, những gì chưa biết hoặc không hiểu từ bấy lâu nay đều được giải tỏa qua lắng nghe, trao đổi với luật gia.

Sự mạnh dạn đặt câu hỏi đã giúp người dân cởi mở hơn, khác với không khí căng thẳng, lo ngại ban đầu. Việc giải đáp ngay tại chỗ những thắc mắc của người dân về pháp luật góp phần “xóa nghèo” kiến thức pháp luật cho rất nhiều bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS Khmer. Đây chính là “sức hút” của hoạt động trợ giúp pháp lý truyền thông. Tất nhiên, để có được buổi truyền thông pháp luật miễn phí trọn vẹn, trước đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương được đoàn về trợ giúp pháp lý, khảo sát đối tượng và nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người dân. đây là khâu quan trọng, nếu được thực hiện tốt thì buổi trợ giúp pháp lý sẽ đạt hiệu quả cao. Nó không chỉ giúp chính quyền địa phương rất nhiều trong việc giải đáp pháp luật đối với một số trường hợp cụ thể, mà còn cung cấp thông tin pháp lý, triển khai những quy định của pháp luật cho đông đảo người dân đến tham gia buổi trợ giúp pháp lý lưu động. Từ đó góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Ngày hôm ấy, người dân tham dự quan tâm rất nhiều về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Bà Neáng Nganh (sinh năm 1962, ngụ ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm) bày tỏ: “Được chính quyền địa phương thông báo về việc có đoàn trợ giúp pháp lý miễn phí về, tôi mừng lắm và tranh thủ làm xong việc nhà từ sớm để đến nghe tư vấn. Tôi và mọi người rất vui khi được tham gia buổi tư vấn pháp luật hôm nay và hiểu hơn về phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, chúng tôi còn được nhận thêm những tờ bướm tuyên truyền pháp luật về: một số nội dung cơ bản của Luật Trẻ em năm 2016; những quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2013… rất bổ ích. Chúng tôi hy vọng sẽ được tham dự nhiều buổi tư vấn pháp luật miễn phí như thế này để hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật của nhà nước!”.

Theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Phòng Tư pháp và Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 44 cuộc tuyên truyền - tư vấn pháp lý truyền thông với 1.525 người dân tham dự. Tiếp nhận tư vấn pháp luật văn bản cho 33 trường hợp và tư vấn miệng cho 99 trường hợp, tập trung ở các lĩnh vực pháp luật: dân sự, đất đai, hình sự, hôn nhân và gia đình, khiếu nại, tố cáo, chế độ chính sách đối với người có công và một số lĩnh vực khác.

Có thể nói, hoạt động tư vấn pháp lý truyền thông đã góp phần tích cực giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, giữ ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/-xoa-ngheo-kien-thuc-phap-luat-qua-truyen-thong-tro-giup-phap-ly-a259201.html